Lăng, mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ - Di tích lịch sử cấp tỉnh
  

Đặng Hữu Phổ, sinh ngày 29/9 năm Giáp Dần, Tự Đức thứ 7 (tức ngày 19/01/1854) tại làng Bác Vọng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Ông là con trai trưởng của vợ chồng Phò mã Đặng Huy Cát và Công chúa Tĩnh Hòa (con gái thứ 34 của Vua Minh Mạng). Năm 24 tuổi, ông thi đỗ cử nhân khoa Mậu Dần (1878) được bổ chức Thị độc học sĩ Viện Hàn Lâm (triều Nguyễn).

Sau sự kiện thất thủ Kinh đô (1885), người con yêu nước của Quảng Điền bị Pháp bắt và hành hình tại bến đò Quai Vạc bên bờ sông Bồ. Thi thể của ông được nhân dân đưa đi an táng nằm bên cạnh mộ mẹ (Công chúa Tĩnh Hoà) ở tại xứ Cồn Căng, làng Bác Vọng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Cảm phục trước khí tiết của ông, nhân dân làng Bác Vọng đã lập miếu thờ ngay tại nơi ông mất (Bến đò Quai Vạc) gọi là "Thị độc miếu" (miếu của quan Thị độc) cách lăng mộ khoảng 1km về phía tây.

Trải qua bao thời gian và những biến cố bi hùng của lịch sử, nhưng khu di tích lăng mộ và miếu thờ nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ được các thế hệ con cháu và nhân dân địa phương bảo vệ. Đó chính là niềm tự hào, thành kính, trân trọng của các thế hệ con em nhân dân làng Bác Vọng đối với một người con trung nghĩa, đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình, từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý, mọi cám dỗ vật chất đời thường, để chọn lấy cái chết vì nước, vì nhà.

Lăng, mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch)./.

Một số hình ảnh Lăng, mộ và miếu thờ Đặng Hữu Phổ:

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