Những dấu tích thời tiền sử
  

Trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, trên mảnh đất Thừa Thiên Huế có khá nhiều dấu tích văn hóa thời Tiền sử, tuy chưa phát hiện được di chỉ cư trú (di tích có tầng văn hóa), nhưng qua các dấu tích rìu, bôn đá được tìm thấy ở La Ngà xã Hồng Thủy, ở núi Mèo xã Hồng Vân và ở các xã Bắc Sơn, Hồng Bắc, Hồng Hạ (huyện A Lưới); ở Truồi (Nam Phổ, Lộc An, Phú Lộc), Bãi Trảng Đình (Thủy Yên, Lộc Thủy, Phú Lộc); ở Phụ Ổ, Bàu Đưng (Hương Chữ, Hương Trà); ở Phong Thu (Phong Điền), có thể thấy địa bàn cư trú của người nguyên thủy Thừa Thiên Huế bấy giờ khá rộng. Căn cứ trên những đặc điểm về định tính và định lượng của các công cụ rìu và bôn đá được tìm thấy như kỹ thuật chế tác (ghè, đẽo, mài), hình dáng của lưỡi rìu (một loại hình thang hay gần với hình chữ nhật và một loại có chuôi nhỏ để tra cán); chất liệu là đá silic (hay đá lửa) pha vẩy sét và một số ít làm từ đá có nguồn gốc trầm tích biến chất, có thể ghi nhận công cụ của các nhóm cư dân nguyên thủy Thừa Thiên Huế mang những đặc trưng giống công cụ đá của cư dân Bàu Tró (Quảng Bình) thời hậu kỳ Đá mới – sơ kỳ Kim khí, niên đại cách ngày nay 3.500 đến 4.000 năm.

Bôn và cuốc đá ở A Lưới

Do nhu cầu của việc khai phá đất hoang và sản xuất nông nghiệp mà công cụ lao động không ngừng được cải tiến, sáng tạo. Bên cạnh công cụ đá, còn xuất hiện công cụ bằng xương thú, tre, gỗ, nhưng chất liệu này đã bị tiêu hủy theo thời gian.

Về kinh tế: Cùng mới sự phát triển của công cụ lao động, quá trình sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển. Bên cạnh canh tác cây lúa, họ còn trồng các loại rau lấy củ, cây ăn quả và rau dưa, bầu, bí... Để phục vụ đời sống sinh hoạt nghề gốm cũng phát triển, người nguyên thủy đã biết chọn loại đất dẻo và mịn để làm đồ gốm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người nguyên thủy vẫn duy trì những hình thức kinh tế khai thác như sắn bắn, đánh cá và hái lượm.

Về đời sống tinh thần, qua việc tìm hiểu kỹ thuật chế tác các loại hình công cụ đá cũng biết được phần nào về trình độ tư duy và khả năng thẩm mỹ của con người thuở ấy. Có thể nói bấy giờ họ đã có một trình độ tư duy, kỹ thuật và mỹ cảm khá phát triển.

Về tổ chức xã hội cũng có nhiều thay đổi. Lúc đó họ đang ở vào giai đoạn thị tộc mẫu hệ. Các thị tộc có quan hệ nguồn gốc họp lại thành bộ lạc. Nhìn chung, các tổ chức thị tộc bộ lạc đều được hình thành trên cơ sở lao động tập thể và củng cố bằng huyết thống, còn nhóm bộ lạc thì bao gồm những bộ lạc gần gũi nhau về mặt tộc thuộc và nói những phương ngữ của cùng một ngôn ngữ. Sự cố kết về phương diện tổ chức xã hội như vậy đã tạo điều kiện cho họ có thêm sức mạnh mới.

Như vậy, cho đến nay mới chỉ phát hiện được những dấu tích của người nguyên thủy trên đất Thừa Thiên Huế khoảng 3.500 đến 5.000 năm trước. Cuộc cách mạng đá mới với nội dung cơ bản của nó là sự phát triển của nghề nông trồng lúa nước và những xóm làng tiểu nông là một chuyển biến có ý nghĩa lớn lao của đời sống cư dân thời nguyên thủy. Đây chính là tiền đề đưa cư dân Thừa Thiên Huế tiến vào thời đại văn minh.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]
Các bài khác