Đình Thai Dương Hạ - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
  

1. Quá trình hình thành Đình Thai Dương Hạ

Cùng với quá trình hình thành làng, hệ thống các công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu... cũng lần lượt ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân khi đến một vùng đất mới là điểm kết nối quá khứ và hiện tại, nơi gửi gắm những mong ước“mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an” cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc của mỗi người dân. Các công trình này dù lớn hay nhỏ, cũng là thành tựu về di sản văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân; đồng thời là kết quả sự đóng góp chung của cộng đồng cư dân từ những buổi đầu mới thành lập làng. Đình Thai Dương hạ là một trong số những công trình kiến trúc quan trọng đó.

Qua nghiên cứu khảo sát thực tế tại di tích, cũng như các tài liệu lưu giữ tại làng, thì hiện tại chưa xác định được thời điểm xây dựng đình; nhưng theo truyền thống của cư dân Việt sau khi làng được thành lập ở vùng đất mới, đình  được xây dựng, quy mô và vật liệu xây dựng qua mỗi giai đoạn lịch sử có sự thay đổi khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của dân làng. Ban đầu đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá đơn giản, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây đình khang trang hơn.   

Theo lời các cụ cao niên trong ban điều hành của làng kể lại: Đây chính là ngôi đình gốc của làng Thai Dương, đình được dựng lên để thờ các ngài khai canh của làng Thai Dương và lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức tại đây để tỏ lòng nhớ ơn Ngài khai canh của làng là Trương Thiều (Trương Quý Công). Ngài là người sáng lập ra làng và dạy cho dân làng nghề đánh cá và buôn bán ở vùng biển, nên dân làng ở đây làm ăn ngày một khấm khá hơn.

Năm (1904) đã xảy ra một trận bão lớn mở ra một của biển mới, lãnh thổ làng Thai Dương bị chia cắt làm đôi, việc đi lại của con dân trong làng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào các dịp tế lễ để cầu nguyện theo nghi lễ tâm linh của ngư dân vùng ven biển. Để tỏ lòng biết ơn với người có công khai phá ra vùng Thai Dương, người dân khu vực Thuận An (huyện Phú Vang) xin dựng thêm một ngôi đình mới tại Thuận An gọi là đình Thai Dương để thờ vọng các ngài khai canh. Như vậy, đình Thai Dương hạ là ngôi đình chính (đình gốc) của làng Thai Dương, còn đình Thai Dương (Thuận An) là đình thờ vọng, đình này đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, số 4296/QĐ-UBND ngày 21/12/2005.

Trước đây, Đình được dựng theo kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái với bộ sườn bằng gỗ, mái lợp ngói liệt; trải qua thời gian ngôi đình đã bị hư hỏng và bị nước biển cuốn trôi qua những trận bão lớn. Về sau, đình được xây lại ngay trên nền đất cũ bằng chất liệu bền vững hơn bê tông giả gỗ theo mô-típ kiến trúc triều Nguyễn, mang đặc trưng của một ngôi đình xứ Huế.

Ngày nay, tại đình Thai Dương Hạ vẫn luôn luôn tiếp tục phát huy những giá trị văn hoá của địa phương thông qua các lễ hội, ngoài những ngày lễ định kỳ vào "Xuân Thu nhị kỳ" thường niên, cầu cho mưa thuận gió hòa, con dân làm ăn phát đạt. Đặc biệt còn thêm một lễ hội được tổ chức rất trọng thể và uy nghiêm cứ 3 năm một lần đó là lễ hội Cầu Ngư, đây là lễ hội đặc trưng của cư dân vùng sông nước ven biển.


Lễ rước Bằng công nhận di tích vào Đình làng 

2. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Hàng năm, ở đình thường diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt, tế lễ của làng, như; ngày kỵ của ngài khai canh 12/12 (âm lịch), ngày thu tế 12/7 (âm lịch); đặc biệt tại đình còn diễn ra lễ hội Cầu Ngư 3 năm tổ chức lớn một lần vào ngày kỵ của ngài khai canh và lễ Cầu Ngư được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn Ngài, dạy cho dân nghề đánh cá và buôn bán ở vùng ven biển, trong lễ diễn lại cảnh sinh hoạt nghề biển như đánh cá, buôn bán cá, một tập tục để ghi nhớ công ơn của Ngài.

Lễ Cầu Ngư diễn ra vào dịp xuân tế tại đình Thai Dương Hạ trong 2 ngày (ngày 11, 12 tháng Giêng Âm lịch), sau các nghi thức cúng tế, là lễ Cầu Ngư mang nhiều ý nghĩa nghề nghiệp của địa phương. Ngày xưa, được tổ chức đều đặn hàng năm, nhưng sau đó vì điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép nên dân làng tổ chức theo định kỳ "Tam niên đáo lệ" vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu... Việc chuẩn bị cho buổi lễ khá tốn kém về kinh phí và thời gian, rất nhiều công việc khác nhau phải lo liệu và sửa soạn một cách chu đáo. Buổi lễ được kết thúc bằng cuộc đua trải trên phá trước đình, các trải đua do người từng xóm đảm nhận, cuộc đua trải diễn ra rất hào hứng, sôi nổi và kéo dài đến chiều, mang ý nghĩa cầu cho sự no ấm, vừa được mùa cá, vừa được mùa lúa, thỏa mãn ước vọng no ấm của cư dân.

Lễ hội Cầu Ngư là một nhu cầu tinh thần mang màu sắc tâm linh của dân địa phương, nói lên tính văn hoá, tính nghề nghiệp với mong ước tốt đẹp của ngư dân miền duyên hải miền Trung. Đồng thời còn biểu hiện sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa mọi thành viên trong làng xã với nhau, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân gian của vùng Huế nói riêng và cả nước nói chung. Giáo sư Trần Quốc Vượng - Phó Tổng Thư ký Hội văn nghệ dân gian sau khi dự lễ hội Cầu Ngư năm 1996 đã nói lên suy nghĩ của mình: "Xin Huế hãy giữ gìn phát huy lễ hội biển Xuân quý hiếm này".

3. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa, trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, địa giới hành chính… nhưng làng Thai Dương Hạ vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa làng Việt trên vùng đất mới của cư dân ven phá, biển, trong đó ngôi đình chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức của dân làng. Đình là nơi thiêng liêng để con dân trong làng nhớ ơn những bậc tiền nhân đã có công lập làng, dạy nghề, giữ nước… Đây không chỉ là nơi để gửi gắm những mong ước tâm linh của dân làng về cội nguồn và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất, đó là nơi gắn kết quá khứ với hiện tại và tạo nên mối quan hệ gắn bó, đoàn kết mật thiết của con dân trong làng với cộng đồng xã hội của làng quê truyền thống. Những lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình, cùng với những sinh hoạt tập thể khác mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân địa phương, thông qua các Lễ hội như lễ tế Thành hoàng, Xuân tế, Thu tế…

Lễ hội Cầu Ngư, một sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống quan trọng nhất của cộng đồng cư dân làng Thai Dương. Cho nên nhân dân địa phương, kể cả những người đi làm ăn xa đều tạm gác công việc về tham gia lễ hội, đó là nhu cầu tinh thần mang tính tâm linh của người dân địa phương, qua đó nói lên tính văn hoá, tính nghề nghiệp và những ước mơ tốt đẹp của ngư dân miền duyên hải Việt Nam từ bao đời trước. Đồng thời còn biểu hiện sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ giữa mọi thành viên trong làng xã, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân gian của vùng Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt hiện nay, làng Thai Dương Hạ còn bảo lưu được hàng ngàn trang tư liệu chữ Hán viết tay trên giấy dó: Những bức đại tự, hoành phi, câu đối, sắc phong, gia phả, văn tế, bộ công điền, công thổ và dân đinh… đây là nguồn tư liệu quan trọng của dân làng, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung. Đây cũng là một trong những thiết chế văn hoá làng xã còn được bảo lưu, duy trì và phát huy tốt trong đời sống hiện tại của nhân dân địa phương thông qua những sinh hoạt lễ hội tại đình làng, khơi dậy lòng tự hào yêu quê hương, ý thức dân tộc để đoàn kết, gắn bó cộng đồng trách nhiệm, ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cha ông.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thai Dương Hạ  thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà nay là thành phố Huế được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Tỉnh tại Quyết định số 396/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 07/3/2016./.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]