Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2021
  

(Theo báo cáo số 499/BC-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh)

A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2021

I. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu, kết quả có 9/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chủ yếu là các chỉ tiêu về xã hội và môi trường; 04 chỉ tiêu không thực hiện đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,36% (kế hoạch 7,4% - 8,4%), thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD (kế hoạch 2.300 USD), vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.545 tỷ đồng (kế hoạch 27.000 tỷ đồng), số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 4 xã (kế hoạch 7 - 9 xã). Kết quả thực hiện trên các ngành, lĩnh vực:

1. Lĩnh vực kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 4,36%, không đạt KH đề ra, quy mô GRDP giá hiện hành ước đạt 58.690 tỷ đồng. Cụ thể:

- Khu vực dịch vụ tăng trưởng ước đạt 1,6%, chiếm 46,5% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, ngành du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh ước đạt 1-1,2 triệu lượt khách, đạt 50% kế hoạch và giảm 30-40% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.

Các ngành dịch vụ quan trọng khác có dấu hiệu phục hồi: Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1.022 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, vượt 11% KH năm; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 755,5 triệu USD, tăng 38%, vượt 30% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm ước đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, vượt 9,7% kế hoạch năm. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 2.940 tỷ đồng, tăng 2,6%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 57.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt 60.500 tỷ đồng, tăng 16,6%; tỷ lệ nợ xấu là 0,5%.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi mạnh mẽ: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38.500 tỷ đồng, tăng 9,15%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 5,9%; trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 0,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 7,5% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8%.

Nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tăng là do tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh nên một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có sản lượng duy trì ở mức tăng khá, cụ thể: Sản lượng bia tăng 6,5%; sợi các loại tăng 14,6%; quần áo lót tăng 24,2%; xi măng tăng 2,8%;.... Ngoài ra, một số năng lực mới đi vào hoạt động như: dự án thủy điện Sông Bồ, Thượng Nhật, dự án điện mặt trời Phong Điền II, NM chế xuất Billion Max Việt Nam-giai đoạn II; NM tấm đá thạch anh nhân tạo Lux Quartz,…

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh) ước đạt 9.250 tỷ đồng, tăng 5,8%. Các dự án khu đô thị mới, đặc biệt là khu đô thị mới An Vân Dương phát triển mạnh mẽ, hiện đại; đến nay, đã thu hút 49 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 14.600 tỷ đồng với các dự án nhà ở cao cấp, tổ hợp thương mại, shophouse, chung cư thương mại kết hợp,…

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch Covid-19: Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 7.300-7.400 tỷ đồng, tăng 3,5-3,8%. Sản xuất lúa cả 02 vụ đều được mùa, năng suất ước đạt 63,6 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với năm 2020; sản lượng ước đạt 343.000 tấn, tăng 22.000 tấn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, VietGap, theo hướng hữu cơ đều phát huy hiệu quả, cho năng suất cao. Đến nay, toàn tỉnh có trên 385 trang trại chăn nuôi[1]; có trên 40 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ và 01 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F[2]. Tổng đàn lợn ước đạt 143.000 con, tăng 6,9% so cùng kỳ; đàn trâu 14.200 con, giảm 4,5%; đàn bò 28.900 con, giảm 2,9%; đàn gia cầm đạt 4.700.000 con, tăng 15%,. Trồng mới khoảng 5.800 ha rừng, giảm 0,4% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác gỗ 550.000 m3, tăng 0,7%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì đạt 57,39%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 7.917 ha, tăng 3,6%. Tổng sản lượng thủy sản đạt 58.500 tấn, tăng 2,8%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 40.000 tấn, tăng 1,9%; nuôi trồng đạt 18.500 tấn, tăng 4,9%.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.545 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó, vốn đầu tư công chiếm 20%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.206 tỷ đồng, vượt 68,3% dự toán, tăng 12% so với thực hiện cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 11.217 tỷ đồng, vượt 5% dự toán. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,35 triệu đồng, tương đương 2.200 USD. Năng suất lao động xã hội ước đạt 98 triệu đồng/người, tăng 10,7%. Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp  (TFP) ước đạt 42 - 43%.

