Thừa Thiên Huế trong phong trào cách mạng 1930-1931 và 1936-1939
  

Sau khi được thành lập, Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong phong trào cách mạng 1930 - 1931.

Phương hướng công tác trong giai đoạn này của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên là: tuyên truyền, giải thích sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ý nghĩa của việc thành lập Đảng cộng sản Việt nam và Đảng bộ Tỉnh; tăng cường vận động, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực hàng ngày; kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 bằng một đợt hoạt động kéo dài trong 15 ngày (từ 22/4 đến 7/5/1930).

Ngày 24/4/1930 truyền đơn tuyên truyền của Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên xuất hiện ở nhiều nơi trong thành phố Huế. Tháng 6/1930, Ban Dân vận và các đoàn thể quần chúng ra đời. Tháng 7/1930, chi bộ Truồi lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi tăng tiền công giành thắng lợi.

Trong bối cảnh phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh, tại Thừa Thiên Huế, Tỉnh uỷ đã mở một đợt tuyên truyền rộng rãi đưa tin về cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh, tố cáo hành động khủng bố dã man của thực dân Pháp. Truyền đơn được rải khắp nơi trong nội thành Huế kêu gọi ủng hộ Nghệ - Tĩnh. Ngày 30/9/1930, Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế vạch kế hoạch đẩy mạnh cuộc vận động “bênh vực Nghệ An đỏ”.

Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, cao trào cách mạng 1936 - 1939 được coi là cuộc tổng diễn tập thứ hai của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trước khi tiến hành Tổng khởi nghĩa.

Tại nước Pháp, đầu năm 1936 Mặt trận nhân dân Pháp thành lập và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử, đứng ra lập nội các mới do lãnh tụ đảng Xã hội Blom làm Thủ tướng. Chính phủ mới thành lập ban hành một số chính sách nới lỏng quyền tự do dân chủ, cải cách xã hội cho các nước thuộc địa.

Chớp thời cơ đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (7/1936) đã họp để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh thích hợp. Một cao trào đấu tranh chính trị rộng khắp đã bùng nổ với phong trào Đông Dương Đại hội, đấu tranh nghị trường, đấu tranh trên mặt trận báo chí, bãi công, biểu tình đòi quyền lợi...

Ở Thừa Thiên Huế, phong trào dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Đảng bộ Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng lại phong trào, tiến hành cuộc vận động Đông Dương Đại hội, thu thập nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân gửi lên phái đoàn điều tra của chính phủ Pháp. Trong dịp Godart, phái viên của chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương, các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên Huế đã mở cuộc tuyên truyền vận động, vạch kế hoạch đón Godart để đưa bản “dân nguyện”.

Thừa Thiên Huế là địa bàn quan trọng của hoạt động đấu tranh nghị trường, Đảng bộ Tỉnh đã mở cuộc vận động quần chúng nhân dân bỏ phiếu cho các ứng cử viên được Mặt trân Dân chủ giới thiệu, kết quả là cuộc vận động này đã giành được thắng lợi, các chức vụ chủ chốt của Viện Dân biểu như: Viện trưởng, viện phó, chánh thư ký, uỷ viên thường trực đều là người của Mặt trận dân chủ.

Trong phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939 ở Huế, báo chí là một công cụ đắc lực. Báo chí cách mạng xuất bản công khai đã ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương đường lối, phương hướng hoạt động của Đảng. Trong những năm 1927 - 1938, ở Huế có khoảng 20 tờ báo lần lượt ra đời, trong số đó tờ Nhành lúa, Sông Hương tục bản, Dân và Tiếng Dân là đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở đây.

Những năm 1936 - 1939, phong trào công nhân Huế phát triển mạnh mẽ, cuộc bãi công của toàn thể công nhân may, thợ giày Huế được xem là một trong hai cuộc bãi công tiêu biểu trong năm 1937 của cả nước.

Sát cánh cùng phong trào công nhân đấu tranh là phong trào thanh niên và học sinh. Phát huy truyền thống đấu tranh của những năm trước, thanh niên và học sinh Huế đóng vai trò tích cực trong cuộc vận động Đông Dương Đại hội và đón Godart.

Mùa thu năm 1938, chính quyền thực dân dự kiến tăng thuế thân và thuế điền thổ. Đảng bộ Tỉnh đã chủ trương lãnh đạo quần chúng đấu tranh dưới các hình thức mitting, biểu tình, gửi bản dân nguyện đòi bác bỏ Dự án tăng thuế. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân diễn ra sôi nổi trên toàn tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dân biểu tiến bộ đấu tranh bác bỏ được dự án tăng thuế tại Viện Dân biểu Trung kỳ và kết quả là đã bác bỏ được Dự án tăng thuế thân và thuế điền thổ của chính quyền thực dân.

Phong trào đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên Huế diễn ra sôi nổi trong suốt những năm 1936 - 1938. Sang đến đầu năm 1939 tình hình thế giới có biến chuyển lớn, nguy cơ chiến tranh tới gần. Tại Pháp, Đảng Xã hội, cấp tiến bị lấn át, giai cấp tư sản phản động tấn công vào Đảng cộng sản. Nhân cơ hội này, bọn thực dân phản động thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ dần dần đi xuống.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác