Địa điểm: Xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xã Hồng Bắc nằm gọn trong một thung lũng rộng dưới chân núi A Túc. Tuy ở vùng núi nhưng địa hình ở đây tương đối bằng phẳng có nhiều khe suối.
Tháng 4 năm 1983, cán bộ khảo cổ học Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế) đã phát hiện được ba di vật rìu, bôn đá tại vùng chân núi A Túc, nơi gần các khe suối nhỏ.
Bôn đá thứ nhất có vai xuôi, toàn thân dài 9cm, trong đó chân chuôi dài 4cm, lưỡi rộng 8cm, thân dày 1,9cm, thiết diện ngang thân hình tang trống.
Bôn đá thứ hai cũng thuộc loại vai xuôi, được chế tác từ loại đá cứng, toàn thân mài trau chuốt rìa lưỡi cong, sắc. Bôn dài 6,1cm, thân lưỡi rộng 4,5cm, thân bôn dày 1,3cm.
Rìu đá có vai ngang, toàn thân đã được mài, rìa lưỡi có vài vết sứt mẻ nhỏ, thân thẳng dài 8cm, thiết diện ngang gần hình tang trống. Năm 1975, một giáo viên trường PTCS Hồng Kim cũng đã phát hiện 01 chiếc rìu đá cùng loại.
(Theo Bản đồ khảo cổ học Bình - Trị - Thiên thời đại đá và sơ kỳ kim khí).