Thừa Thiên Huế - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI
  

             

Cửa Bắc hầm đường bộ Hải Vân

Thế kỷ XX để lại trong lịch sử Thừa Thiên Huế những dấu ấn sâu sắc về những cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, với đức tính cần cù, dũng cảm, chịu thương chịu khó, đoàn kết, thuỷ chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế cùng "chung lưng đấu cật" đương đầu với sóng gió dữ dội của biển cả, gồng mình chống úng khi lũ về, chống hạn khi hè tới để biến những tiềm năng, thế mạnh của mình thành thế và lực mới trong thế kỷ XXI - thế kỷ của hội nhập và phát triển.

Thừa Thiên Huế là một vùng non sông kỳ thú nằm ở vùng duyên hải Bắc miền Trung, nơi có thành phố Huế - một trong những đô thị lớn nổi tiếng của Việt Nam. Tự hào là vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử - văn hoá lâu đời, đặc sắc và truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng vẻ vang. Thừa Thiên Huế với vị trí chiến lược đặc biệt đã từng là "phên dậu thứ tư về phương Nam" của Đại Việt, nơi "đô hội lớn của một phương".

Thừa Thiên Huế từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, kinh đô của nước Đại Việt thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn (1802 - 1945). Nơi đây luôn giữ một vị thế chiến lược, một miền đất đóng vai trò nối giữ hai miền Bắc - Nam. Những yếu tố đó tạo cho Thừa Thiên Huế truyền thống rất tiêu biểu, rất đáng tự hào về văn hoá, về truyền thống cách mạng oanh liệt trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương ngày nay còn ghi dấu bằng nhiều địa danh lịch sử như chiến khu Dương Hoà, Hoà Mỹ, A Lưới, đường Hồ Chí Minh,... được Trung ương tặng tám chữ vàng "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".

Thừa Thiên Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thời trai trẻ người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là nơi có nhiều địa điểm còn in dấu tích về Người như trường Quốc Học Huế, ngôi nhà ở Dương Nổ, Phú Dương - Phú Vang và  112 Mai Thúc Loan .

Ngày nay, Thừa Thiên Huế còn được biết đến là một trung tâm văn hoá - du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của Việt Nam. Huế - thành phố hoà bình - thành phố Festival - đô thị loại I trực thuộc tỉnh - là niềm tự hào và tin yêu của nhân dân cả nước .

 Truyền thống và niềm tự hào đó luôn được các thế hệ nhân dân Thừa Thiên Huế ghi tạc và đang ngày càng phát huy thành động lực phát triển trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có

Được xác định là một trong năm tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông chính, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An với quy mô lớn phục vụ cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và tiểu vùng Mê Kông; có sân bay Phú Bài nằm trên quốc lộ 1A, tuyến đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh, có 86km biên giới với Lào. Với vị thế đó, Thừa Thiên Huế được xác định là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại Đông - Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông. Với vị trí thuận lợi này, Thừa Thiên Huế có điều kiện để phát triển kinh tế hàng hoá, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và thế giới.

Không những thế, Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ giao thoa các yếu tố văn hoá và kinh tế của nền văn hoá Đông Sơn, Sa Huỳnh; của nền văn hoá Ấn Độ, văn hoá Trung Hoa sau này là văn hoá phương Tây, tạo ra vùng văn hoá Huế độc đáo trong đa dạng và phong phú, góp phần làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Quần thể di tích Cố đô Huế với những kiệt tác về kiến trúc cung đình, những công trình văn hoá, lăng tẩm đã được UNESCO xếp hạng là một trong những di sản văn hoá lớn của thế giới bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: sông Hương,

Cầu Trường Tiền

núi Ngự, Hải Vân, núi Bạch Mã, bãi biển Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương và hàng trăm chùa chiền với kiến trúc dân tộc độc đáo như chùa Thiên Mụ, Bảo Quốc, Từ Đàm,...  

Bên cạnh các di sản văn hoá vật thể, Thừa Thiên Huế còn có một nền văn hoá phi vật thể phong phú. Các loại hình nghệ thuật, lễ hội ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán của Huế rất đa dạng, độc đáo và đặc sắc. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đúng như nhận định của Giám đốc UNESCO: "Huế là một kiệt tác về thơ, về kiến trúc đô thị, là một thành phố độc quyền giữ trong mình những kho tàng vô giá, một nhà bảo tàng kỳ lạ của nền văn hoá vật chất và tinh thần của Việt Nam".

Với hai di sản văn hoá nhân loại đã được xếp hạng, Thừa Thiên Huế là Trung tâm của con đường hành trình di sản văn hoá thế giới của Việt: Hạ Long - Phong Nha - Huế - Hội An - Mỹ Sơn - đường Hồ Chí Minh đã tạo ra sự liên kết về du lịch với các tuyến du lịch ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam,... Đây là lợi thế rất lớn của tỉnh, cho phép phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Ngoài những tài sản bề nổi có thể dễ dàng nhận thấy, trong lòng đất sâu thẳm, Thừa Thiên Huế còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, với hơn 100 điểm khoáng sản có trữ lượng lớn như: đá vôi, đá granít đen và xám có thể khai thác, chế biến hàng chục nghìn m3/năm, mỏ cao lanh, than bùn, bentônít, oxyttiane, nước khoáng, các tài nguyên rừng và biển.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có ưu thế về phát triển thuỷ sản ở cả 3 vùng: vùng biển, vùng đầm phá và vùng nước ngọt. Hệ thống đầm phá nước lợ thuộc phá Tam Giang với chiều dài 70km, diện tích 22.000 ha là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất Đông Nam Á, có khả năng nuôi trồng và đánh bắt nhiều loại thuỷ hải sản đặc biệt dành cho xuất khẩu. Những yếu tố đó tạo cho Thừa Thiên Huế có điều kiện xây dựng các mô hình khai thác tổng hợp kinh tế biển.

Song có lẽ, yếu tố con người mới có ý nghĩa quyết định, tạo sức hút mạnh nhất đối với các nhà đầu tư đến với Huế. Người dân Thừa Thiên Huế văn minh, lịch thiệp, có truyền thống hiếu học bao đời nay và trong mỗi con người đều chứa đựng nét đặc thù sâu sắc văn hoá Huế. Đại học Huế gồm 7 trường Đại học thành viên (Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đại học Y khoa, Đại học Nông lâm, Đại học Nghệ thuật, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại Ngữ), cùng với Trường Đại học dân lập Phú Xuân và hệ thống các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba bệnh viện lớn nhất của cả nước, có trình độ cao, kỹ thuật tiên tiến trong khám, điều trị bệnh, là hạt nhân của Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước. Trung tâm công nghệ thông tin đã và đang hoạt động có hiệu quả. Những ưu thế này cho phép Thừa Thiên Huế xây dựng kinh tế tri thức mà chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm là bước đón đầu.  

Thành tựu sau 30 năm phát triển (1975 - 2005)

Diện mạo thành phố Huế ngày nay

Ngay sau ngày giải phóng 26/3/1975, Thừa Thiên Huế bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương và xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển trên cơ sở của một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề qua chiến tranh. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, vượt lên những điều kiện ngặt nghèo khó khăn chung của cả nước và khủng hoảng chính trị, tài chính trên thế giới và trong khu vực; vượt qua khó khăn của các trận thiên tai khốc liệt  đặc biệt là cơn lũ lịch sử tháng 11/1999... Từ năm 1990 đến nay, kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh và khá toàn diện (bình quân 8,4%/năm, cao hơn hẳn so với mức 3,4%/năm của thời kỳ 1976 - 1989), thời kỳ 2001 - 2005 đạt bình quân 9,5%/năm. Tiềm lực kinh tế được nâng cao một bước quan trọng, quy mô toàn nền kinh tế năm 2004 đã tăng gấp 2,5 lần so năm 1990, trong đó công nghiệp tăng 4,3 lần, dịch vụ tăng 2,5 lần, nông nghiệp tăng 1,2 lần. GDP bình quân đầu người  đến năm 2004 đạt 509 USD, gấp 2,3 lần so với năm 1990.

Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 19,7% (năm 1990) lên 34,1% (năm 2004), ngành dịch vụ tăng tương ứng từ 36,1% lên 43,7%; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm nhanh từ 44,2% xuống còn 22,2%.

Các thành phần kinh tế được tạo cơ hội và điều kiện phát triển. Điểm nổi bật trong 5 năm qua là sự tăng lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Số doanh nghiệp mới đăng ký trong 5 năm (2000-2004) cao gấp 5,6 lần so với 9 năm trước đó (1991 - 1999). Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mới hình thành từ năm 1992 nhưng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo ra 40% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp gần 10% GDP của tỉnh, 42% trong tổng thu ngân sách địa phương.

Sôi động tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nâng cao tiềm lực kinh tế địa phương. So với những năm của thập kỷ 80, công tác đầu tư xây dựng trong thời kỳ đổi mới có sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô vốn và khối lượng công trình. Nhiều năng lực sản xuất mới đã được đầu tư và đang từng bước phát huy tác dụng như các tuyến giao thông ngang nối với cầu Hòa Xuân (Phong Điền), cầu Trường Hà (Phú Vang), các cửa khẩu nối với nước bạn Lào, Cảng nước sâu Chân Mây, Sân bay Phú Bài, đường Hồ Chí minh, Hầm đường bộ Hải Vân… đã tạo ra thời cơ mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Phú Bài, Hương Sơ, Tứ Hạ, Khu khuyến khích phát triển Kinh tế thương mại Chân Mây; các cụm điểm du lịch: Lăng Cô - Bạch Mã - Hải Vân; khu nước khoáng Thanh Tân, Tân Mỹ - Thuận An...đã và đang được triển khai và thu hút đầu tư đã tạo một diện mạo mới cho Thừa Thiên Huế trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ Festival, các lễ hội, thể dục - thể thao ở tầm quốc gia được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới; cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, nhiều Khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, thành phố Huế đựợc Chính phủ công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh; các thiết chế của Đại học Huế, Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung mà hạt nhân là bệnh viện Trung ương Huế đang được đầu tư, nâng cấp; các dự án kiên cố hóa trường học, bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương... được triển khai  và từng bước đưa vào sử dụng.

Công tác chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng có công với nước vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng", xây dựng Nhà tình nghĩa được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với đối tượng có công với nước được kịp thời, đầy đủ nên đời sống về mọi mặt của các đối tượng này được đảm bảo.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng đã và đang từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, cấp bách như đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, giảm số hộ nghèo trong toàn tỉnh còn lại dưới 8%. Chương trình xoá nhà tạm cho đồng bào nghèo được triển khai và bước đầu đem lại kết quả tốt. Đặc biệt là các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực phấn đấu hoàn thành cơ bản xoá nhà tạm bợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong năm 2005, tạo điều kiện cho đồng bào có cuộc sống ổn định để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các chương trình mục tiêu quốc gia khác được thực hiện góp phần tạo ra bộ mặt nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin thể dục thể thao được quan tâm phát triển. Hệ thống trường học đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, toàn tỉnh đã phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế và bác sĩ;  công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Huế được thực hiện có hiệu quả  đã góp phần xây dựng Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế. một trong năm đô thị cấp quốc gia và là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đêm bế mạc Festival Huế 2006

            Những thành tích và kết quả đạt được của Thừa Thiên Huế trong quá trình đấu tranh và lao động sáng tạo sau 30 năm xây dựng và phát triển là sự kế tục và phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân, dưới sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam; sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân trong cả nước, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài, đó là những tiền đề để tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương Thừa Thiên Huế giàu đẹp tiến lên một bước mới có tính toàn diện và vững chắc hơn trong thế kỷ XXI.

 Bản in]
Các bài khác