- Về thu hút đầu tư: Tính đến 15/12/2021, đã cấp mới 28 dự án và điều chỉnh 29 dự án (trong đó tăng vốn 10 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14.968,1 tỷ đồng (cấp mới 14.261,5 tỷ đồng và vốn tăng thêm 706,6 tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 03 dự án cấp mới với vốn đăng ký 3.791,2 tỷ đồng chiếm 27%; vốn trong nước 25 dự án cấp mới với vốn đăng ký 10.470,3 tỷ đồng chiếm 73%[3]. Ngoài ra, có 13 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư tối thiểu trên 3.700 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có qui mô lớn được cấp mới như dự án trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương 3916 tỷ; Khu Công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung Thừa Thiên Huế (Thành phố truyền thông thông minh) 3458 tỷ đồng, Nhà ở xã hội tại Khu đất ký hiệu XH6, Khu E – Đô thị mới An Vân Dương 1.590 tỷ đồng,…

Đặc biệt, đã ký kết Bản ghi nhớ với Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại AEON MALL tại Tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Nhật Bản (Ngày 25/11/2021). Hiện có hơn 5.600 doanh nghiệp đang hoạt động và 306 HTX với khoảng 172.171 thành viên.

2. Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, tài nguyên và môi trường được tập trung chỉ đạo, các chỉ tiêu chủ yếu về văn hoá - xã hội - môi trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra

Đến nay, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021 với nhiều hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, doanh nghiệp, thương mại dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII - năm 2021 tại thành phố Huế. Các hoạt động văn hóa, xã hội được tổ chức theo hình thức phù hợp với tình hình dịch bệnh, nhất là tăng cường các hoạt động trực tuyến.

Tỉnh đã triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, chủ động các kịch bản để tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn dịch bệnh; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; đến nay, toàn tỉnh hiện có 378 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,32%. Đã ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch Covid-19; công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân cơ bản thực hiện tốt.

Tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Khoa học & Công nghệ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung phối hợp xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm khoa học và công nghệ lớn của cả nước,....

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 14.737 lao động, đạt 92,1% kế hoạch (trong đó, có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Đã triển khai đồng bộ, kịp thời, công khai, minh bạch các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; đến nay, đã thực hiện chi hỗ trợ cho 129.129  đối tượng với 65,880 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 42,263 tỷ đồng, ngân sách địa phương 23,62 tỷ đồng. Quan tâm chăm lo tốt các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 ước giảm còn 3% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được thường xuyên chỉ đạo. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức đạt tỷ lệ 98,94%; hộ gia đình, cá nhân đạt 97,53%. Đã cấp 04 giấy phép thăm dò khoáng sản; 01 giấy phép khai thác khoáng sản và 07 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Tổng số thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh cả năm ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tiếp tục được triển khai sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia.

3. Công tác cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh

- Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Các chỉ số cải cách hành chính có nhiều tiến bộ: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2020) tăng 10 bậc xếp vị thứ 3 (sau Quảng Ninh, Hải Phòng); PCI xếp vị thứ 17 (tăng 3 bậc so với năm 2019); PAPI nằm trong top 10 của cả nước; ứng dụng CNTT (ICT-index) năm 2020 giữ nguyên vị trí thứ 2 so với năm 2019; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (năm thứ 2 liên tiếp) đạt giải thưởng Sao Khuê ở lĩnh vực “Các nền tảng chuyển đổi số”; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về mức độ chuyển đổi số.

- Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các cấp, các ngành và địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án nhằm đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, đề án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi và kiềm chế tai nạn giao thông.

4. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19; nhất là tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để đón và đưa đi cách ly tập trung cho khoảng 57.700 công dân từ các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương; trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng y tế trên địa bàn tỉnh đã chi viện 815 y bác sĩ vào chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Đến ngày 18/12/2021, Bộ Y tế đã phân bổ 1.754.634 liều vắc xin, đã có 757.092 người trên 18 tuổi tiêm 1 mũi (97,07%), 663.203 người trên 18 tuổi tiêm 2 mũi (85,36%); 94.341 người từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm 1 mũi (91,47%), 3.255 người từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm 2 mũi (3,16%). Toàn tỉnh có 12.108 ca F0 (bao gồm số bệnh nhân nơi khác chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế điều trị); hiện đang điều trị 4.709 bệnh nhân COVID-19, đã điều trị khỏi 7.305 bệnh nhân, có 13 bệnh nhân tử vong (già yếu, bệnh nền).

II. Tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2021

1. Tình hình giải ngân

Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế là 6.220 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 30/11/2021 theo số liệu của Kho Bạc Nhà nước tỉnh là 3.557,9 tỷ đồng, đạt 57,2% kế hoạch. Ước giải ngân đến 31/01/2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh là 90%.

Tình hình thực hiện, giải ngân cụ thể các nguồn vốn  như sau:

a) Vốn cân đối ngân sách địa phương do tỉnh quản lý: kế hoạch vốn 1.813,8 tỷ đồng, giải ngân 880,2 tỷ đồng, đạt 48,5%, gồm:

- Vốn XDCB tập trung (vốn tiêu chí): giải ngân 270,3 tỷ đồng / kế hoạch vốn 372,4 tỷ đồng, đạt 72,6%;

- Vốn từ nguồn thu sử dụng đất: giải ngân 220,6 tỷ đồng / kế hoạch vốn 342,7 tỷ đồng, đạt 64,4% (gồm: chi dự án đầu tư phát triển giải ngân 163,6 tỷ đồng / kế hoạch 257,7 tỷ đồng, đạt 63,5%; chi bản đồ, sự nghiệp ngành giải ngân 57 tỷ đồng / kế hoạch 85 tỷ đồng, đạt 67,1%);

- Vốn xổ số kiến thiết: giải ngân 53 tỷ đồng / kế hoạch vốn 70 tỷ đồng, đạt 75,8%;

- Vốn bội chi ngân sách địa phương (vay lại): giải ngân 30,2 tỷ đồng / kế hoạch vốn (phân khai) 153,2 tỷ đồng, đạt 19,7%;

- Bổ sung vượt thu ngân sách tỉnh: giải ngân 306 tỷ đồng / kế hoạch 875,5 tỷ đồng, đạt 35%. Trong đó có 343 tỷ đồng vượt thu sử dụng đất được UBND tỉnh giao bổ sung kế hoạch vào ngày 27/10/2021 nên tỷ lệ giải ngân không cao.

b) Vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước): Kế hoạch vốn 1.727 tỷ đồng, giải ngân 1.061,9 tỷ đồng, đạt 61,5%, gồm:

- Ngân sách trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực: giải ngân 883,4 tỷ đồng / kế hoạch vốn 1.412,8 tỷ đồng, đạt 62,5%.

- Bổ sung NSTW (nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020): giải ngân 178,5 tỷ đồng / kế hoạch vốn 314,2 tỷ đồng, đạt 56,8%.

c) Vốn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài): giải ngân 281,3 tỷ đồng / kế hoạch vốn 622,5 tỷ đồng, đạt 45,2% kế hoạch. UBND tỉnh đã có Báo cáo số 337/BC-UBND ngày 22/9/2021 đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ NSTW năm 2021 là 175,97 tỷ đồng. Giải ngân tính theo kế hoạch điều chỉnh là 281,3 tỷ đồng / 446,6 tỷ đồng KH điều chỉnh, đạt 63%.

d) Vốn ngân sách huyện, xã quản lý: giải ngân 1.049,2 tỷ đồng / kế hoạch vốn 1.486,7 tỷ đồng, đạt 70,6%.

đ) Kế hoạch vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2021: giải ngân 285,2 tỷ đồng / kế hoạch vốn 570,2 tỷ đồng, đạt 50%.

2. Đánh giá chung tình hình thực hiện giải ngân

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngay từ cuối năm 2020, tỉnh đã quyết định giao kế hoạch đầu tư công năm 2021,  ban hành Chỉ thị về thực hiện đầu tư công năm 2021 và chỉ đạo các chủ đầu tư đăng ký, xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp giao ban nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tỷ lệ giải ngân chung kế hoạch năm 2021 của tỉnh đến ngày 30/11/2021 đạt 57,2% kế hoạch. Uớc giải ngân đến 31/01/2022 nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của tỉnh là 90% theo đăng ký giải ngân. Nguyên nhân tình hình giải ngân thấp được đánh giá như sau:

a) Nguyên nhân khách quan:

- Đối với các dự án khởi công mới năm 2021, Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định mới thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2021. Điều này ảnh hưởng đến việc giao và thực hiện kế hoạch đầu tư công của một số dự án khởi công mới.

- Thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Năm 2021 Chính phủ, bộ ngành trung ương thay đổi nhiều quy định quản lý đầu tư xây dựng, việc triển khai làm gián đoạn thủ tục hành chính (ví dụ như: Thông tư số 12/2012/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 làm ảnh hưởng đến các dự án đã được phê duyệt phải dừng lại để chờ và không đấu thầu được).

- Do dịch bệnh Covid ảnh hưởng đến chi trả bồi thường cho người dân, các hoạt động hiện trường, thiếu hụt chuyên gia, nhân công; khó khăn trong nhập khẩu thiết bị, máy móc; khó khăn trong việc di chuyển để thi công, nghiệm thu thanh toán của nhà thầu từ địa phương khác đến.

b) Nguyên nhân chủ quan:

- Vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện các dự án có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như 3.516 hộ dân giai đoạn 1 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế; di dời 245 hộ dân trên 503 hộ dân bị ảnh hưởng bồi thường GPMB,...

- Các dự án ODA tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các các mục tiêu tăng trưởng xanh, hoạt động hiện trường dàn trải rộng trên địa bàn thành phố Huế. Do công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc chậm trễ, không có mặt bằng để thi công và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân chậm.

- Các dự án ODA có tình hình giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Nguyên nhân: Quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi dự án sẽ phải theo một quy định riêng. Một số dự án khi điều chỉnh thiết kế và các hạng mục dự án thường mất nhiều thời gian do cần lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương. Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn nước ngoài có nhiều ràng buộc về các chỉ tiêu như chất lượng môi trường, xã hội; chờ ý kiến của nhà tài trợ... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế phải sắp xếp, điều chuyển việc quản lý các dự án trên địa bàn điều chỉnh. Do đó ảnh hưởng đến việc khởi công và thực hiện dự án, đặc biệt thời điểm các tháng cuối năm tại tỉnh Thừa Thiên Huế rơi vào mùa mưa, bão lũ.

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp (nguồn đất đắp trên địa bàn thời gian qua chủ yếu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc La Sơn – Túy Loan, tái định cư Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài); giá cả vật liệu tăng đột biến như thép, gạch ngói tăng... đã tác động, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.

- Một số chủ đầu tư chưa phát huy được năng lực quản lý dự án và năng lực nhà thầu chưa tương thích với hồ sơ dự thầu nên chậm tiến độ.

III. Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

Có 04/13 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thành kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, vốn đầu tư toàn xã hội, số xã đạt chuẩn nông thôn mới do bị tác động trực tiếp của dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất doanh nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức: làm gián đoạn chuỗi cung ứng, một số đơn hàng giảm, chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, logistics tăng mạnh, giá tiêu thụ nông sản giảm; đặc biệt trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch, vận tải, xây dựng; hàng nghìn lao động bị thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động; hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) gặp khó khăn, tiến độ triển khai dự án đầu tư chậm,…

Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn còn khó khăn, chậm tiến độ; khung giá đền bù có khoảng cách lớn so với giá cả thị trường, đơn giá đền bù được điều chỉnh hàng năm; quy trình, thủ tục thực hiện dự án đầu tư còn nhiều vướng mắc, chồng chéo; chất lượng giám sát đầu tư chưa cao,…đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng triển khai chậm, đầu tư kéo dài. Thị trường bất động sản có thời điểm tăng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Chương trình chuyển đổi số triển khai còn chậm. Công tác xã hội hoá trong lĩnh vực khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và hoạt động văn hoá còn khó khăn; dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Công tác cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư còn nhiều bất cập, hạn chế. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ.

