Địa điểm: Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một xã cách đường Quốc lộ 1A khoảng 25km do các Ngài tiền bối khai khẩn, khai canh cùng các vị Thỷ tổ của các họ lập cách đây hàng trăm năm.
Nghề trồng mai cảnh đã xuất hiện hàng trăm năm và gắn với đời sống văn hóa của làng Thế Chí Tây thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế tồn tại cho đến nay. Trải qua hơn 400 năm từ khi thành lập làng đến nay, nhân dân sống chủ yếu làm trồng trọt cây lúa, chăn nuôi, gia súc, gia cầm. Tuy nhiên bên cạnh việc phát triển kinh tế, nhân dân làng Thế Chí Tây đã kế thừa, sáng tạo trong việc trồng cây cảnh, đặc biệt trong đó có cây mai cảnh, hơn 30% dân cư sống chủ yếu bằng nghề trồng Mai cảnh, nhân dân làng Thế Chí Tây đã biết được nhiều cách trồng cây cảnh... trong đó sản phẩm cây mai cảnh là một đặc sản nổi bật của dân làng và là những cây cảnh không thể thiếu trong mọi gia đình trong làng Thế Chí Tây và các vùng quê lân cận.
Đặc điểm: Một trong những nét đặc trưng của sản phẩm Mai cảnh làng Thế Chí Tây đó chính là cây được trồng hoàn toàn bằng thủ công, được chăm sóc kỹ lưỡng trong vòng ba năm để có được cây mai có thế uốn lượn đẹp nhất:
“...Ai ơi nhớ ghé Điền Hòa, hai mươi tháng chạp quê nhà Hội Mai...”
Các nghệ nhân chơi mai ở đây biết cách tạo dáng mai phù hợp với phong thái của một làng quê ven phá giàu truyền thống lễ hội, đình làng... tạo nên một phong cách chơi mai riêng biệt. Thường người dân tạo thế mai theo các kiểu: long, lân, quy, phụng; riêng ở làng nghề chủ yếu người dân tạo mai theo hai thế: long vân, long giáng... Để có một chậu mai kiểng đẹp, ngoài công chăm sóc hàng chục năm trời, người chơi mai phải chú ý đến bốn điểm: nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống. Cũng theo các bậc cao niên, những cây mai lớn ở Huế đều có nguồn gốc xuất xứ ở Điền Hòa.
Mai ở làng nghề có nhiều loại như Hoàng Trúc Mai, Hoàng Diệp Mai, Diệp Cúc Mai... trong đó Hoàng Trúc Mai là giống hiếm nhất. Vốn rất thích hợp với vùng đất cát pha thịt, nên mai vàng Thế Chí Tây màu vàng tươi, bông to, hương thơm dịu dàng và rất lâu tàn. Theo nghệ nhân có tiếng tại làng nghề, thường cây mai nở sớm hay chậm là do thời tiết, riêng Hoàng Trúc Mai năm nào cũng cho hoa đều đặn vào dịp Tết đến, xuân về.
Chính những giá trị trên đã tạo nên bản sắc văn hóa của làng nghề, mang những nét đặc trưng riêng của làng Thế Chí Tây, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Làng nghề mai cảnh Thế Chí Tây được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế (Quyết định số 3078/QĐ-UBND ngày 28/12/2018).