Từ năm 1975 đến năm 1989
  

- Ngày 28/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị khẩn cấp yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách: thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng ở các cấp; ban hành thiết quân luật; thành lập các tổ chức vũ trang, an ninh cơ sở, thi hành các chính sách, các thông cáo của chính quyền cách mạng.

- Ngày 30/3/1975, Đài Truyền hình Huế phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên.

- Ngày 15/4/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể Khu ủy Trị Thiên Huế, kiện toàn Tỉnh ủy và các đơn vị bộ đội. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế gồm 25 đồng chí. Đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Húng làm Phó Bí thư và các đồng chí Vũ Thắng, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Vạn, Trần Anh Liên, Lê Sáu, Hoàng Lanh, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Văn Đàm là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy.

- Ngày 28/4/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ra chỉ thị động viên nhân dân đóng góp lương thực nhằm giải quyết những khó khăn ban đầu sau giải phóng, bảo đảm cung cấp lương thực cho lực lượng cách mạng thực hiện nhiệm vụ trước tình hình còn nhiều khó khăn phức tạp.

- Ngày 15/5/1975, tại thành phố Huế đã diễn ra cuộc mittin lớn mừng đất nước thống nhất.

- Tháng 6 năm 1975, thành phố Huế xóa bỏ cấp quận, hình thành 11 khu phố trực thuộc thành phố. Toàn Tỉnh đã hình thành hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống xã, thôn khá hoàn chỉnh, thiết lập chính quyền trong 589 thôn, 102 xã với 1.889 cán bộ các cấp.

- Ngày 16/6/1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị về việc sửa đổi tác phong, thái độ và lề lối làm việc của người cán bộ cách mạng trong tình hình mới.

- Từ ngày 21 đến 27/6/1975, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã triệu tập Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành. Hội nghị tập trung nghiên cứu thông báo cuộc họp ngày 2/6/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và bàn một số công tác trước mắt của Thừa Thiên Huế; đánh giá tình hình Thừa Thiên Huế từ sau Hội nghị Tỉnh ủy tháng 11/1974 đến tháng 6/1975.

- Ngày 23/8/1975, Tỉnh ủy, UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đại hội nhân dân toàn Tỉnh khẳng định quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Ngày 23/8/1975, Đại hội Nông dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Huế để ôn lại những chặng đường lịch sử đã qua kể từ ngày 23/8/1945.

- Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245 quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên.

- Ngày 6/3/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định số 2603/QN-NS/TW chỉ định Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên gồm 39 ủy viên chính thức; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu làm Bí thư, đồng chí Bùi San, Nguyễn Húng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 26/3/1976, tại thành phố Huế, Tỉnh đã tổ chức mittin trọng thể kỷ niệm một năm ngày giải phóng và trao huân chương cho các đơn vị, địa phương lập thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Ngày 30/3/1976, Hội nghị Tỉnh ủy chuẩn bị hợp nhất ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đã ra Nghị quyết: “Phát huy thắng lợi vẻ vang trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần đắc lực vào việc xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên giàu đẹp”.

- Ngày 15/4/1976, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra chỉ thị số 293-CT/TU về việc hoàn thành hợp nhất Tỉnh.

- Ngày 25/4/1976, nhân dân Thừa Thiên Huế nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc Hội. Tổng số cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 99,5%. Đại biểu trúng cử là các đồng chí: Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Nguyễn Húng, Tôn Thất Tùng, Hồ Đức Vai, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đình Chi và Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

- Ngày 1/5/1976, tại quảng trường Phu Văn Lâu Huế, Ủy ban nhân dân cách mạng Bình Trị Thiên công bố và ra mắt trước toàn thể đồng bào, cán bộ trong Tỉnh.

- Tháng 9/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra thông báo số 2573/TBNS/TƯ chỉ định đồng chí Bùi San, Phó Bí thư làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên thay đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu đi nhận công tác khác.

- Ngày 4/10/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định số 2777/NQNS/TƯ bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Đình Bảy, Thái Bá Nhiệm, Nguyễn Chi vào Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ, đưa số Tỉnh ủy viên lên 41 đồng chí.

- Từ ngày 11 đến ngày 23/11/1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên (vòng 1) lần thứ nhất được tiến hành, có 600 đại biểu, trong đó khu vực Thừa Thiên - Huế 177 đại biểu.

