Địa điểm: đường Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện Long An là tòa cung điện hiện được sử dụng làm nhà trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là công trình được xây dựng từ thời vua Thiệu Trị-thời kỳ cực thịnh của mỹ thuật cung đình Nguyễn- nên điện Long An dường như hội tụ được những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc và trang trí của thời kỳ này. Trải qua gần 180 năm tồn tại (1845-2022), điện Long An vẫn được bảo tồn tương đối hoàn mỹ và trở thành một trong những công trình kiến trúc gỗ đặc sắc nhất của Việt Nam.
Về mặt kiến trúc, điện Long An là một tòa nhà kép, theo lối “trùng lương trùng thiềm” hay “trùng thiềm điệp ốc”. Tức là một công trình ghép từ hai tòa nhà theo lối nối mái. Tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn, chính điện gồm 5 gian 2 chái kép. Tiền điện và chính điện được nối với nhau qua một hệ thống trần thừa lưu (thường được gọi nôm na là “trần vỏ cua”), chạm trổ cực kỳ tinh xảo đặt chạy dài suốt 5 gian chính và 2 chái bên. Nhờ sự lắp ghép rất khéo nên toàn bộ ngôi điện vẫn có một không gian thống nhất. Sự cách biệt giữa các khu vực trong không gian nội thất được tạo nên bằng hệ thống vách ngăn chạy quanh 3 mặt của 5 gian Chính điện và hệ thống rầm hạ (tức phần sàn gỗ được nâng cao). Tuy nhiên về sau, do sử dụng với chức năng mới (Thư viện rồi Bảo tàng), phần lớn hệ thống vách ván ngăn trên đã bị dỡ bỏ. Chính sự cải biến này đã khiến không gian ngôi điện càng thêm sâu, gồm đến 8 gian liên tiếp (2 gian Tiền điện, gian vì Vỏ cua và 5 gian của Chính điện). Không gian ấy lại được nối dài thêm bằng phần mái lưa (mái hiên) vươn ra phía trước. Như vậy, cách cấu trúc ghép đôi kiểu điệp ốc như trên tạo cho điện Long An có dáng vẻ một ngôi điện kiểu 9 gian khá vuông vắn và bề thế. Toàn bộ ngôi điện với tổng diện tích mặt nền hơn 1000m2 ấy lại được đặt trên một nền đắp cao 1,1m, bó vỉa bằng đá cẩm thạch và đá thanh nên trông càng đồ sộ.
Bộ khung điện Long An dựa trên hơn trăm cây cột bằng gỗ lim đặt trên chân đá táng. Kích thước cột vừa phải và trông khá thanh mảnh. Phần trang trí cho hệ thống cột chủ yếu thể hiện qua những "con bọ" được chạm trổ tinh xảo gắn ở phía đầu cột và hệ thống con-xơn mang hình dạng đấu củng đặt ở các cột hiên. Chính đây là những điểm nhấn có chủ ý của người xưa để "dẫn dắt" người ngắm công trình bị lôi cuốn vào vẻ đẹp lộng lẫy của các phần trang trí đặt ở phía trên cột.
Đó là hệ thống liên ba đố bản làm nhiệm vụ phân định giữa các gian của tiền điện và chính điện với 1.155 ô hộc trang trí liên hoàn theo lối “nhất thi nhất họa” và “nhất tự nhất họa”. Đây là lối trang trí phổ biến trong các cung điện Huế, nhưng thay vì sơn son thếp vàng, các nghệ nhân đời Thiệu Trị lại dùng các chất liệu như xương, ngà voi, xà cừ... khảm trực tiếp lên các thành phần kiến trúc để mộc, tạo nên những nét đẹp giản dị mà tinh tế. Xen kẽ giữa những ô hộc trang trí ấy là những đại tự và những bài thơ chữ Hán, là những lời chúc tốt lành và ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị. Trong số 578 ô thơ và đại tự trang trí ở nội thất và ngoại thất điện Long An, có hai thi phẩm đặc biệt, đến nay vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà Hán học hậu thế trong việc nghiên cứu và khám phá nghệ thuật chơi chữ của cổ nhân. Đó là bài Vũ trung sơn thủy và bài Phước viên văn hội lương dạ mạn ngâm của vua Thiệu Trị. Mỗi bài thơ chỉ có 56 chữ Hán, xếp theo thể hồi văn kiêm liên hoàn, tạo thành 64 bài thơ khác nhau. Với lối trang trí này, các nghệ nhân thời Nguyễn đã khéo léo kết hợp thành công giữa kiến trúc và trang trí, giữa thi và họa, giữa tạo hình và tạo tứ, khiến ta không phân biệt đâu là kiến trúc, đâu là trang trí; đâu là nghệ thuật, đâu là tư tưởng.
Nhưng đặc biệt nhất, phải là hệ thống vì nóc của Tiền điện. Tám bộ vì nóc được tạo tác bằng nghệ thuật chạm lộng và chạm nổi trên những khúc gỗ liền khối tạo nên 8 đồ án “lưỡng long tranh châu” đồ sộ và vô cùng tinh xảo. Phong cách này khác hẳn kiểu vì nóc “chồng rường - giả thủ” thường thấy trong các cung điện thời Nguyễn tại Huế. Nhiều du khách đến tham quan điện Long An, khi ngắm các bộ vì này đều cho rằng đó là những tác phẩm mỹ thuật hơn là những cấu kiện kiến trúc có chức năng chịu lực. Nhưng chính đó là đặc điểm tiêu biểu nhất trong nghệ thuật kiến trúc điện Long An- các kết cấu kiến trúc cũng mang chức năng trang trí mỹ thuật.
Bộ mái của điện Long An nguyên thủy lợp ngói âm dương tráng men vàng, bên dưới có gần chục lớp ngói liệt, mái chia làm nhiều lớp để giảm bớt sự nặng nề. Đỉnh nóc chính điện đắp hình đầu rồng đội hạt trân châu, hai đầu bờ nóc gắn hồi long, bốn góc bờ quyết có tượng long lân quy phụng đắp bằng vữa khảm sành sứ. Hàng cột hiên thanh thoát cắm thẳng xuống mặt sân, tạo cho ngôi điện một “chiều cao ảo”, nhằm hạn chế cảm giác ngôi điện quá thấp khi nhìn từ ngoài vào.
Điện Long An là bước đi đến đỉnh cao của kiến trúc Nguyễn, xứng đáng là ngôi điện điển hình nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Bản thân Điện Long An là hiện vật lớn nhất mang đậm chất thơ, chất trí tuệ, là tinh hoa của các nghệ nhân. Và chỉ riêng ngôi điện này đã được coi là tác phẩm mỹ thuật tuyệt tác và đang được trưng bày cùng với các tác phẩm mỹ thuật khác của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Điện Long An được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 872- QĐ/BVHTT ngày 12/5/1997 của Bộ Văn hóa Thông tin.
Ghi chú: Theo Nghị quyết 175/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc Hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương ; Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Từ 1/1/2025 địa danh đường Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên đường Lê Trực, phường Đông Ba, quận Phú Xuân, thành phố Huế.