* Nguyên nhân chủ yếu là do:

Nguyên nhân khách quan cơ bản là do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số ngành, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp, nặng nề như: du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn; dòng vốn FDI bị chậm lại ảnh hưởng đến tình hình đầu tư và thu hút đầu tư FDI; các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Thích ứng sản xuất an toàn của một số doanh nghiệp trong bối cảnh bị tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn chậm, bị động và lúng túng.

Các quy định của pháp luật liên quan các ngành, lĩnh vực đang dần được hoàn thiện, nhiều văn bản mới được ban hành nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo gây khó khăn cho việc nghiên cứu áp dụng thực hiện. Công tác lập quy hoạch triển khai còn chậm.

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương còn bị động; công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện. Công tác phối hợp, tham mưu của một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2022

1. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát đại dịch Covid-19. Trọng tâm là thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch quan trọng: Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết,...

3. Tập trung phục hồi tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế: Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phù hợp, khả thi. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP: 6,5 - 7,5% so với năm 2021.

* Lĩnh vực dịch vụ:

- Tập trung các nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển dịch vụ, du lịch trong giai đoạn bình thường mới; phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch, giai đoạn 2021-2025. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường. Triển khai đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Chủ động xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ kích cầu phát triển du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong trạng thái bình thường mới.

- Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch như: Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí và khách sạn Nguyễn Kim, Trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A - Đô thị mới An Vân Dương; Siêu thị vật liệu thông minh thuộc khu C - Đô thị mới An Vân Dương, Trung tâm thương mại dịch vụ tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà,....

* Lĩnh vực công nghiệp:

- Tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hoàn thành tiêm vắc xin cho người lao động, công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp: Khu công nghiệp, khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây, các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng đô thị Chân Mây; Hạ tầng khu công nghiệp khu A - Khu Công nghiệp Phong Điền, Khu Công nghiệp Quảng Vinh và Phú Đa; nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp,... Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, dịch vụ cảng: Bến cảng số 4, 5 - cảng Chân Mây, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN  Gillimex KCN Phú Bài; Trạm bơm nước thô và đường ống nước thô cung cấp cho nhà máy nước tại Khu Công nghiệp Phong Điền - Viglacera; Hệ thống xử lý nước thải tại Khu B (mở rộng), Khu công nghiệp Phong Điền phục vụ dự án Kalongda.

 - Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư sớm đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô giai đoạn I; Laguna Lăng Cô giai đoạn II; Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long giai đoạn I; Khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải mở rộng, Khu biệt thự du lịch sinh thái biển Lăng Cô Spa Resort,....

* Lĩnh vực nông nghiệp:

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới[4]. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ. Triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa,…Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao, nuôi theo quy trình VietGap, GlobalGap, Bio-Floc,…Nâng cao năng lực và sản lượng đánh bắt xa bờ.

4. Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội

Triển khai Kế hoạch đầu tư công năm 2022; trong đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đạt 100% kế hoạch. Tập trung thi công các công trình trọng điểm của tỉnh: Tuyến đường bộ ven biển, Đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc, Đường vành đai 3, Đường Mỹ An - Thuận An,…; dự án tái định cư phục vụ di dời các hộ dân khu vực I, Kinh thành Huế giai đoạn I,…

Phối hợp, hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm quốc gia: Đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án hầm đường bộ Hải Vân (4 làn xe), dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài,...

5. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp

Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đầu tư đang triển khai đầu tư.

