Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong những năm 1953, 1954 đã bám chắc tình hình địa phương, vạch ra chủ trương sát đúng, phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả. Mặc dù trong năm 1953, các đơn vị chủ lực đã lên đường làm nhiệm vụ trên các chiến trường khác nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Đảng bộ địa phương, dân quân du kích và nhân dân Thừa Thiên Huế đã giữ vững được thế trận, liên tục tấn công địch “chia lửa” với các chiến trường trong cả nước.
Năm 1953, địch liên tục mở các đợt càn quét lớn, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có 55 trận càn lớn nhỏ. Đặc biệt, sau khi tướng Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Bình - Trị - Thiên được Navarre coi là nơi an toàn phía sau của chúng. Nên chúng tăng cường củng cố đồn bốt, liên tục bắt lính, duy trì các trận càn quét, vơ vét vật lực để cung cấp cho chiến trường chính Bắc Bộ. Ngày 28/7/1953, Navarre đã huy động một lực lượng khổng lồ để mở một trận càn quy mô lớn mang tên cuộc hành binh Camargue gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 trung đoàn pháo binh, 400 xe cơ giới, 48 máy bay, 160 xe lội nước, 4 tàu thủy và 14 ca nô. Mục tiêu của đợt càn quét là đánh vào vùng căn cứ kháng chiến của ta ở Bắc Thừa Thiên, Nam Quảng Trị. Sau tháng 9/1953, địch lại liên tục mở các trận càn vào bốn huyện Phong - Quảng - Triệu - Hải. Địch đã gây cho ta những khó khăn và tổn thất, nhưng quân dân ta đã dũng cảm chiến đấu, tổ chức chống càn có hiệu quả, chủ động tấn công phá địch, phối hợp hoạt động đấu tranh chính trị, địch vận.
Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng họp bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 - 1954. Cuộc họp đã xác định nhiệm vụ của vùng sau lưng địch như Bình - Trị - Thiên là đẩy mạnh chiến tranh du kích để tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Liên khu IV Bình - Trị - Thiên nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt để cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 lịch sử.
Ngày 8/11/1953, Hội nghị cán bộ Bình - Trị - Thiên xác định nhiệm vụ của ba tỉnh là “đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, nhất là đấu tranh vũ trang để phối hợp với chiến trường toàn quốc và phá hoại âm mưu mới của địch ở Bình - Trị - Thiên. Nhiệm vụ trước mắt là giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực chống càn quét”.
Về quân sự, bộ đội và du kích vừa lo chống càn vừa tổ chức tập kích đánh địch, đánh lô cốt và đánh đường giao thông. Tính trong ba tháng đầu năm 1954, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đánh 302 trận, trong đó 32 trận chống càn. Ngoài việc tiêu diệt sinh lực địch, ta còn phá hủy 25 xe cơ giới và 15 đầu máy, 80 toa xe, phá hỏng 14 cầu, thu trên 400 súng các loại, tiêu diệt 6 vị trí và 12 lô cốt địch.
Phối hợp với tiến công về quân sự là đấu tranh chính trị của quần chúng, nhân dân tiến hành đấu tranh trực diện với địch, chống bắt lính, đòi người thân trở về.
Những ngày tháng 4 và tháng 5 năm 1954, Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tiến công về quân sự và những đợt đấu tranh chính trị để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy là khôi phục lại căn cứ sở hai huyện Phong - Quảng, mở rộng khu du kích, và cùng cả nước giành thắng lợi trong trận đọ sức cuối cùng, khi mà tiếng súng của quân ta đã nổ giòn ở Điện Biên Phủ.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Genève. Đến ngày 1/8/1954, địch buộc phải ngừng bắn ở Thừa Thiên Huế. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Thừa Thiên Huế kết thúc thắng lợi. Lịch sử tỉnh nhà chuyển sang một trang mới.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)