Tượng đá trong lăng mộ các vua nhà Nguyễn  là một trong những mảng chính của mỹ thuật Huế, song cho tới nay nó vẫn chưa được giới thiệu nghiên cứu chú ý đúng mức cho nên những nhận định về nhóm tượng này còn rất nhiều hạn chế.

Hơn nữa thế kỷ trước, khi khảo cứu tượng đá trong các lăng tẩm ở Huế, Ed Castagnol đã nhận xét: “Nói về các tượng tạc bằng đá trong các lăng tẩm, chúng tôi bắt buộc phát kết luận rằng ý sáng tạo thực quả là nghèo nàn, hơn nữa còn một sự vụng về là tạc những tượng đá to quá mà không nhận thấy rằng thế kỷ 19 nghệ thuật này đã bị thoái hóa… Vào thời gian xây những tôn lăng này thì nghệ thuật ấy đã ở bước thoái khá trầm trọng. Những dáng điệu cứng đờ bắt buộc phải tạc theo yêu cầu lễ nghi của triều đình càng làm cho nhà điêu khắc thêm lúng túng…, phong cách tạo hình của toàn bộ thật cứng nhắc và không còn chút gì là nghệ thuật” (Castagnol, 1939).

Tượng đá tại lăng Khải Định

Năm 1970, khi viết về Nghệ thuật tạo hình Huế Nguyễn Phi Hoanh cũng phát biểu: “Tượng ở các lăng từ Gia Long về sau có thể nói là thuộc vào loại ấu trĩ của nghệ thuật. Những tượng người và voi ngựa rập khuôn một cách vụng về theo kiểu đã có ở các lăng tẩm thuộc các đời vua nhà Minh (Trung Quốc) hay thời Hậu Lê ở Lam Sơn… Chúng là những hình không có một mảy may sinh động cũng như triều đại đẻ ra chúng. Chúng tôi xin nêu ra một ví dụ điển hình là tượng ngựa ở lăng Thiệu Trị cũng như ở nhiều lăng khác. Ta cứ tưởng tượng một thân hình ngựa rất to không theo một nguyên tắc nào về giải phẩu học, nằm trên bốn cái chân hình ống đứng thẳng như bốn khúc nứa dựng lên. Để diễn tả bốn chân ngựa, tác giả làm hình ống ngắn hơn như bốn hộp “bơ” để dưới… Đây là con ngựa đá! Trước một hình như vậy, ta phải tự hỏi tác giả không bao giờ nhìn thấy một con ngựa chăng? Và chẳng lẽ cũng không bao giờ nhìn thấy một con người? Tượng người trong các lăng không hơn gì tượng ngựa. Chúng không có một giá trị gì về nghệ thuật” (Nguyên Phi Hoanh, 1970: 127)

Ngoài hai tác giả trên, cácnhà nghiên cứu khác tuy viết về lăng tẩm ở Huế, nhưng cũng chưa ai đánh giá đúng các tượng đá trong những di tích ấy. Phải chăng những pho tượng đá này không đáng được quan tâm bởi chúng chẳng có giá trị gì về nghệ thuật?

Mãi gần đây, giới văn hóa Huế mới giới thiệu tương đối nhiều về giá trị của những tượng đá ấy. Tuy nhiên, vẫn nên tìm hiểu kỹ hơn về nó, trong mối quan hệ với lăng mộ vua các triều đại tự chủ và với các lăng mộ bên Trung Hoa.

Theo nhiều tài liệu, ở Trung Hoa, việc xây dựng lăng mộ cho các bậc vương giả đã có từ thời nhà Chu . Đến thời Hán, chính quyền phong kiến quy định nghi thức mai táng và quy mô lăng mộ, trong đó có việc dựng tượng, theo phẩm hàm của người chết rất chặc chẽ. Quy định này được các triều đại sau đó tuân thủ như một khuôn thước bât du bất dịch. Về đại thể, phía trước phần mộ có một con đường gọi là “Thần đạo”, hai bên đường được dựng một hệ thống đăng đối nhau gồm côt, tượng quan văn, quan võ, và thú vật.

Ở nước ta, sử sách có ghi chép lăng mộ các vua từ Ngô Quyền về sau nhưng vết tích trên thực địa chẳng còn lại bao nhiêu. Lăng mộ các nhà vua thời Lý không còn lại dấu vết vật chất gì của ngày xây cất, chỉ có tấm bia dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840) để chỉ định phần mộ mà thôi. Hoặc như lăng mộ các vua Trần xây cất ở khu Yên Sinh (Quảng Ninh) cũng vậy. Ngoài tấm bia dựng năm Minh Mạng thứ 21 ra, dấu vết vật chất của thời Trần chỉ còn lại những tượng rồng và kỳ lân trên thành bậc cửa ở lăng các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Dụ Tông.

