Tổ chức cai trị của chúa Nguyễn
  

Với ý đồ tách Đàng trong ra khỏi sự thống trị của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác ra sức mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Bằng chính sách nội trị mềm dẻo, ngoại giao khéo léo, Nguyễn Hoàng đã thành công trong việc xây dựng thực lực và năm 1570, được lãnh trấn thủ cả vùng đất Thuận Quảng.

Buổi đầu, với chức Trấn thủ việc cắt đặt quan lại của Nguyễn Hoàng chịu sự chi phối của triều đình Lê - Trịnh. Quan lại vẫn do vua Lê bổ nhiệm. Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, quyết định thải hồi các quan do nhà Lê cắt cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền, dời chuyển phủ chúa vào Phước Yên và tổ chức bộ máy ở Chính Dinh gồm 3 ty: Ty Xá (sai giữ việc giấy tờ, kiện tụng), Ty Tướng thần (coi việc thu thuế) và Ty Lệnh sử (giữ việc tế tự và phát lương cho quân lính). Ngoài ra, Chính Dinh còn có thêm Ty Nội lệnh sử coi các loại thuế, hai ty Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu nộp tiền sai dư (thuế thân). Ty Lệnh sử đồ gia (Nhà đồ) giữ việc thu phát vật liệu, quản lý kho. Từ năm 1669, Nguyễn Phúc Tần đặt thêm Ty Nông lại để coi thu thuế điền thổ.

Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ cả vùng rộng lớn từ Nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau, Đàng Trong chia thành 12 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh, Chính Dinh (Phú Xuân), Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt 1 phủ (riêng Quảng Nam quản 3 phủ), dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường). Chỉ có Chính Dinh mới có đủ cơ cấu 3 ty, các dinh khác có 1 hoặc 2 ty.

Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, đời con cháu của ông vẫn được nhà Lê phong chức, đến năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình, đổi Ký lục thành Lại bộ, Nha úy thành Lễ bộ, Đô tri làm Hình bộ, Cai bạ làm Hộ bộ, đặt thêm Binh bộ và Công bộ, đồng thời đổi văn chức làm Hàn lâm viện. Vậy là các thay đổi lớn về chính quyền đều diễn ra trên đất Thừa Thiên Huế với tư cách là Chính Dinh.

Các đơn vị cơ sở ở Thừa Thiên Huế và cả Đàng Trong bấy giờ biến động và thay đổi luôn do quá trình khai hoang lập làng diễn ra rất mạnh.

Về bổ nhiệm quan lại, nửa đầu thế kỷ XVII, quan lại được bổ nhiệm theo tiến cử, thân tộc. Năm 1646, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt đầu định phép thi cử gồm 2 cấp: Chính đồ (khoa thi lấy người đậu ra làm quan) và Hoa văn (khoa thi lấy học trò viết chữ tốt ra làm lại). Ngoài ra, chúa Nguyễn còn sử dụng chế độ mua quan, bán tước và không cấp bổng lộc cho quan lại, bổng lộc của quan lại phần nhiều do dân đóng góp.

Xây dựng vùng đất Đàng Trong trong bối cảnh phải đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài và tự mở mang thêm lãnh thổ nhằm tạo thế lực nên Nguyễn Hoàng và các chúa kế nghiệp đã xây dựng một thể chế đậm tính quân sự, lấy quân đội làm chỗ dựa và ưu tiên việc binh. Từ đầu thế kỷ XVII, người Đàng Trong đã học được cách đúc súng và trang bị cho thuyền chiến.

Phương thức tổ chức chính quyền, quân đội như vậy đã tạo cho Đàng Trong có bước chuyển biến nhanh, đạt được ý đồ xây dựng cơ đồ của họ Nguyễn. Tuy nhiên nó cũng nhanh chóng bộc lộ những hạn chế làm cho bộ máy cồng kềnh, trở thành gánh nặng đối với nhân dân và xã hội.

Dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, vùng đất Thừa Thiên Huế nhanh chóng được khai thác. Đất đai trồng trọt mở rộng thêm, làng xóm được hình thành ở khắp đồng bằng ven biển, vùng đầm phá, gò đồi. So với thời Lê – Mạc, diện tích ruộng đất và làng xã đã tăng lên rất nhiều. Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách.

Bộ mặt xứ Huế từng bước phát triển với tốc độ đáng kể nhất là khi chúa Nguyễn chuyển dinh phủ từ Phước Yên đến Kim Long, xây dựng thủ phủ xứ Đàng Trong với quy mô lớn trên đất Phú Xuân. Xứ Huế chuyển dân từ làng quê thành phố chợ, cảng thị tấp nập tàu bè các vùng, các nước đến buôn bán, Điều đó làm cơ sở cho việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Sự chuyển biến về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến văn hóa Huế, với vị trí là “thủ phủ”, phong thái thượng lưu quý tộc cũng đòi hỏi nhu cầu tương ứng với vị thế xã hội. Nếp sống đài các, tao nhã, thanh lịch ảnh hưởng sâu đậm đến các giai tầng, trở thành đặc trưng văn hóa của vùng đất Huế, biểu hiện trong nếp ứng xử, trong ẩm thực, y phục và nghệ thuật.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]