- Ngày 11/3/1977 Chính phủ đã ra Quyết định số 62/CP về vấn đề điều chỉnh địa giới các huyện, xã thuộc khu vực Thừa Thiên – Huế:

+ Nhập huyện Phú Lộc, Nam Đông và các xã Vinh Xuân, Vinh Thanh (thuộc huyện Phú Vang) thành một huyện lấy tên Phú Lộc;

+ Nhập huyện Hương Thủy, Phú Vang thành huyện Hương Phú;

+ Nhập huyện Phong Điền, Quảng Điền và huyện Hương Trà thành huyện Hương Điền.

Sau khi điều chỉnh, khu vực Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, huyện Hương Điền, huyện Hương Phú, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới.

- Từ ngày 19 đến 23/5/1977, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên (vòng 2) lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội Bầu BCH tỉnh Đảng bộ gồm 39 đồng chí; bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Bùi San được bầu làm Bí thư, đồng chí Cổ Kim Thành làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 14/3/1980, lực lượng công an nhân dân vũ trang Bình Trị Thiên chính thức chuyển sang Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh thành lập Bộ đội Biên phòng nhằm tăng cường sức mạnh, khả năng phòng thủ sẵn sàng chiến đấu theo sở trường của mỗi lực lượng trong tình hình mới.

- Từ ngày 6 đến 11/01/1981, tại thành phố Huế đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Bình Trị Thiên lần thứ II. Tham dự đại hội có 346 đại biểu thay mặt 5 vạn đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu BCH Tỉnh Đảng bộ mới gồm 46 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Bùi San được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Từ ngày 12 đến 19/01/1982, tại thành phố Huế, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (vòng 1) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 422 đại biểu chính thức (khu vực Thừa Thiên Huế có 135 đại biểu) thay mặt cho 51.443 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

- Ngày 27/01/1983, tại thành phố Huế, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (vòng 2) chính thức khai mạc. Đại hội đã bầu Tỉnh ủy mới gồm 45 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 25/7/1985, Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết 23 về tổ chức làm thí điểm việc trả lương bằng tiền cho tất cả các đối tượng hưởng lương, phụ cấp và ăn theo trên địa bàn thành phố Huế.

- Từ ngày 21 đến 26/10/1986 tại thành phố Huế, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bình Trị Thiên lần thứ IV được tiến hành. Về dự có 457 đại biểu, thay mặt cho 6 vạn đảng viên thuộc 1.234 chi bộ, đảng bộ cơ sở ở 38 đảng bộ huyện, thành thị và các cơ quan trực thuộc trong toàn tỉnh.

- Ngày 5/11/1986, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ nhất (khóa IV) tiến hành bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Vũ Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Hai đồng chí Thái Bá Nhiệm và Nguyễn Văn Lương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

- Ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có quyết định số 87/QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

- Ngày 18/5/1989, Hội nghị Tỉnh ủy Bình Trị Thiên lần thứ 12 (khóa IV) họp và đi đến quyết định những nguyên tắc cơ bản, các đề án cụ thể và những công việc cần tiến hành khẩn trương để tách tỉnh.

- Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ V đã thông qua nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của tỉnh Bình Trị Thiên.

- Từ ngày 1/7/1989, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu hoạt động trong đơn vị hành chính mới. Có 05 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Huế (18 phường, 22 xã), huyện Hương Phú (1 thị trấn, 24 xã), huyện Hương Điền (1 thị trấn, 31 xã),  huyện Phú Lộc (1 thị trấn, 26 xã) và huyện A Lưới (21 xã).

- Ngày 10/7/1989, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành kỳ họp thứ nhất gồm 58 đại biểu tham dự. Hội đồng tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ủy viên Ủy ban nhân dân Tỉnh. Đồng chí Phạm Bá Diễn được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Ngày 9/12/1989, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa II tiến hành kỳ họp thứ nhất bầu Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Tỉnh. Đồng chí Võ Nguyên Quảng được bầu làm Chủ tịch HĐND và đồng chí Lê Viết Tâm làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh. Đồng chí Phạm Bá Diễn được bầu giữ chức Chủ tịch UBND. Các đồng chí Phan Văn Đường, Nguyễn Đình Ngộ, Lê Văn Sắc được bầu làm phó Chủ tịch UBND cùng 9 đồng chí ủy viên Ủy ban.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]