Kiến trúc Nhà vườn và phủ đệ
  

Nhà vườn Huế không chỉ là một tổ chức không gian thuần túy giữa cảnh quan và kiến trúc, mà với những nét đặc thù về giá trị văn hóa - lịch sử đã trở thành một di sản quan trọng của Huế. Nét nổi trội ấy biểu hiện ở những đặc trưng ấn tượng mà trước nhất là sự phong phú về mặt loại hình như: công viên, vườn cung đình (vườn ngự), vườn lăng, vườn phủ đệ, vườn chùa, vườn quý tộc thượng lưu, dân dã...

Những khu vườn nổi tiếng ở trung tâm và vùng ven Huế (như vườn Lạc Tịnh, An Hiên, Phủ Tuy Lý) được xây dựng dọc hai bờ sông Hương, ở Long Hồ, Ngọc Hồ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Kim Long, Dương Xuân, Vĩ Dạ... của tầng lớp quý tộc thượng lưu bao gồm các phủ đệ, ngự viên.

Sự phối hợp giữa kiến trúc chính, vườn cây, hoa, trái, đá, nước, cỏ rêu, hoa leo, và giàn tạo bóng với những kiến trúc phụ như nhà ngang, cổng ngõ, hành lang, bể cạn, bình phong... đều là những thiết kế có dụng ý. Sự phối hợp của không gian nội thất kiến trúc, không gian vườn cảnh, vườn cây ăn trái và thiên nhiên luôn luôn có sự hòa điệu; làm thế nào để cái khung thiên nhiên do con người kiến tạo có thể hòa vào cái tự nhiên của đất trời. Ở đây, sự phân định chủng loại cây trồng có thể căn cứ trên một số chuẩn như sau:

- Hệ 1: Trục đứng không gian: căn cứ trên quy mô phát triển tầm cao cũng như để tạo bóng của chủng loại cây để định vị.

- Hệ 2: Vòng chức năng tính từ kiến trúc trung tâm. Dựa trên tiêu chuẩn công dụng thực tiễn, phong tục, thẩm mỹ, thói quen... để phối trí cây trồng.

Nét đẹp Đông phương, nét đẹp Việt Nam, nét đẹp vùng miền và nét đẹp của riêng Huế qua những khu nhà vườn là những gì mà chủ nhân, người quản lý và nhân dân địa phương luôn phân định để làm nổi lên được tính cách. Có như thế chúng ta mới bảo lưu được mỹ từ “thành phố vườn", một điểm hấp dẫn du khách, một phần tài sản vô giá của di sản văn hóa thế giới đang đặt trên vai người Huế niềm vinh dự lẫn trọng trách bảo tồn và phát huy nó.

 Bản in]
Các bài khác