Gươl – mái nhà chung của tộc người Cơ Tu có thể tạm gọi là mô hình phóng lớn của ngôi nhà sàn cư trú bình thường với kiểu chái tròn và nhà sàn được trải bằng ván gỗ hoặc nhiều lớp võ cây dày, liếp tre, nứa đập dập. Gươl được dựng lên với rất nhiều kiêng kị quy định trong luật tục. Đặc điểm lớn nhất của gươl là dạng nhà sàn lớn tựa trên một cột cái (trụ chính) – gần như là cột biểu tượng của sức mạnh cộng đồng. Gươl tuy được xây dựng bằng vật liệu thô sơ nhưng vẫn mang vẻ bề thế, cái đẹp tự nhiên, hàm chứa sức mạnh của mối kết nghĩa giữa các thành viên trong cộng đồng.
Chính giữa ngôi nhà là cây cột cái (r’ măng) cao lớn, gánh đỡ đòn đông (Phung) và cũng là tâm điểm nối kết hệ thống cột con (t’nal) bởi các xà ngang, xà dọc (đ’nang). Mỗi ngôi nhà thường có 12 cột t’nal, các cột này được kết nối thành hình bầu dục qua hai tấm ván thưng uốn cong hai hồi, mái lợp bằng lá gồi hoặc lá mây được đan rất công phu. Mặt trong của mái thường được gài rất nhiều vũ khí, các loại mặt nạ trong tín ngưỡng tiếp xúc với thần linh, ngày trước còn có cả những chiến lợi phẩm thu được trong những cuộc xung đột “trả đầu”… nhằm phô trương sức mạnh của làng - mọi thành viên xem như đó là chiến công của mình cũng như tập thể làng. Phần trên của R’măng thường xuyên treo một đầu trâu mới làm sính lễ hiến sinh trong thời gian gần nhất. Phía sau cột cái, khoảng không gian bên dưới mái sau được làm một gian nhỏ kéo dài suốt chiều rộng ngôi nhà, làm nơi cất giữ những đồ tế lễ: chiêng, ché, thanh la…
Gươl có nhiều bếp lửa, nhưng phổ biến nhất vẫn là hai bếp nằm đối xứng hai bên cột Cái: một cho dân làng và một cho khách; những bếp lửa này có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào; nó không chỉ đơn thuần là sưởi ấm, nấu nướng thức ăn những ngày tế lễ, tạo ra ánh sáng cho những buổi sinh hoạt của làng mà còn nhiều ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng khác nữa. Đặc biệt ở hai đầu nóc ngôi nhà có trang trí nhiều hình động thực vật được chạm khắc rất công phu: cặp chim đang giao phối, con hổ, con khỉ trên cành cây, người đàn bà múa, gà và cá, gà đang ăn con nhện… Nhưng phổ biến hơn cả là hình tượng con chim mình to, cánh rộng, mỏ dài thường thấy được gọi là T’ring - loài chim mang nhiều dấu ấn tín ngưỡng của tộc người.
Không gian nội thất được dựng lên đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa chức năng sử dụng với tinh thần trách nhiệm hoàn toàn của nhóm người tạo tác. Cây cột r’măng – tâm điểm ngôi nhà và cũng là tâm điểm của những cuộc tế lễ, được dựng lên đầu tiên sau lễ cúng xin Yàng dựng nhà, nó là nơi tập trung đầy đủ nhất những mô típ trang trí biểu hiện thẩm mỹ - nhân sinh quan tộc người. Có ý kiến cho rằng r’măng tượng trưng cho uy thế của chủ làng nhà làng cũng như sự hưng thịnh của làng và về cơ bản tương ứng với hình dáng cây cột tế, bởi cả hai đều biểu tượng cho cái trục của làng và nhà Cơ Tu như một mô hình vũ trụ thu nhỏ và cũng là hình ảnh các điệu múa yaya – điệu mùa nối kết đất trời với cánh tay vươn cao mang nhiều ước vọng.
Là sản phẩm của cộng đồng sinh tồn trên nền nông nghiệp hỏa canh, các lễ tiết liên quan đến chu kỳ sản xuất (lễ cúng thần lửa, thần núi, thần nước, cơm mới…), các nghi lễ cầu mong sức khỏe cho cộng đồng (cầu an, cúng thần làng, lễ rửa xui), kể cả nghi lễ liên quan đến chu kỳ đời người (lễ đặt tên, lễ thành đinh…) đều được tiến hành bên trong gươl, quanh cây cột cái.