Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, vùng đất sông Hương - núi Ngự là nơi hội tụ nhiều dòng nhạc mang đậm bản sắc Huế như dòng nhạc cung đình bác học, dòng nhạc dân gian, dòng nhạc tín ngưỡng tôn giáo, cùng với nền tảng thơ văn, mỹ thuật, lễ hội dân gian và làng nghề thủ công truyền thống góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Huế xưa và nay.

Nhạc Huế mang sắc thái địa phương rõ rệt, nhưng nhạc Huế lại không phải là một thứ âm nhạc địa phương, dưới các triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Do hoàn cảnh lịch sử, nhạc Huế - qua thành phần nhạc lễ và cung đình của nó - đã một thời gian khá dài đóng vai trò là "quốc nhạc" dưới thời thuộc Pháp. Nhạc Huế vẫn chinh phục được quần chúng hâm mộ rộng rãi, được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và Nam. Và ở những nơi này, không phải chỉ có vấn đề thưởng thức nhạc Huế như một đặc sản có hương vị lạ từ nơi khác đem đến, mà người ta còn thấy hiện tượng nhạc Huế thâm nhập vào nhạc Bắc, ảnh hưởng trở lại làm giàu có thêm cội nguồn miền Bắc, đồng thời khi đi sâu vào Nam, nó lại đã đóng góp những nhân tố quan trọng, từ đó đã nảy sinh và hình thành cái được xem là phong cách đặc thù của âm nhạc miền Nam.

Nếu nói về gốc gác lịch sử, có lẽ không ai phủ nhận nhạc Huế đã khởi sự hình thành từ cội nguồn nhạc Bắc. Những cứ liệu lịch sử từ thời Nguyễn Hoàng vào xã Ái Tử (Quảng Trị) hay câu chuyện Đào Duy Từ , cho thấy: trên đà mở nước vào phía Nam, văn học nghệ thuật nơi đất Tổ lưu vực sông Hồng đã từ mấy thế kỷ vượt qua sông Gianh và Bến Hải. Lại có thể lấy chứng cớ khác ngay trong bản thân nhạc Huế: những "bản Bắc", còn mang một cái tên có ý nghĩa nữa là những "bản Ngự", với tính chất một thành phần cơ sở của nhạc Huế, đã vừa nói lên cái xuất xứ cũng như mối quan hệ khăng khít với nhạc Bắc...

Do hoàn cảnh địa lý, với những bãi biển, với sông Hương núi Ngự dễ để con người tức cảnh sinh tình, hay trong cuộc sống lao động và sự sinh tồn, để giảm bớt những khó khăn vất vả, nhọc nhằn trong lao động sản xuất, những điệu hò câu ví và các loại hình nghệ thuật dân gian cũng được hình thành và ngày càng phong phú. Nói cách khác, do những điều kiện kinh tế khắc nghiệt nhiều hơn là thuận lợi, đã buộc con người, bằng mọi cách, kể cả cách dùng phương tiện nghệ thuật, vươn lên chống chọi với thiên nhiên, kiếm tìm cuộc sống ấm no hơn. Do những dấu giọng đặc thù trong tiếng nói, uyển chuyển tinh vi, những cái "tiểu dị" thực đáng yêu trong cái "đại đồng" của tiếng nói chung dân tộc, hay là do chính ở đây, nơi tiếp xúc với nền văn hóa nghệ thuật, dân tộc Chăm đã hình thành những âm điệu, giọng điệu, những thể loại mới mẻ so với cái vốn cổ truyền từ Bắc đem vào, tạo nét đặc trưng riêng cái thường được gọi là phong cách "Huế", phong cách "miền Trung", hay nói gọn là "nhạc Huế".

Ngày nay dưới con mắt những người đang tìm hiểu và nghiên cứu âm nhạc truyền thống, tạm cách ly khỏi mọi ảnh hưởng của "tân nhạc" đã lan tràn và phổ biến rộng khắp từ phong trào "cải cách", "nhạc Huế" với tư cách một bộ phận của truyền thống đó thường được xem như gồm ba thành phần chính yếu:

1. Nhạc Lễ (bao gồm cả nhạc Cung đình và nhạc Rõi bóng)

2. Dân ca (bao gồm các điệu hò, lý, kể vè...)

3. Ca Huế

Đội nhã lễ trong Cung ngày xưa

1. Nhạc Lễ là nhạc sử dụng trong các nghi lễ đời sống phong kiến ngày trước. Thời Lê sơ, nhạc Cung đình và nhạc Lễ trong dân gian có sự khác biệt: Loại thứ nhất do các bộ Đồng văn và Nhã nhạc trình tấu; loại thứ hai do ty Giáo phường quản lý. Với sự suy tàn của các triều đại về sau, đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, nhạc Cung đình đã bị phân hóa mạnh mẽ: bộ phận gần gũi với lễ nghi đời sống nhân dân thì đồng hoá luôn với nhạc lễ dân gian. Cùng với âm nhạc Rõi bóng (tức là Chầu văn ở miền Trung), thành phần âm nhạc này dựa trên cơ sở chính là nhạc đàn: theo truyền thống từ nhạc Cung đình để lại, ở đây có hai hình thức: Đại nhạc, gồm chủ yếu bộ gõ và kèn, và Tiểu nhạc, gồm chủ yếu các loại nhạc dây, nhiều nhất là dây gảỵ Bài bản nhạc Lễ sắp xếp theo những hệ thống chặt chẽ, tuỳ theo mỗi nghi thức lễ lạc, giống những liên khúc, tổ khúc ở nhạc mới, với những tên bài phần lớn chữ Hán Việt như Phẩm Tuyết, Tây Mai, Long Đăng, Long Ngâm (tiểu nhạc), Ngũ lôi cổ, Đăng Đàn, Mã Vũ (đại nhạc). Về giọng điệu, bộ phận nhạc này chủ yếu dựa trên các điệu thức Bắc, tức là những điệu thức của thang 5 âm thiên nhiên xây dựng theo vòng quãng 5 đúng.

Ca Huế trên sông Hương

2. Thành phần DÂN CA trước hết bao gồm những điệu hay là những "giọng" hò. Có những điệu hò lao động như "hò khoan", "hò mái sắp" (còn gọi là "hò giã gạo"), ... có tiết tấu nhịp nhàng và linh hoạt với những khúc thức điển hình của. Có những điệu hò trữ tình nổi tiếng của vùng sông Hương, đó là những điệu hò "Mái nhì", "Mái đẩy" có âm điệu vấn vương quấn quýt, có khúc thức phóng khoáng như con đò lơ lửng trên sông, nói lên tâm tình của con người sống giữa thiên nhiên hiền hoà, "thơ mộng". Các điệu lý là những dân ca có khúc thức hoàn chỉnh, giai điệu gọt dũa và cân đối, giống như những điệu điển hình trong hệ thống "Quan Họ". Nội dung các điệu lý rất gần với nội dung các câu ca dao tình tứ, đậm đà, duyên dáng: Lý Hoài Xuân, Lý Tử vi, Lý Tình Tang, Lý Năm canh... Khác với dân ca miền Bắc thường xây dựng trên thang 5 bậc thiên nhiên, ở các điệu lý cũng như trong một số điệu hò, ta thấy xuất hiện những biến âm rất đặc sắc. Ảnh hưởng của tiếng nói miền Trung hay là ảnh hưởng của các nhân tố nhạc Chăm? Dù sao, đã có những nhà nghiên cứu nêu lên đặc điểm của thang âm điệu hò "Mái đẩy", xa với thang 5 âm thiên nhiên quen thuộc, mà lại gần với loại thang 5 âm bình quân, một loại thang phổ biến trong âm nhạc dân gian Indonesia và cũng là loại thang âm, theo chúng tôi, rất gần với chuỗi âm có thể thấy ở một loại kèn trong âm nhạc Chăm. Khác với hò, lý có tính giai điệu hoàn chỉnh và điêu luyện, "kể vè" miền Trung, cũng giống như vè miền Bắc, thực chất có thể xem như một lối nói nhịp nhàng và âm điệu hoá, thích hợp cho lối diễn đạt tự sự để kể lại những câu chuyện có tình tiết, có đầu đuôi.