Riêng lăng vua Trần Hiến Tông (mất năm 1344, táng ở Thái Bình, đến năm 1381 dời về Yên Sinh), là còn tượng song cũng mất mát nhiều. Vào thời Nguyễn, khi khảo sát di tích này, các tác giả sách Đại Nam nhất thống chí vẫn thấy các tượng đá người, voi, người, hổ, dê và trâu. Nhưng hơn 20 năm trước đây, ở di tích này, các di vật đã mất gần hết. Trên hiện trường chỉ còn các tượng quan văn, tượng trâu và chó.

Tình hình của lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) cũng tương tự như vậy. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết rằng tại đây có các tượng hổm chim, dơi và bình phong bằng đá, nhưng nay chỉ còn tượng hổ.

Sang thời Lê sơ, ở giai đoạn đầu, các vua đã mất được rước về Lam Sơn (Thanh Hóa) táng và xây lăng mộ. Trừ một số lăng mộ đã bị xáo trộn, ở các lăng vua Lê Thái Tổ (dựng năm 1433), vua Lê Thánh Tôn (dựng năm 1504) còn giữ nguyên được mặt bằng, cho biết hai bên đường thần đạo có các cặp tượng đá xếp thành hai hàng đối diện gồm quan văn, lân, tê giác, ngựa, hổ (hoặc voi) mỗi thứ một cặp. Thứ tự, trừ tượng quan văn bao giờ cũng ở trong cùng, còn tượng thú luôn bị đảo, từ ngoài vào trong ở lăng Lê Thái Tổ là hổ - ngựa – tê giác, đến Lê Hiển Tông lại là tê giác – lân – voi – ngựa.

Đến thời Hậu Lê, ở thế kỷ XVIII và XIX, nhiều quan lại cũng xây lăng mộ, hai bên thần đạo cũng có hai dãy tượng. Tùy  từng mộ mà số lượng gồm các võ sĩ, chó, có khi cả voi và ngựa.

Các tượng người và thú trong các lăng mộ thời Lê đều ở tư thế hành lễ trang nghiêm, trừ hổ và chó ở dáng ngồi chổm chống hai chân trước. Những tượng đá các lăng mộ thời Lê sơ làm nhỏ (cao không quá 1,10m), còn có chung đều có kích thước tương đương với người và thú trưởng thành.

Sang thời Nguyễn, lăng mộ của một số quan lại ngoài Bắc vẫn cấu trúc theo mẫu của các thế kỷ trước. Về điêu khắc vẫn có những hàng tượng đá đăng đối, đa số có đôi chó đeo lục lạc trước cổ, ngồi cạnh hai bên cổng lăng, trong sân có tượng voi, ngựa là khối đặc giữa bốn chân duỗi thẳng.

Cũng giống như các lăng mộ ngoài Bắc được làm theo mẫu lăng mộ của các hoàng đế Trung Hoa, tại lăng mộ các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định ở Huế, các hàng tượng được đặt dọc theo hai bên sân bái đình và quay nhìn vào lòng sân. Ở những di tích có lăng và tẩm nằm trên hai trục dọc khác nhau, như các lăng Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh thì sân bái đình đặt ở bên lăng, từ đó phải qua nhiều cấp nền nữa mới đến điểm cuối là nấm mộ, tượng được dựng tại nền đầu tiên. Riêng hai lăng Minh Mạng và Khải Định, lăng và tẩm cùng nằm trên một trục dọc, nền sân bái đình của tẩm cũng là của lăng, nhưng do cấu trúc mặt bằng khác nhau nên vị trí bái đình ( nơi đặt tượng) của hai bên có khác nhau. Ở lăng Minh Mạng, mặt nền của các kiến trúc cao thấp khác nhau nên tượng được đặt ngay ở lớp nền đầu tiên. Ngược lại, lăng Khải Định chạy dọc theo sườn núi nên các tầng nền phía dưới dường như chỉ là quãng nghỉ của chuỗi bậc thang. Bởi vậy tầng nền sát tầng đặt lăng và tẩm mới được dùng làm bái đình với hai hàng tượng.

