Sang đến thế kỷ XV, Thừa Thiên Huế có những biến chuyển tích cực hơn do việc Hồ Hán Thương cho sửa chữa đường thiên lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) đến châu Hóa, đồng thời bờ cõi của Đại Việt được mở rộng về phương Nam với 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa kéo dài đến tận Bắc Quảng Ngãi ngày nay. Từ đây châu Hóa không còn là phên giậu của đất nước; việc di dân từ phía Bắc vào châu Hóa lại tiếp tục.
Sau khi nhà Hồ bị giặc Minh đánh bại, vua tôi bị bắt giải về Trung Quốc, giang sơn Đại Việt rơi vào tay nhà Minh, vùng đất Hóa Châu cũng nằm trong hoàn cảnh ấy.
Năm 1407, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Trần Ngỗi (Giản Định Đế - dòng dõi nhà Trần) phát động nổi lên ở Nghệ An, Đại tri châu Thuận Hóa là Đặng Tất đã đem quân Thuận Hóa ra phò Trần Ngỗi. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được 6 năm (lúc đầu do Trần Ngỗi lãnh đạo, ba năm sau do Trần Quý Khoáng chỉ huy), nhân dân Thuận Hóa đã sát cánh cùng với nghĩa quân lăn lộn trên các chiến trường Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Tân Bình, Thuận Châu. Hóa Châu lại là một trọng địa, căn cứ để củng cố và bổ sung lực lượng cho nghĩa quân. Tinh thần yêu nước, xả thân kháng chiến cứu nước của nhân dân vùng đất Hóa Châu đã được khẳng định.
Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, quân Minh áp dụng chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo: đàn áp lực lượng nghĩa quân còn sống sót, tăng tô thuế, vơ vét rài sản của nhân dân, bắt cống nạp của ngon vật lạ..., chủ trương đồng hóa nhân dân ta qua việc thay đổi phong tục, tuyên truyền mê tín dị đoan, tổ chức giáo dục theo tinh thần tam giáo của nhà Minh. Hai châu Thuận, Hóa sáp nhập thành một châu Thuận Hóa, chỉ còn 79 làng, 1.470 hộ và 5.662 khẩu dân đinh.
Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), nhân dân Thuận Hóa lại tiếp tục hưởng ứng cuộc kháng chiến chông quân Minh xâm lược. Ngoài đông đảo đinh tráng tham gia nghĩa quân, ở châu Hóa đã có một số nhân tài đóng góp nhiều chiến công trong hàng ngũ chỉ huy tham mưu của nghĩa quân như: ngài họ Hà ở làng La Chữ có công theo Lê Lợi bình Ngô được phong tước Đại Liêu; Phạm Bá Tùng ở làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương được phong chức Chỉ huy sứ.
Quân dân Tân Bình, Thuận Hóa đã được Lê Lợi ban dụ khen ngợi: “Ngay ở kinh lộ của ta cũng chưa thấy ai dốc lòng hết sức, lập công nêu danh mà bọn các ngươi là bề tôi ở chốn phên giậu biên cương lại biết nghĩ tới công sức của ông cha ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước. Lòng trung thành đó, thực đáng ngợi khen” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 – Ngô Sĩ Liên).
Nhận định đó đã khẳng định công sức của quân dân Thừa Thiên Huế đầu thế kỷ XV trong công cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt của dân tộc.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)