Xây dựng kế hoạch và triển khai các Hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư để quảng bá, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh như: Công nghiệp hỗ trợ dệt may; công nghiệp năng lượng; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu và sử dụng sản phẩm chế biến sâu silicat (thạch anh) để sản xuất sản phẩm mới; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế. Ưu tiên phát triển chuỗi dịch vụ logistics gắn với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông và phân phối hàng hoá và các ngành dịch vụ khác.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,...để đảm bảo tính đồng bộ và sẵn sàng cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư.

Thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index. Triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ngành và địa phương cấp huyện (DDCI). Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV, doanh nghiệp thành lập mới. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đưa Quỹ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh vào hoạt động có hiệu quả; tiếp tục kêu gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

6. Về quản lý tài chính ngân sách

Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; chống thất thu; chi chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với năm 2021. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Thực hiện các đề án chống thất thu thuế. Thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Bảo đảm các nguồn lực phục vụ các dự án trọng điểm. Thực hiện hiệu quả chính sách thuế, tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai, kinh doanh qua mạng; bán đấu giá quyền sử dụng đất,...

7. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và đảm bảo an sinh xã hội.

Tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa[5], gắn văn hoá với du lịch. Phát triển toàn diện, đồng bộ các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực xã hội đóng góp, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức Festival Huế lần thứ XI - 2022 và Festival Bốn mùa theo kế hoạch trong điều kiện tình hình dịch Covid - 19 ổn định.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đầu tư và hiện đại hoá cơ sở vật chất cho các cấp học, đảm bảo chuẩn hoá, hiện đại hoá, kịp tiến độ xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025. Xây dựng Trường THPT Chuyên Quốc học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục trong sự nghiệp đổi mới về căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Tiếp tục xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia Huế.

Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát dịch Covid-19. Nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn nhân lực ngành y tế, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao sức khỏe, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn 2021-2022. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Hoàn thiện Đề án thành lập Khu Công nghệ cao. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; Trung tâm OCOP miền Trung tại Huế; hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế;...

Thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng dạy nghề; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội.

8. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; bảo vệ môi trường và phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu

Triển khai tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương năm 2022. Hoàn thành tốt kế hoạch diễn tập ở các cấp. Tăng cường quốc phòng, an ninh; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mở các đợt cao điểm tấn công, kiềm chế các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi. Quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung,…rà soát, bổ sung phương án phòng, tránh thiên tai, bão lụt năm 2022.

Tăng cường công tác đối ngoại, phục vụ có hiệu quả hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giữ vững quan hệ với các tỉnh bạn Lào.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch” và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”,

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp

Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các kế hoạch nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT. Nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước.

Triển khai Đề án chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Nâng cấp cơ sở vật chất và hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.



[1] trong đó: 10 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 60 trang trại quy mô vừa (10 trại bò, 30 trại lợn và 20 trại gà) và 315 trang trại quy mô nhỏ (120 trại bò, 10 trại trâu, 05 trại dê, 80 trại lợn, 60 trại gà và 40 trại vịt)

[2] ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền với quy mô 100 con lợn nái và 2.200 con lợn giống, lợn thịt.

[3] cụ thể: địa bàn KKT, KCN cấp mới 09 dự án và điều chỉnh 08 dự án với vốn đầu tư đăng ký 3.866,5 tỷ đồng (cấp mới 3.471,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng 395 tỷ đồng cho 4 dự án); Ngoài địa bàn KKT, KCN cấp mới 19 dự án và điều chỉnh 21 dự án với vốn đầu tư đăng ký 11.102,3 tỷ đồng (cấp mới 10.790,7 tỷ đồng và điều chỉnh tăng 311,6 tỷ đồng cho 6 dự án).

[4] Có thêm 03 - 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm, nâng số xã đạt chuẩn lên 66 - 67 xã, đạt tỷ lệ trên 70%; có 07 - 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01-02 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. 

[5] Như: Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên Huế; Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế; Trung tâm tổ chức sự kiện và hội nghị quốc tế; Di dời Bảo tàng lịch sử; chỉnh trang sân vận động Tự Do-Huế; xây mới Trung tâm tập luyện và thi đấu 87 Nguyễn Huệ;…

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]