- Địa điểm: Làng Ô Sa thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng có 171 hộ thì có 71 hộ (chiếm 41,7%) làm nghề bún, bánh với các sản phẩm như Bún khô, Bún tươi, Bánh ướt...
- Đặc điểm: Nghề bún xuất hiện từ thế kỷ XV, cách đây khoảng 500 năm gắn với đời sống văn hóa của làng Ô Sa. Nếu có dịp về Quảng Điền, khi nhắc đến bún, bánh thì đều nghe người dân ở đây nói mời: “Muốn ăn bún, bánh thì về Ô Sa”. Từ câu truyền khẩu này mới hay ở Làng Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cũng có nghề làm bún, bánh ướt truyền thống nức danh không kém bún quê Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà.
Những người cao niên trong làng kể rằng từ ngày họ sinh ra đã thấy ông bà mình sống với nghề làm bún, bánh ướt. Nghề cứ thế nối tiếp đến hôm nay như chưa từng đứt đoạn ở cái Làng Ô Sa nhỏ bé này. Đàn ông con trai khoẻ mạnh đảm nhận công việc giã gạo thành bột, vặn bún, người già tráng bánh ướt. Phụ nữ, con gái lớn thì “Sáng tinh mơ trên vai bún, bánh - Trưa lại chiều sản xuất tơi sa” tỏa đi khắp các phiên chợ quê, phố thị chào hàng tiêu thụ.
Ngày nay, nghề bún, bánh Ô Sa đã đỡ vất vả hơn qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật với các thiết bị sản xuất như: thiết bị quết, vắt bột và máy ép bún thành sợi. Số lượng và chất lượng sản phẩm nhờ đó được nâng lên. Bình quân, mỗi ngày có nhà làm ra cả chục tạ bún, cao gấp hàng chục lần so với trước đây, thu nhập từ nghề bún, bánh chiếm hơn 60% tổng thu nhập của làng.
Hàng chạy đều và do nhu cầu thị trường tiêu dùng, hiện ở Làng Ô Sa nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất mặt hàng bún khô đem lại thu nhập khá. Nhưng bún tươi và bánh ướt vẫn là hồn cốt của làng Ô Sa. Đó là lòng yêu nghề, quyết giữ nghề của người dân Làng Ô Sa, bởi đó là nghề mà cha ông đã truyền lại, bao đời nay, nghề làm bún, bánh đã nuôi sống cha ông họ và chính họ. Tin rằng, nghề làm bún, bánh ướt ở Làng Ô Sa vẫn cứ thế nối dài và vang danh xa.
Làng nghề bún bánh Ô Sa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận danh hiệu làng nghề (Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 16/4/2013).