(CTTĐT) - Sáng ngày 04/11, tại thành phố Huế, Bộ Nội vụ tổ chức lớp tập huấn tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2024. Dự lớp tập huấn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và hơn 150 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp sở, ban, ngành của 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là một trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện giai đoạn 2 (giai đoạn 1 đã triển khai từ năm 2001 – 2010, đã Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình này). Do vậy, việc triển khai Chương trình này trong thời gian qua được đánh giá rất hiệu quả; hệ thống điện, đường, trường, trạm,… được khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất của người dân ở nông thôn thay đổi rõ rệt; nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, trong những năm qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua khi cùng lúc triển khai cả 03 Chương trình đều hướng đến người dân, một số chính sách trong quá trình thực hiện bị chồng chéo với Chương trình Dân tộc và Chương trình giảm nghèo. Một số chính sách chưa quy định rõ nên nhiều địa phương gặp lúng túng trong quá trình thực hiện. Nhất là việc cấp vốn để thực hiện các Chương trình như năm 2024 vẫn chưa có thông báo; một số tiêu chí liên quan đến lĩnh vực của Bộ Nội vụ như tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân theo Nghị quyết 76 của Chính phủ quy định trên 90% cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là quá cao, nhiều tỉnh đang bị vướng mắc vấn đề này,…
Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn địa phương thực hiện 03 nội dung, tiêu chí thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được giao tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 và Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024. Bộ Nội vụ thường xuyên theo dõi, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nội dung tiêu chí 18.1 “Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn”, kịp thời trả lời, giải đáp vướng mắc của của địa phương trong quá trình thực hiện, góp phần đẩy mạnh công tác hoàn thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã theo quy định. Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể về bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển nông thôn cho cán bộ, công chức xã thuộc thẩm quyền quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đề nghị các Báo cáo viên truyền đạt kiến thức đi thẳng vào vấn đề, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách cần tháo gỡ; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn triển khai hiệu quả của một số địa phương, cơ sở đã làm; các học viên tham dự đề nghị phát biểu trao đổi những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để báo cáo viên, bộ phận tổng hợp lại phản ảnh với cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại lớp tập huấn
Phát biểu chào mừng tại lớp tập huấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh tỉnh Thừa Thiên Huế đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tạo khí thế mới, động lực mới, sẵn sàng tâm thế, cùng nhau xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau hơn 14 năm triển khai thực hiện, Chương trình NTM của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, diện mạo nông thôn đã trở nên khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội. Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và 75/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 79,8%; trong đó, 69 xã có Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng qua lớp tập huấn góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho cán bộ, công chức xây dựng nông thôn mới cấp sở, ngành. Qua đó, giúp cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng NTM cập nhật kịp thời các chính sách mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM; đồng thời giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò của cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu về công tác xây dựng NTM.
Các đại biểu tham dự tại lớp tập huấn
Theo đó, trong thời gian 2 ngày, hơn 150 học viên sẽ được các báo cáo viên truyền đạt nhiều nội dung, kiến thức về tổng quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Về vai trò, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; một số vấn đề đặt ra liên quan đến tổ chức bộ máy xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó chú trọng những vấn đề liên quan đến chính sách cần tháo gỡ; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn triển khai hiệu quả của một số địa phương, cơ sở đã làm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Những vấn đề vướng mắc tại các địa phương sẽ được tổng hợp lại để phản ảnh với cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời tháo gỡ.
Báo cáo viên trình bày nội dung tại lớp tập huấn