Đề án phát triển Mỹ thuật Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
  

ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN MỸ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Trích Quyết định 2854/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 09/12/2015)

 

1. Quan điểm

a) Phát triển mỹ thuật nhằm góp phần xây dựng và phát triển văn hoá Huế, con người Huế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước.

b) Phát triển mỹ thuật Thừa Thiên Huế phải gắn với Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa, phù hợp với Quy hoạch phát triển mỹ thuật toàn quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

c) Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm; đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và phát huy các thiết chế mỹ thuật để phục vụ nhân dân và du khách.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

- Phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo mỹ thuật của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để các họa sỹ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mỹ thuật, hình thành lực lượng công chúng mỹ thuật ngày càng đông đảo; đưa mỹ thuật Huế ngày càng phát triển toàn diện.

- Đào tạo, phát triển nhân lực mỹ thuật có năng lực sáng tạo bảo đảm cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của xã hội.

- Phát triển ngành nghề mỹ thuật ứng dụng, khuyến khích việc sáng tạo ra các mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

- Làm cơ sở để các cấp lập các đề án, dự án xây dựng các công trình mỹ thuật, thiết chế văn hóa tại các trung tâm, tạo mỹ quan đô thị.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2015 - 2020:

+ Nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật tại Trường Đại học Nghệ thuật và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, đảm bảo nguồn nhân lực mỹ thuật có đủ trình độ và năng lực nhằm đẩy mạnh hoạt động sáng tạo mỹ thuật; thực hiện tốt công tác quản lý mỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

+ Sưu tầm, phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình mỹ thuật truyền thống cung đình Huế, mỹ thuật dân gian; đồng thời, phát triển mỹ thuật hiện đại; vinh danh các nghệ nhân, các họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật có nhiều đóng góp xuất sắc cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Nâng cấp một số thiết chế mỹ thuật, có đủ cơ sở vật chất cần thiết; sắp xếp tổ chức bộ máy một số bảo tàng mỹ thuật công lập một cách hợp lý, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng một số công trình mỹ thuật, tượng đài theo Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Điều chỉnh cơ bản hệ thống tượng tại các công viên 2 bờ Sông Hương; chỉnh trang, làm đẹp các không gian công cộng; xây dựng các biểu tượng điểm nhấn tại cửa ngõ phía Bắc và phía Nam của tỉnh.

+ Phát triển ngành nghề mỹ thuật ứng dụng, sáng tạo mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hàng du lịch và xuất khẩu.

+ Tăng cường giao lưu triển lãm trong nước và hợp tác quốc tế về hoạt động mỹ thuật.

+ Ban hành một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy mỹ thuật Huế.

- Giai đoạn 2021- 2030:

+ Tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mỹ thuật; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cho các trường, các họa sỹ, các nhà điêu khắc tại các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, các doanh nghiệp, gallery mỹ thuật.

+ Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống cung đình Huế, mỹ thuật dân gian, mỹ nghệ truyền thống; xã hội hóa hoạt động mỹ thuật.

+ Thành lập một số thiết chế mỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của tỉnh; tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình mỹ thuật, tượng đài theo quy hoạch được duyệt.

+ Hoàn thiện hệ thống tượng đài, vườn tượng trên địa bàn thành phố Huế.

+ Tiếp tục đẩy mạnh giao lưu triển lãm trong nước và hợp tác quốc tế về hoạt động mỹ thuật.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về mỹ thuật:

- Xây dựng cơ chế, chính sách về hoạt động mỹ thuật phù hợp với sự phát triển của tỉnh nhằm khuyến khích sức sáng tạo của nghệ sỹ.

- Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách sưu tầm, phục hồi và phát triển các loại hình mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền.

- Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích động viên và vinh danh các nghệ nhân, họa sỹ, nhà điêu khắc, các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng.

b) Phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực mỹ thuật có năng lực sáng tạo, đảm bảo cân đối về các chuyên ngành theo nhu cầu của tỉnh.

- Đề xuất các giải pháp phát triển ngành, nghề mỹ thuật ứng dụng, khuyến khích việc sáng tạo mẫu mã và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hàng du lịch và xuất khẩu.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo, các sơ sở trọng điểm về mỹ thuật; hệ thống các cơ sở vật chất ngành mỹ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tạo điều kiện để các họa sỹ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

- Thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hoạt động chuyên môn về mỹ thuật có quy mô lớn, có chất lượng cao của tỉnh.

c) Phát triển hệ thống các đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hoá nghệ thuật:

- Phát triển hệ thống các đơn vị đào tạo văn hoá nghệ thuật:

+ Tạo điều kiện phát triển Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, ủng hộ mở mã ngành mới hoặc chuyên ngành phục chế và thiết kế thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng văn hóa Huế.

+ Phối hợp, liên kết đào tạo chương trình mỹ thuật kết hợp với tham quan, thực hành mỹ thuật giữa các cơ sở đào tạo mỹ thuật, các bảo tàng mỹ thuật với các trường học, đặc biệt chú trọng ở các trường tiểu học, trung học cơ sở.

+ Nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh thành Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên Huế theo quy hoạch; mở thêm mã ngành mỹ thuật hệ cao đẳng.

- Phát triển hệ thống đơn vị nghiên cứu văn hoá nghệ thuật:

+ Tạo điều kiện phát triển hoạt động nghiên cứu của Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.

+ Tạo điều kiện phát triển hoạt động nghiên cứu về mỹ thuật của các bảo tàng, các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, các đơn vị nghệ thuật.

- Phát triển hệ thống bảo tàng - nhà trưng bày mỹ thuật, nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật:

+ Nghiên cứu kiện toàn và đề xuất mô hình quản lý chung cho Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng; đồng thời, có phương án bổ sung một số hoạt động cho Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị để thu hút khách du lịch đến tham quan.

+ Xây dựng phương án phát triển Bảo tàng Văn hóa Huế giai đoạn từ 2016 - 2020, trong đó cân đối bố trí ngân sách tuyển chọn các tác phẩm mỹ thuật, các bộ sưu tập về mỹ thuật có giá trị để tạo tiền đề cho việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-TTg  ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Điều chỉnh, hợp nhất một số hiện vật của các bảo tàng; đặc biệt là các hiện vật thuộc nền văn hóa Chămpa để phù hợp với chức năng từng bảo tàng; đồng thời, phát huy giá trị hiện vật của các bảo tàng nhằm phục vụ có hiệu quả cho khách tham quan.

+ Rà soát để tăng cường bố trí các hoạt động trưng bày tại Trung tâm trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ Huế một cách hợp lý; điều chỉnh việc sử dụng công trình này phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật.

+ Tiếp tục nghiên cứu triển khai Đề án xây dựng Nhà triển lãm Văn hóa nghệ thuật Huế theo hình thức xã hội hóa hoặc Trung ương hỗ trợ vốn.

+ Tiếp tục hướng dẫn hoạt động và khuyến khích thành lập các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các bộ sưu tập mỹ thuật của tư nhân, các câu lạc bộ mỹ thuật.

d) Quy hoạch, phát triển hệ thống tượng đài, vườn tượng:

- Về quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng:

Nghiên cứu thực hiện theo quy hoạch của Trung ương để xây dựng Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Về xây dựng các tượng đài, tranh hoàng tráng:

+ Nghiên cứu đầu tư xây dựng các công trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua: Biểu tượng phụ nữ Huế gắn với tượng đài 11 cô gái Sông Hương; Tượng Nguyễn Tri Phương; Tượng Huyền Trân công chúa; Tượng đài biểu tượng Huế; Tượng Nguyễn Phúc Nguyên.

+ Đầu tư xây dựng các công trình khác: Công trình điểm nhấn tại cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế; Công trình biểu tượng Lăng Cô - Vịnh đẹp Thế giới, tại thị trấn Lăng Cô;

- Về xây dựng các vườn tượng:

+ Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá cụ thể để đề xuất sửa chữa một số tượng đã hư hỏng; kết hợp với dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ Sông Hương để  điều chỉnh, bố trí lại các tượng đặt tại các công viên dọc hai bờ Sông Hương phù hợp.

+ Tiếp tục hoàn thành dự án xây dựng phù điêu bệ tượng Phan Bội Châu. Tổ chức chỉnh trang khu vực tượng Phan Bội Châu tại điểm xanh 19 Lê Lợi - Huế.

+  Mở rộng giai đoạn 2 Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

+ Lựa chọn các tác phẩm điêu khắc ngoài trời có giá trị nghệ thuật cao đặt tại các không gian văn hóa công cộng tạo nên dấu ấn về thẩm mỹ và giàu tính văn hóa cho đô thị Huế.

+ Tiếp tục triển khai quy hoạch Vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình theo Quy hoạch được duyệt.

đ) Bảo tồn, phát huy mỹ thuật dân gian, mỹ nghệ truyền thống, đẩy mạnh xã hội hóa về hoạt động mỹ thuật:

Khuyến khích và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ các dự án mỹ thuật mang tính tương tác như workshop, triển lãm chuyên đề; hoạt động xã hội hóa về mỹ thuật:

-   Các không gian nghệ thuật;

-   Các dự án nghệ thuật sơn mài;

-   Các dự án nghệ thuật trúc chỉ;

-   Trung tâm nghệ thuật Pháp Lam;

-   Các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các sưu tập tư nhân, các gallery…

- Các dự án nghệ thuật tranh gương, tranh thêu, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, điêu khắc - khảm trên gỗ, nghệ thuật đúc đồng Phường Đúc, sành sứ, đất nung Phước Tích … 

e) Đẩy mạnh giao lưu triển lãm trong nước và hợp tác quốc tế về hoạt động mỹ thuật:

- Tăng cường các hoạt động mỹ thuật chất lượng cao trong các kỳ Festival.

- Giao lưu về hoạt động mỹ thuật, tổ chức triển lãm mỹ thuật giữa Thừa Thiên Huế với các đơn vị trong nước và nước ngoài.

4. Nguồn Kinh phí thực hiện

a) Ngân sách nhà nước.

b) Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác

 Bản in]