Trên tiến trình lịch sử, Huế là vùng đất có sự hiện diện của người Việt từ lâu, nhưng trải qua bao lần qua phần xâm chiếm, đến đầu thế kỷ XIV, người Việt mới di dân lập làng định cư vĩnh viễn ở đây. Cùng với sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội thì các loại hình văn hoá nghệ thuật cũng dần được hình thành. Bên cạnh sự phát triển của kịch nghệ dân tộc thì tuồng Huế cũng được phôi thai rõ nét. Từ thế kỷ XVII, tuồng Huế đã được hình thành, nó chiếm được tình cảm của dân chúng rất nhanh, quan trọng hơn là nó được các chúa Nguyễn trọng dụng để dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam.

Một cảnh trong vở Tuồng "Đào Duy Từ"

Tuồng phát triển trong dân gian nhờ lối hát cương. Hát cương là cách hát không theo quy định của tuồng bản. Diễn viên nhờ học một số câu theo những làn điệu sẵn có, khi ra sân khấu gặp đúng trường hợp thì hát và hát tuồng từ dân gian đã được đưa vào cung đình mà xuất phát điểm từ vùng Bình Định rồi lan đến Phú Xuân. Hát bội thời kỳ ấy được các chúa Nguyễn trọng dụng và khuyến khích phát triển do nội dung tuồng phù hợp với chủ trương chế độ đương thời “phù Lê diệt Trịnh”, tôn trọng dòng dõi đế vương. Vì vậy, có thể nói triều Nguyễn  đã có đóng góp lớn vào việc phát triển nghệ thuật và nâng cao kịch bản tuồng ở Huế, ngược lại các nghệ nhân cả nước cũng như công chúng Huế đã góp sức cho tuồng kịch trở nên phong phú trở thành mẫu mực và là đỉnh cao của nghệ thuật tuồng Việt Nam.