Hò, lý, vè hoàn toàn thuộc phạm trù nhạc hát - trong truyền thống, nó không yêu cầu có nhạc khí phụ hoạ - vận dụng chủ yếu trên lối thơ 6-8 và các biến thể của thơ 6-8, nguồn gốc dân gian của nó thật trong sáng.

3. Giữa "NHẠC LỄ" với tính chất cơ bản là nhạc đàn, xây dựng chính yếu trên hệ thống điêụ thức Bắc có nhiều tiêu chuẩn của âm nhạc chuyên nghiệp, "cổ điển" và "dân ca" với tính chất cơ bản là nhạc hát, giọng điệu phát triển do nhiều nguồn tiếp thu, gắn liền với sinh hoạt nghệ thuật không chuyên trong dân gian, các điệu "Ca Huế" có một vị trí riêng cả về nguồn gốc và tính chất. Một số điệu ca Huế như "Phẩm tuyết", "Long ngâm", "Ngũ đối"... thưc chất là những tiết mục nhạc lễ được đặt lời ca, mang âm hưởng điệu thức Bắc rõ rệt. Một số điệu như "Nam bình", "Nam ai", "Tứ đại cảnh" thì lại gần với một số câu hò, lý về âm điệu và điệu thức, có dấu vết ảnh hưởng của âm nhạc Chăm. Lời ca Huế, nói chung, không xây dựng trên cơ sở thơ 6-8 hoặc vè, mà lại gần như một thứ lời tự do (trong các bài ca gốc nhạc lễ), chứng tỏ phương pháp vận dụng ở đây là lối phổ lời (trên một điệu nhạc có trước), hoặc giống lối sắp đặt của "từ khúc" ( một lối thơ tự do theo truyền thống cổ với mục đích để phổ nhạc lên thành bài hát) như các điệu "Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh".

Về mặt khúc thức, các điệu ca Huế thường có qui mô lớn hơn và phức tạp hơn các điệu dân cạ Trong hình thức điển hình như bài "Hành vân", "Lưu thủy", hay "Tứ đại cảnh", nó thường gồm một số "sắp" (tức là những đoạn hoàn chỉnh) gắn bó nhau chặt chẽ, rất gần với cấu trúc "khai, thừa, chuyển, hợp" trong luật thơ cổ truyền.

Về mặt trình diễn, ca Huế luôn luôn đòi hỏi phần phụ hoạ của nhạc khí (ở đây chủ yếu là các đàn nguyệt [kìm], tỳ [tỳ bà], tam, tranh [thập lục], nhị [cò], và phách [sinh tiền]; về mặt này, nó giống với hình thức "Ca Trù" ngoài Bắc.

Như vậy, có thể nói, ca Huế là một thể loại nhạc hát mang nhiều yếu tố chuyên nghiệp "trí thức" về cấu trúc và phong cách biểu diễn. Nhưng về nội dung âm nhạc của nó thì bộ phận đặc sắc nhất lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của hò, lý dân gian. Chính từ sự kết hợp hài hoà của hai luồng giao thoa đó đã làm cho ca Huế có một phong vị đặc biệt, không những thoả mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới "quí tộc phong lưu", các sĩ phu phong kiến (ngày trước), mà còn được dân chúng hâm mộ.

Chính ca Huế, cùng với các điệu lý, hò đã tạo nên bộ mặt của nhạc Huế được biết đến rộng rãi ở ngoài Bắc cũng như trong Nam. Và cũng vì vậy, nên một thời gian nhạc Huế ở Bắc được gọi là "Ca Lý Huế".