Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai quy định nguyên tắc sử dụng đất là “đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.
Theo khoản 31 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Theo Điều 4 Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh về việc Quy định về tách thửa đối với đất ở và đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quy định các trường hợp không được tách thửa, gồm:
“- Thửa đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
- Đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; khu vực có quy hoạch tỷ lệ 1/5000, 1/2000, 1/1000, 1/500 được phê duyệt không thuộc quy hoạch đất ở. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu thì áp dụng quy hoạch chung.”
Theo khoản 1 Điều 5 Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh quy định về điều kiện để tách thửa đất:
Người sử dụng đất được tách thửa đất khi đáp ứng các điều kiện sau:
“a) Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Tách thửa đất để hình thành các thửa đất mới phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai năm 2013.
c) Thửa đất tách thửa phải đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu và các điều kiện cụ thể để tách thửa đối với từng loại đất theo quy định tại Điều 6 Quy định này.”
Căn cứ quy định trên, người sử dụng đất muốn tách thửa phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cần phải đáp ứng được về hạn mức, diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021. Nếu trong trường hợp chưa có giấy tờ đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó mới thực hiện được việc tách thửa. Việc tách thửa phải căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch đất ở theo quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, 1/2000, 1/1000, 1/500 được phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu thì áp dụng quy hoạch chung.
Đến nay, trên địa bàn khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cơ bản phủ kín các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) các khu chức năng chính phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển đô thị, cụ thể như:
Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị Chân Mây phê duyệt năm 2012, Quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây phê duyệt năm 2010, Quy hoạch chi tiết xây dựng thị trấn Lăng Cô và làng Chài phê duyệt năm 2009, Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây phê duyệt năm 2018, Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu vực ven đường phía Tây đầm Lập An phê duyệt năm 2012, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu phi thuế quan Chân Mây phê duyệt năm 2021, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu phía Nam trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô phê duyệt năm 2021, Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái bãi Chuối phê duyệt năm 2021.
Để giải quyết nhu cầu tách thửa ở riêng của người dân trên địa bàn khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phù hợp với mục đích sử dụng đất theo các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đang phối hợp với UBND huyện Phú Lộc để cập nhật các đồ án quy hoạch phân khu nêu trên để có cơ sở giải quyết thủ tục tách thửa cho người dân theo quy định; đối với các khu vực chưa có quy hoạch phân khu thì căn cứ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 05/12/2008.