Ngôi mộ chung hai nhà yêu nước Thái Phiên - Trần Cao Vân - Di tích lịch sử cấp Quốc gia
  

Địa điểm: Đồi thông Từ Hiếu, phườngThủy Xuân, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km.

Thái Phiên (1882-1916) quê ở làng Nghi An, xã Hoà Phát, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam. Trần Cao Vân (1866-1916) sinh tại làng Tư Phú, tổng Ða Hoành, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hai ông là những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân tháng 5-1916. Cuộc khởi nghĩa không thành, hai ông bị bắt ngày 4-5-1916, sau đó bị xử chém tại Cống Chém An Hoà (Huế) ngày 17-5-1916 (16-5 năm Bính Thìn).

Tháng 6-1925 bà Trương Thị Dương là đồng chí của Thái Phiên - Trần Cao Vân trong Đảng Việt Nam quang phục hội, đã bí mật đưa hài cốt hai ông về chôn tại gần Tháp Hoà Thượng Kiết Mao (xã Thuỷ Xuân). Sau 11 ngày việc cải táng có nguy cơ bị lộ, bà Dương lại dời mộ đến vị trí hiện nay. Năm 1956, bà Dương đã dựng bia mộ cho hai ông với dòng chữ “Trần Cao Quý Công - Thái Duy Quý Công chi mộ”

Năm 1992 di tích ngôi mộ chung Thái Phiên và Trần Cao Vân được nhà nước cấp kinh phí trùng tu, tôn tạo khang trang với đài tưởng niệm cao 4,3m, ngôi mộ xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn là nấm đất sỏi hình tròn, trước mộ là tấm bia dựng từ năm 1956. Toàn bộ ngôi mộ, đài tưởng niệm nằm trong hình chữ nhật 7,2m x 7,6m, chung quanh có lan can bao bọc.

Ngôi mộ chung hai nhà yêu nước Thái Phiên - Trần Cao Vân được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 575-QĐ/VH  ngày 14/7/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)./.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]