Cố đô Huế là vùng đất lịch sử giàu bản sắc văn hoá, với nhiều di tích, di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Bên cạnh những di tích thuộc quần thể cố đô Huế, các di tích lịch sử cách mạng, thì còn một nhóm di tích không thể không nhắc đến đó là những di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ những kỷ niệm thuở thiếu thời trong khoảng thời gian 10 năm Bác Hồ sống tại Huế.
* Nằm tại số 112 Mai Thúc Loan, nay thuộc phường Thuận Lộc, thành phố Huế là ngôi nhà lưu niệm của gia đình Bác Hồ trong quãng thời gian từ 1895 đến 1901. Ngôi nhà này không chỉ là nơi chất chứa biết bao kỷ niệm của gia đình Bác Hồ mà còn nhận được những tình cảm tốt đẹp của người dân cố đô Huế bấy giờ. Bởi trải qua biết bao khó khăn, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.
Nằm cách thành phố Huế gần 7km về phía Đông là làng Dương Nỗ, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang (nay thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Phổ Lợi là nơi Bác Hồ đã sống từ năm 1898 đến 1900, đây là quãng thời gian Bác Hồ theo cha về đây dạy học. Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ 2 không đỗ, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung theo cha về đây một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình, một phần để ông Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên, đặt nền móng cho nền học vấn Hán học của Người.
Thừa Thiên Huế, mảnh đất đã nuôi dưỡng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước trong giai đoạn 1895 -1901 và 1906 - 1909. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Đến nay theo thống kê ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người như: Di tích Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Di tích toà Khâm sứ Trung Kỳ, trường Quốc Học Huế, nơi an táng thân mẫu Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan,vv... Về di sản “phi vật thể” có hàng ngàn tư liệu thành văn và dân gian viết về Người, nói về Người, hồi ức của chính Người về thời kỳ ở Huế và tấm lòng của Bác Hồ với Thừa Thiên Huế, cũng như Thừa Thiên Huế với Bác Hồ.
Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, nhằm góp phần từng bước đưa tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống.
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế là niềm tự hào và là tài sản vô giá cho mãnh đất và con người xứ Huế. Những địa điểm di tích này thu hút đông đảo nhân dân mỗi khi đến Huế, cũng là nơi để người dân Cố đô Huế viếng thăm mỗi khi nhớ đến Người.
* Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. (gồm 4 di tích đã được xếp hạng Quốc gia trước đây là: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Địa điểm Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ và Đình làng Dương Nỗ)./.