Trong năm lăng trước từ Gia Long đến lăng Đồng Khánh, tượng ở hai bên sân bái đình đều dàn mỗi bên một hàng ngang, tạo thành từng cặp đối nhau, thứ tự từ ngoài vào trong theo chiều dọc của sân là một đôi voi, một đôi ngựa, hai hoặc ba đôi quan võ, cuối cùng là hai đôi quan văn. Ở lăng Khải Định thì ngoài các tượng quan văn, quan võ, ngựa và voi, còn nhiều đôi tượng lính túc vệ, vẫn dàn ngang và xếp dọc hai bên san bái đình, mỗi bên có hai hàng. Từ ngoài vào trong, ở hàng trước là hai đôi quan võ rồi đến hai đôi quan văn, còn ở hàng sau là một đôi voi, một đôi ngựa rồi đến sáu đôi lính túc vệ. Về chất liệu, chỉ có các tượng ở lăng Đồng Khánh được đắp bằng vữa tam hợp cát thô như bê tông giả đá, còn hầu hết tượng ở các lăng khác làm bằng đó, chỉ có một số rất ít trong đó do đời sau làm lại bằng vôi vữa (như các cặp tượng voi và ngựa ở lăng Tự Đức). Chúng tôi chỉ đề cập tới các tượng nguyên có từ ngày dựng lăng.

Cùng thể tài và phong cách với tượng người ở các lăng mộ, tại sân Bảo tàng Huế (tức Bảo tàng Khải Định cũ), ở rìa vườn hoa cạnh lối đi cũng có năm pho tượng gồm 3 quan văn và 2 lính túc vệ giống như tượng cùng loại ở lăng Khải Định, theo một số nhân chứng thì số tượng này được chuyển từ Quốc Tử Giám (mấy năm trước là Bảo tàng Bình Trị Thiên) về đây.

Như vậy, số lượng tượng hiện còn tại 6 lăng và sân Bảo tàng khá nhiều. Thống kê cho biết:

Lăng

Tượng

Voi

Ngựa

Quan võ

Quan văn

Lính

Gia Long

2

2

6

4

 

Minh Mạng

2

2

6

4

 

Thiệu Trị

2

2

6

4

 

Tự Đức

Làm lại

Làm lại

4

4

 

Đồng Khánh

2

2

4

4

 

Khải Định

2

2

4

4

12

Bảo tàng Huế

 

 

 

3

12

Cộng

10

10

30

27

14

Tất cả có 91 pho tượng, song chỉ gồm có 5 loại tượng là voi, ngựa, quan võ, quan văn và lính túc vệ. So với các loại tượng trong các lăng vua Trần và các lăng vua Lê ở ngoài Bắc, thì tượng trong các lăng vua Nguyễn ở Huế có phần “nghèo” hơn cả về đề tài và bố cục vì những người tạc tượng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định đã trở thành công thức do triều đình đưa ra. Đên lăng Khải Định, công thức tạc tượng mới hơi nới ra một chút.

Tuy vậy, những pho tượng ở Huế vẫn là những tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ. Nghệ sũ nghiên cứu đối tượng khá kỹ, nắm vững cách thể hiện từng chi tiết cũng như toàn thể pho tượng. Các bộ phận phối hợp nhau trong một đường viền rõ ràng, lặng lẽ, nghiêm túc, các mảng căng phồng phát triển theo hướng đứng thẳng là chính, điểm xuyết bởi một số đường ngang và ít đường cong uốn lượn làm cho trong sự chắc khỏe của tượng có cả vẻ uyển chuyển, dịu dàng. Cả một hệ thống được xếp thành hàng ngang hai bên sân bái đình rộng thênh thang và vắng lặng càng tạo nên một sự uy nghi trầm mặc, thu cuộc sống vào nội tâm để rồi cùng với những “cây thiêng” phía sau, hàng đại ở gần, hàng thông ở xa, hòa với tiếng chim hót, gió reo, quyện với núi rừng để nhập vào vũ trụ. Suy cho cùng, sự đăng đối trên tàng cá thể đến sự đối xứng trong cả quần thể tượng, hoàn toàn phù hợp với tính chất lăng mộ của một thời chuyên chế.

Về kích thước, tất cả 91 pho tượng người, voi, ngựa kể trên, ở mỗi loại có độ cao tương đương nhau và lấy tượng người làm chuẩn (tượng người cao xấp xỉ người thực đã trưởng thành) để tính chiều cao của các tượng voi và ngựa nhằm tạo ra tương quan chung trong quần thể.

