Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 2871/QĐ-UBND ngày 07/11/2024 của UBND tỉnh)
  

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Nội dung phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

a) Diện tích, cơ cấu các loại đất: 

- Đất nông nghiệp: 12.535,71 ha;

- Đất phi nông nghiệp: 13.977,31 ha;

- Đất chưa sử dụng: 133,05 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 1 kèm theo)

b) Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất:

- Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp:  1.763,70 ha;

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp: 44,70 ha;

- Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn: 72,84 ha;

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp: 377,84 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 2 kèm theo)

c) Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng:

- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất nông nghiệp: 0,50 ha;

- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất phi nông nghiệp: 282,52 ha.

(Chi tiết theo Phụ lục 3 kèm theo)

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu, hệ thống phụ biểu, bàn đồ trình phê duyệt nêu tại Tờ trình nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường.

2. Định hướng tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế đến năm 2050:

Thừa Thiên Huế - Thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng văn hoá, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững, là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế là mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hoá - du lịch, giáo dục khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á, là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược - cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với Sông Hương Núi Ngự, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái rừng đầu nguồn, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò, vị thế là đô thị trung tâm; trung tâm văn hóa, du lịch; y tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á, quốc tế.

a) Tầm nhìn ngành nông nghiệp đến năm 2050

Vùng trồng lúa tập trung: Bên cạnh chuyển đổi đất trồng lúa phục vụ cho phát triển rau, nông sản khác và phát triển đô thị, dịch vụ; tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả diện tích đất trồng lúa còn lại. Dự kiến đến năm 2050, diện tích đất trồng lúa của thành phố là 1.800 ha; tập trung ở khu vực phía bắc ngoại thành gồm các xã Phú Thanh, Phú Dương, Hương Phong.

Vùng chuyên canh rau, màu: Định hướng đến năm 2050 việc lựa chọn các loại rau màu phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và thị trường tiêu thụ cần được hoàn thiện để nâng cao chất lượng sản xuất rau sạch, rau an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng và cho giá trị cao. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo đúng tiêu chuẩn và sản lượng tập trung ở phường Hương An, xã Phú Mậu và. Dự kiến đến năm 2050 diện tích đất trồng màu của thành phố là 300 ha.

Vùng sản xuất cây ăn trái tập trung: Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chất lượng cao áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại phường Thủy Biều, Hương Hồ, Thủy Bằng . Dư kiến đến năm 2050 diện tích đất cây lâu năm của thành phố là 1.500 ha

Định hướng phát triển rừng: Phát triển kinh tế rừng thành một ngành kinh tế quan trọng theo hướng nâng cao hiệu quả rừng trồng gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sản xuất dăm sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ.

Định hướng phát triển thủy sản: Áp dụng mô hình khai thác tiên tiến nhằm nâng cao sản lượng đánh bắt xa bờ; chú trọng công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi, mùa vụ đánh bắt. Tổ chức quản lý, điều phối hoạt động của mạng lưới Khu bảo vệ thủy sản trên vùng đầm phá theo chiều sâu, chú trọng giải pháp nâng cao năng lực quản lý cho các tổ chức ngư dân.

b) Tầm nhìn định hướng không gian đô thị

Tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.

3. Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng được xác định theo bản đồ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (tỷ lệ 1/25.000) và Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Huế do Uỷ ban nhân dân thành phố Huế xác lập ngày 21 tháng 10 năm 2024.

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 2871/QĐ-UBND ngày 07/11/2024 của UBND tỉnh) ()
2 Phụ lục đính kèm Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (Theo Quyết định số 2871/QĐ-UBND ngày 07/11/2024 của UBND tỉnh) ()
thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối