1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH ĐỀN THỜ 27 LIỆT SỸ, TẠI ẤP TƯ, MỸ THỦY
Ấp Tư, xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy, nay là tổ 9, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ấp Tư, Mỹ Thủy là địa bàn thuộc tuyến hành lang Đông Tây của huyện Hương Thủy, là vùng giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng án ngữ trục giao thông giữa căn cứ kháng chiến và trung du đồng bằng của huyện Hương Thủy. Năm 1965, khi quân viễn chinh của Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ Phú Bài thì khu vực Ấp Tư, Ấp Năm, Đồng Tiến, Đồng Lực, Đồng Lợi... địch tăng cường lực lượng chiếm đóng hình thành tuyến phòng thủ ngăn chặn lực lượng của ta từ miền núi tiến về đồng bằng và bảo vệ căn cứ Phú Bài. Chính vì vậy mà cả ta và địch đều tranh chấp quyết liệt khu vực trọng yếu có tính bàn đạp quân sự này. Trong đó nổi bật là vành đai diệt Mỹ xã Mỹ Thủy. Đền thờ 27 liệt sĩ tại Ấp Tư là nơi ghi dấu trận đánh ác liệt vào ngày 06 và 07/01/1965 giữa quân giải phóng, cụ thể là Đại đội 3, Tiểu đoàn 802 thuộc Quân khu Trị Thiên cùng dân quân du kích và lực lượng vũ trang huyện Hương Thủy với một bên là đại đội địa phương quân cùng 2 tiểu đoàn địch được trang bị đầy đủ vũ khí, có xe tăng, máy bay và pháo kích hỗ trợ. Mặc dù trận đánh không cân sức, nhưng sau 2 ngày quần nhau với địch, ta đã đẩy lùi nhiều đợt phản công, bẻ gãy cuộc hành quân của 2 tiểu đoàn địch, về phía ta 27 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Đây là một trong những trận đánh đầu tiên sau phong trào Đồng khởi đồng bằng năm 1964, của quân chủ lực vào sát nách căn cứ của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn kể từ khi đế quốc Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ Phú Bài thành trung tâm chỉ huy tiền phương của Mỹ và quân đội Sài Gòn tại Quân khu I và vùng I chiến thuật gây được tiếng vang lớn.
Sau trận đánh, địch tiến hành khủng bố, đàn áp nhân dân hết sức dã man, chúng thu giữ thi thể 27 chiến sĩ không cho nhân dân mai táng để thị uy. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đình Thanh - Bí thư Chi bộ xã Mỹ Thủy, nhân dân đã tổ chức đấu tranh. Sau 3 ngày, chúng buộc phải nhượng bộ, nhân dân đưa thi thể các chiến sĩ và vận động các tổ chức tôn giáo, đoàn thể... ủng hộ tiền bạc, vải, chiếu, hoa quả... đem đi an táng, sau đó lập Miếu thờ chung cách vị trí diễn ra trận đánh khoảng 300m (nay là đường Giáp Hải, thuộc tổ 9, phường Thủy Phương), nhằm tránh việc nghi ngờ, phá hoại của địch. Nhân dân lấy gạch, đá, khắc tên đơn vị, đặc điểm nhận dạng, ngày hi sinh đặt lên từng ngôi mộ để sau này thân nhân liệt sĩ dễ dàng tìm kiếm. Việc dựng gạch, đá này khiến địch tìm mọi cách ngăn cản, phá hoại, nhưng nhân dân vẫn tìm cách dựng lại, đồng thời duy trì việc thờ phụng 27 liệt sĩ quân giải phóng từ năm 1965 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Từ năm 2006 đến năm 2008, Hội Cựu chiến binh của Đại đội 3, Tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên phối hợp với Hội Cựu chiến binh của thị xã Hương Thủy, Hội Trường Sơn phường Thủy Phương, các đồng chí lão thành cách mạng... cùng nhân dân địa phương tiến hành xây dựng thêm Đền thờ và Nhà bia (tại đường Tôn Thất Sơn, tổ 9, phường Thủy Phương) để vinh danh 27 liệt sĩ, gồm: Trần Văn Hiến, Nguyễn Hữu Ngụ, Phạm Văn Hội, Dương Đình Đệ, Trần Cao Cường, Nguyễn Văn Xa, Hà Viết Phan, Nguyễn Hữu Luân, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Trữ, Lê Trọng Tài, Nguyễn Hữu Hoàn, Lê Bá Văn, Lê Văn Cương, Hồ Xuân Đăng, Vũ Đức Soạn, Trần Văn Dụ, Lê Văn Sen, Trịnh Đình Nghê, Nguyễn Văn Khiếm, Nguyễn Văn Dậu, Vũ Đình Quy, Bùi Đình Ngọ, Nguyễn Văn Tân, Trần Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Khuyến và Nguyễn Văn Chiêu.
Lập bia tưởng niệm các anh
Hai bảy liệt sĩ, xứng danh anh hùng
Mỹ Thủy mảnh đất lạ lùng
Quyết tâm chiến đấu đến cùng lừng danh
Nhân dân có tấm lòng thành
Gom cốt liệt sĩ hợp thành nghĩa trang
Sống, chiến đấu rất vinh quang
Các anh yên nghỉ, xóm làng mến thương
2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH
Đền thờ 27 liệt sĩ tại trận địa, nơi các chiến sĩ quân giải phóng chiến đấu và anh dũng hi sinh gắn liền với sự kiện lịch sử hoạt động của Đại đội 3, Tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên, một trong những trận đánh của bộ đội chủ lực tiến công về vùng giáp ranh nơi căn cứ của địch thuộc Ấp Tư, xã Mỹ Thủy, đã gây tiếng vang lớn kể từ sau ngày đồng khởi đồng bằng năm 1964, thể hiện sức mạnh của tình quân dân “như cá với nước”, là tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là niềm tự hào của quân và dân Thừa Thiên Huế về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của cha ông ta, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tinh thần yêu nước và sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 802, Quân khu Trị Thiên đã góp phần un đúc thêm truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương của quân và dân Thừa Thiên Huế.
Đền thờ 27 liệt sĩ tại Ấp Tư, Mỹ Thủy là một công trình đền ơn đáp nghĩa đầy tính nhân văn, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và sự tôn vinh của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước, đã chiến đấu và anh dũng hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đền thờ còn là nơi để các gia đình liệt sĩ, các tổ chức, đoàn thể đến viếng thăm và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa theo truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Xuất phát từ những giá trị lịch sử của Đền thờ 27 liệt sĩ tại Ấp Tư, Mỹ Thủy, vì vậy việc bảo tồn, gìn giữ tôn tạo và phát huy giá trị của di tích là nhiệm vụ to lớn, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đó không chỉ là trách nhiệm của chúng ta hôm nay, những người được hạnh phúc sống trong hòa bình đối với thế hệ cha, ông đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc
Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) địa điểm Đền thờ 27 Liệt sỹ tại Ấp tư – Mỹ Thủy ( Tổ 9, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1229/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 04/6/2018.