Từ xưa, hầu như làng quê nào cũng có một cái chợ để đổi chác buôn bán. Đó là nơi giao lưu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Thông thường, chợ chỉ họp một buổi, hoặc sáng từ lúc bình minh (chợ mai), hoặc buổi chiều từ lúc xế bóng (chợ hôm). Những chợ lớn, thì hàng tháng hoặc vài tháng, người ta tổ chức họp chợ quy mô hơn vào một vài ngày nhất định, thu hút khách thương từ các nơi xa đến với nhiều món hàng mới lạ; người bán kẻ mua tấp nập rất đông vui, gọi là "chợ phiên". Chợ được lập tại một đỉa điềm thuận tiện trong làng, ngay trên trục đường giao thông chính và gần bến sông, vì thuyền bè là phương tiện vận chuyển chủ yếu. Ở xứ Huế, mạng lưới chợ làng rất phong phú, và qua từng thời kỳ lịch sử, cũng có những chợ tương đối nổi tiếng, như chợ Thế Lại, chợ Dinh, chợ Mỹ Lợi, chợ Bao Vinh, chợ Đông Ba. Ngoài ra, ta cũng thường nghe nói đến một 'chợ tết" mang tính văn hóa, là chợ Gia Lạc. Xin điểm qua những chợ này, ngoại trừ chợ Đông Ba đã được nói đến khá nhiều rồi.