Đình làng ở Huế không nhiều. Trong số ít ấy, người ta thường nhắc đến ngôi đình ven đô. Đó là đình Tây Lộc hay Kim Long, ngay ở mặt phố, đình Lại Thế xã Phú Thượng cạnh Vĩ Dạ và đình Dương Nỗ xã Phú Dương, trên đường ra cửa biển Thuận An. Là kiến trúc công cộng của làng xã, các đình ở Huế có đặc điểm như đình làng ở ngoài Bắc, song có nhiều điểm mà ở Huế mới rõ.
Đình ở Huế cơ bản thống nhất với đình làng Việt Nam nói chung: về công năng là ngôi nhà công cộng thờ thành hoàng và diễn ra các sinh hoạt văn hoá công cộng của làng xã. Về quy mô, tô vượt hơn hẵn nhà dân với bộ khung gỗ chắc chắn mái ngói dầy đè ấn xuống chống sự phá hoại của mưa nắng. Là bộ mặt của làng xã, đình làng vẫn xây dựng ngay đầu làng, nhìn ra sông nước và ruộng đồng thoáng đãng, hoà với cảnh quang chung.
Ở trên mảnh đất được khai phá muộn hơn ngoài Bắc, đình ở Huế cũng đơn giản hơn, thường chỉ có một toà đại đình, không thấy dấu vết sàn, thành hoàng thờ ngay cạnh nơi sinh hoạt của dân làng nên ít bị cách bức. Từ bên ngoài đã thấy mái đình không lượn cong để tạo các đầu đao bay lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng nhờ phần thân khá cao và do đó trong đình luôn sáng. Mái đình có nơi lợp ngói âm dương phổ biến ở Huế, song cũng có nơi dùng ngói bản. Trên các bờ nóc và bờ giải có đắp tứ linh được gắn kính, sư như khảm lên vữa. Vào trong đình, bộ khung gỗ kể từ cột thon thả, kết cấu theo kiểu nhà rường mà các vì chìa gian là lối “vì chồng” (ở Huế gọi vì là vài , các kẻ dưới chồng đuôi lên đầu kẻ trên), một số mặt gỗ được chạm trang trí nhưng thưa và nông với đề tài thường chỉ có rồng, mây, hoa cúc, vân xoắn, bát bửu mà vắng hẳn bóng con người. Như các kiến trúc lớn ở Huế, cửa đình luôn có bức bình phong xây làm án và cũng là diện phẳng rộng để nghệ thuật gắn kính, sứ thu hút sự chú ý của mọi người vào đình.