Dù “cao” hay “lùn”, thì tượng trong các lăng tẩm ở Huế với kích thước không thấp hơn người thực bao nhiêu, lại được thể hiện khá tỉ mỉ, tỉa tót đến từng sợi râu, sợi tóc, tư thế nghiêm trang, tĩnh lại gây ấn tượng như các nhân vật bằng xương thịt, làm tăng thêm nhiều lần tính uy nghi của di tích và tạo ra sự kính cẩn ở những người lao động.

Riêng lăng Tự Đức, trong không khí vui động bao trùm lên di tích, các mảng kiến trúc hiện ra bất ngờ, đan cài vào thiên nhiên và chất thơ bọc kín các nghi thức lăng tẩm, thì các tượng (chủ yếu quan văn và quan võ), tuy vẫn có kích thước như các lăng khác, nhưng được thể hiện bởi bố cục không cân đối như che lấp, phần bệ, hình thức tượng tương đối thô, mặt bẹt, gáy thẳng, cổ lớn, chiều ngang phát triển… lại phá đi tính trang trọng ở nơi thẩm nghiêm, tạo ra sự thoải mái, thậm chí hơi hài hước, khiến cho người sống khi qua đây thấy mình được thư giãn.

Tất cả các tượng trên bằng đá (hoặc giả đá như ở lăng Đồng Khánh) một chất liệu thích hợp với điêu khắc ngoài trời, có thể được sự tác động của nắng mưa mà đường nét và mảng khối ít bị mòn.

Riêng lăng Đồng Khánh do Khải Định cho đại tu năm 1923, các tượng đều được đắp bằng vữa tam hợp với cát núi thô, bên trong có gạch ngói và đôi chỗ có cả cốt sắt. Những tượng này cứ đắp bồi to dần theo nhiều lớp, lớp trong cát thô, lớp ngoài mịn hơn nhưng vẫn không có vẻ đanh chắc của đá. Tượng người ở đây thanh, hẹp ngang, cao chừng 6 đầu, nét mặt mỗi người một khác, mang tính chân dung.

Nhìn lại toàn tuyến tượng lăng mộ, ở mỗi thời có một cách giải quyết, đến thời Nguyễn đã được quy định thành thể chế nhà nước. Theo Đại Nam thực lục, năm 1831 vua Minh Mạng đã sai bộ Công nghĩ mẫu tượng đá quan văn, quan võ, lính thị vệ, voi đá, ngựa đá để thợ Quảng Nam, Thanh Hóa chế tạo. Tượng quan văn, quan võ mỗi thứ một đôi, sáu tượng lính thị vệ, đều cao 3 thước 6 tấc, voi đá hai con, mỗi con cao 4 thước 1 tấc; ngựa đá hai con, mỗi con cao 2 thước 7 tấc. Khi chế tạo xong đệ về Kinh, Vua sai đem bày ở lăng Thiên Thụ (tức lăng Gia Long – C.Q.T) (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1964).

Từ lăng Gia Long, tượng ở lăng sau cứ theo quy định đã thành công thức như trên để chế tạo. Tuy nhiên, từ quy định văn bản đến thực tế chế tạo, các kích thước có thể xê xích trong sai số cho phép chứ không quá chặt chẽ cứng nhắc.

Về số lượng các loại tượng thì giữa quy định trong văn bản và thực tế cũng khác nhau.

Các tượng ở lăng Gia Long không phải do một hiệp thợ tạc mà từ mẫu tượng của bộ Công, hai hiệp thợ ở Quảng Nam và Thanh Hóa chia nhau thực hiện. Một số người ở Huế cho biết thợ Quảng Nam tạc tưởng voi và ngựa, còn thợ Thanh Hóa tạc tượng người. So sánh tượng đá ở lăng Gia Long với tượng đá trong lăng mộ thời Lê – Nguyễn ở ngoài Bắc, chúng tôi thấy ý kiến trên có phần tin được. Nhưng kể cả hai hiệp thợ khi tiếp nhận cái quy lệ tạc tượng truyền thống, họ đã cải biến theo phẩm mỹ chung của thời đại mình, chú ý hơn đến chi tiết, sử dụng đường cong nhiều, khiến cho các pho tượng gần với hình mẫu thực, vừa trang nghiêm vừa sống động. Đây là một bước tiến hướng nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XIX của nước ta tiếp cận dần với xu hướng chung của thế giới.