Nhiều tư liệu của các nhà thương nhân, giáo sĩ phương Tây đã đề cập đến một cái gì như “tính cách Huế” ở thời gian này trong cách nói năng, ăn mặc, ứng xử. Đặc biệt về y phục, Giáo sĩ Christofforo Bori đến Thuận Hoá năm 1618-1621 viết: "trước hết nói về quần áo, có rất nhiều tơ, lụa đến nỗi những người lao động và hạ lưu dùng thường xuyên hàng ngày, vì thế cho nên đã nhiều lần, tôi rất thích nhìn những người đàn ông, những người khuôn vác đá, đất, vôi những thứ khác tương tự, mà không hề lo ngại giữ gìn cho khỏi rách, khỏi bẩn những bộ áo sang trọng của họ mặc”. Giáo sĩ cho biết phụ nữ xứ Đàng Trong ăn mặc “giản dị hơn khắp cỏi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân (...). còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả là một tấm voan rất mịn và mỏng làm cho người ta nhìn thấy tất cả màu sắc sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng...”Đàn ông cũng trang phục “mớ bảy mớ ba” như thế, mỗi khi “ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hoà, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”. Có lẽ đến đây C. Borri muốn mô tả thứ áo quần khi “ra phố” hay trong lễ tết, chứ ngày thường hay khi lao động thì đơn giản hơn, không “mớ bảy mớ ba dù cũng “tươi đẹp”, “sang trọng”...
Kiểu “mặc dùng tươi đẹp”, “sang trọng” ấy không phải chỉ một thời, một chốn, mà đã trở thành lề thói, ăn sâu vào nếp sống của người dân Thuận Hoá, nhất là nơi đô hội, cho đến cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cũng có một nhận xét tương tự: “Những sắc mục ở nhân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ti và áo sa, lương, địa làm đồ ăn mặc ra vào thường, lấy áo vải, áo mộc làm hổ thẹn (....). Đàn bà con gái thì mặc áo the và hàng hoa, thêu hoa ở “cổ tròn”. Theo Lê Quý Đôn, sau khi xưng vương, Nguyễn Phúc Khoát “lấy thể chiếc áo mũ trong Tam tài đồ hộ làm kiểu hạ lệnh cho hàng võ từ Chưởng dinh đến Cai đội, hàng văn từ Quản bộ đến Chiêm hậu huấn đạo, đều y theo kiểu mới, áo đều dùng vóc đoạn, người sang thì Mãng bào thuỷ ba, mũ thì trang sức bằng vàng bạc. Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ (Thuận Hoá và Quảng Nam) đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có thế. Trãi qua hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ”. Thật ra, áo quần xứ Đàng Trong không hoàn toàn giống “Bắc Quốc”, mà cho sửa đổi cho phù hợp với khí hậu và môi trường sinh hoạt, rất tiện lợi cho nông dân lao động.
|
Thiếu nữ Huế tinh khôi với tà áo dài trắng |
“Người Huế” bao giờ cũng ăn mặc lịch sự khi tiếp khách trong nhà cũng như khi bước ra khỏi cửa. Chính cái “không khí cung đình” lâu đời đã tạo nên cốt cách ấy. Chỉ cách đây vài chục năm thôi, hình ảnh các o bán bún, chè gánh.. với tà áo dài tha thướt không có gì lạ! Sau một thời gian biến động từ năm 1975 bởi những khó khăn chủ quan và khách quan, ngày nay họ lại dần khôi phục lại thói quen truyền thống, và chúng ta lại thấy hình ảnh chiếc áo dài phụ nữ yểu điệu thân thương xuất hiện trong cõi ”sương khói mờ nhân ảnh”... Đó cũng là yếu tố của phong cách Huế... Nó được nhân rộng ra khắp cả nước và nước ngoài bởi các nhà tạo mẫu hiện đại; các buổi trình diễn thời trang luôn luôn được mọi người yêu chuộng.