Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: từ ngày 01/7/2010 đến 30/6/2015, Sở Tư pháp đã tiếp nhận được 21.016 thông tin lý lịch tư pháp, trong đó 6 tháng đầu năm 2015, tiếp nhận 2.989 thông tin lý lịch tư pháp. Đến thời điểm này, tại Sở Tư pháp tỉnh không có thông tin lý lịch tư pháp bị tồn đọng; các thông tin lý lịch tư pháp sau khi tiếp nhận đều được lập lý lịch tư pháp, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp bổ sung vào phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung. 10 tháng đầu năm 2015, Sở Tư pháp đã in và gửi cung cấp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia 2.962 bản lý lịch tư pháp và lý lịch tư pháp bổ sung. Đối với công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, trong 5 năm qua, Sở Tư pháp đã cấp 19.170 phiếu lý lịch tư pháp.
Nhìn chung, ngay sau khi Luật lý lịch có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp. Công tác phối hợp giữa UBND tỉnh và Sở Tư pháp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao, thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Nhận thức của bộ phận lãnh đạo, cán bộ, công chức và công dân tại Thừa Thiên Huế về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác lý lịch tư pháp ngày càng được tăng cao. Việc bố trí cán bộ để thực hiện công tác lý lịch tư pháp đã được các cấp quan tâm, tương xứng với vị trí, nhiệm vụ của công tác lý lịch tư pháp trong tình hình mới. Song song đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đang dần đi vào nề nếp, số lượng thông tin tiếp nhận, xử lý ngày một nhiều, chất lượng ngày một nâng lên, việc ứng dụng CNTT vào xây dựng CSDL ngày càng được chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được chú trọng triển khai với nhiều hình thức khác nhau...
|
Tại buổi làm việc
|
Cũng tại buổi làm việc, các cơ quan liên quan đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định liên quan đến pháp luật hình sự và nên quy định trách nhiệm của các cơ quan Toà án trong việc chủ động cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích cho người dân khi đã đáp ứng đủ các điều kiện về đương nhiên xoá án tích theo quy định. Kiến nghị Bộ Tư pháp cần có lộ trình để bảo vệ và khai thác CSDL lý lịch tư pháp, cần có đường truyền mạng riêng để bảo vệ CSDL khỏi bị các phần tử xấu xâm nhập và phá hoại. Ngoài ra, vấn đề tăng cường mở lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng và lưu trữ CSDL lý lịch tư pháp hay cần sớm tải tiến, nâng cấp phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung hiện nay theo hướng tương thích với thực tế triển khai công tác lý lịch tư pháp… cũng là những ý kiến được nhiều đơn vị quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính khẳng định: công tác lý lịch tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trên tinh thần đó, đồng chí Đinh Khắc Đính đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị được Đoàn công tác chọn làm việc cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện, thực hiện tốt việc phối hợp với Đoàn trong quá trình Đoàn làm việc tại đơn vị.
Được biết, trong 2 ngày 19-20/11, Đoàn sẽ có buổi làm việc cụ thể với 4 đơn vị: Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Tòa án Nhân dân tỉnh và Trạm giam Bình Điền về việc thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tại đơn vị.