(CTTĐT) - Chiều ngày 01/11, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức Hội thảo “Đại học Huế - 30 năm tái lập và phát triển thành Đại học Quốc gia (1994 – 2024)”. Dự hội thảo có PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Đại học Huế qua các thời kỳ; cùng đông đảo các nhà khoa học, cựu sinh viên, giảng viên của Đại học Huế.
Đại học Huế, tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ. Đại học Huế là 1 trong 3 Đại học vùng trong cả nước, là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước.
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đại học Huế đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là một phần tinh hoa của văn hóa Huế, của vùng đất địa linh nhân kiệt, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng.
Hiện nay, Đại học Huế có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 807 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài. So với năm 1994, số lượng đội ngũ trình độ cao của Đại học Huế tăng hơn 9 lần.
Các đại biểu tham dự tại hội thảo
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH, trong những năm qua, Đại học Huế đã huy động được nguồn lực tài chính tương đối lớn đáp ứng nhu cầu cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển hệ thống cơ sở vật chất khang trang và hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của cán bộ và sinh viên. Truyền thống, vị thế và vai trò của Đại học Huế tích lũy trong gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo ngành nghề phục vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Tính đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo của Đại học Huế được đánh giá là đặc biệt rõ nét nhất với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo.
Năm 2024, Đại học Huế có 153 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 58 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo năm 2024 đạt 54.175 sinh viên; 4.148 học viên cao học, 602 nghiên cứu sinh. Những con số này không chỉ phản ánh năng lực đào tạo mạnh mẽ của Đại học Huế mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của Đại học Huế trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, Đại học Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ. Riêng giai đoạn 2018 - 2024, Đại học Huế đã đào tạo và cung cấp cho xã hội một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao, gồm 45.227 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ; hơn 200 tiến sĩ; và gần 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc ĐHH cho biết từ năm 2014 đến nay, Đại học Huế đã thực hiện nhiều đề tài nhằm phục vụ cho yêu cầu đổi mới giáo dục; nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Hiện nay, Đại học Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài.
Với xếp hạng QS Asia, ĐHH liên tục có mặt trong top các trường đại học châu Á, trong đó top 351 vào năm 2023, 2024. Năm 2019, ĐHH là một trong những đại học Việt Nam được THE (Time Higher Education) khuyến nghị sinh viên nước ngoài nên theo học. Năm 2023 và 2024, ĐHH là 1 trong 6 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới với vị trí 1501+. THE cũng đã công bố xếp hạng đại học thế giới theo các lĩnh vực khoa học năm 2024. Trong số 11 lĩnh vực, ĐHH được xếp hạng ở 4 lĩnh vực, tăng 3 lĩnh vực so với THE năm 2023. Đặc biệt, trong lần đầu tiên được xếp hạng ở lĩnh vực Lâm sàng và Sức khỏe, ĐHH đã có được thứ hạng chính thức 801-1000.
Đại học Huế vẫn đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên trình độ cao; thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế rất tự hào, quý trọng và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của Đại học Huế, với việc xác định: Đại học Huế là một thiết chế, là cơ sở nền tảng, bộ phận quan trọng không thể thiếu trong chỉnh thể cấu trúc kinh tế - xã hội của địa phương. Vị thế của Đại học Huế góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế; thành quả của Đại học Huế là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong tiến trình này, sự đồng hành của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ đóng vai trò then chốt. Chính sự hỗ trợ toàn diện của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện thuận lợi để Đại học Huế phát triển một cách bền vững, đáp ứng các tiêu chí của một Đại học Quốc gia trong tương lai gần.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 10/12/2019, là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết đặt ra mục tiêu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Trong bối cảnh này, Đại học Huế được xác định là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Nghị quyết 54-NQ/TW đã nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á. Điều này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển giáo dục mà còn để phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Đại học Huế, với vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của miền Trung, sẽ đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện các nghiên cứu có giá trị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với Đại học Huế để xây dựng và triển khai các Kế hoạch, giải pháp cụ thể. Xây dựng các Kế hoạch triển khai các Nghị quyết của Tỉnh uỷ và các nội dung liên quan đến Đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học quốc gia. Gắn liền công tác nghiên cứu khoa học, công tác đào tạo của Đại học Huế với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động khác của địa phương. Tham gia phối hợp triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, giáo dục đại học trở thành nhân tố quan trọng không chỉ trong việc phát triển con người mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu, Đại học Huế cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế. Việc định hướng phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia là một bước đi chiến lược, không chỉ nâng cao vị thế của Đại học Huế mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận: Một số ý kiến về Đại học Huế và phát triển Đại học Quốc gia tại khu vực miền Trung của PGS.TS. Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong suốt quá trình phát triển của Đại học Huế của PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đại học, nguyên Giám đốc Đại học Huế; Nhận diện đại học Việt Nam-Thành tựu và thách thức của Đại học Huế của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội.