Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế bắt tay xây dựng lại quê hương.
Tháng 9/1945, hệ thống chính quyền cách mạng từ cấp tỉnh, thành phố đến huyện, xã nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động. Các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, bãi bỏ cấp tổng và thành lập xã mới. Toàn tỉnh Thừa Thiên gồm thị xã Thuận Hóa và 6 huyện: Phong Điền (8 xã), Quảng Điền (13 xã), Hương Trà (20 xã), Phú Vang (21 xã), Hương Thủy (trên 20 xã) và Phú Lộc (15 xã).
Cuối năm 1945, thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức chính quyền nhân dân và ủy ban hành chính các cấp, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được đổi thành Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh, do đồng chí Hoàng Anh làm Chủ tịch.
Chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đối đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. Trong toàn tỉnh, nạn đói năm 1945 do đế quốc Pháp và phát xít Nhật gây ra vẫn còn de dọa tiếp diễn, nền tài chính kiệt quệ. Ngoài ra, những di hại của một nền giáo dục nô dịch để lại nặng nề với hơn 85% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội còn phổ biến. Đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây đời sống vô cùng thiếu thốn, lạc hậu.
Trong lúc những khó khăn về kinh tế - xã hội còn gay gắt thì họa thù trong giặc ngoài đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của chế độ mới. Dưới danh nghĩa quân Đồng Minh, 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc. Đầu tháng 9/1945, 5.000 quân Tưởng đến Huế. Bên cạnh quân Tưởng, 4.500 quân Nhật với đầy đủ vũ khí vẫn còn ở Huế, đang chờ ngày quân đội Đồng Minh giải giáp. Tháng 3/1946, quân Tưởng rút hết về nước theo Hiệp ước Pháp - Hoa vào ngày 28/2/1946, thì lập tức có 850 quân Pháp với trang bị vũ khí có mặt ở Huế.
Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 3 chủ trương lớn: chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.
Ở Thừa Thiên Huế, tháng 10 năm 1945 Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã họp để triển khai các chủ trương, chính sách mới của Trung ương Đảng và Chính phủ. Sau Hội nghị hàng loạt công tác được tiến hành.
Trên mặt trận cứu đói, chính quyền cách mạng Thừa Thiên Huế cùng với Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Một phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”... được phát động mạnh mẽ. Trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, hoạn nạn có nhau, chỉ sau một thời gian ngắn số lương thực cứu đói thu được khá nhiều, không những giúp được đồng bào nghèo mà còn gửi cứu trợ đồng bào miền Bắc đang bị đói nghiêm trọng. Song song với công tác lạc quyên cứu đói, chính quyền cách mạng còn phát động phong trào tăng gia sản xuất để giải quyết nạn đói tận gốc.
Đi đôi với công tác chống giặc đói là chống giặc dốt, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiến dịch với khí thế sôi nổi, hào hứng từ tỉnh, huyện đến các làng xã đều thành lập Ban Bình dân học vụ chuyên lo xoá mù chữ cho dân. Các đoàn thể cứu quốc, thanh thiếu niên làm nòng cốt đi đầu phong trào, ngày công tác, tăng gia sản xuất, đêm học đọc, học viết, học tính. Gần như đâu đâu cũng có lớp học, già, trẻ, gái, trai đều nô nức đến lớp bình dân.
Để giải quyết những khó khăn của nền tài chính nước nhà, tại Thừa Thiên Huế, nhân dân, công chức, bộ đội, công nhân... tích cực tham gia “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”. Chỉ trên dưới một tuần lễ với sự nhiệt tình của quần chúng, thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng, ba huyện phía bắc đóng góp 10kg vàng, huyện Phú Vang 25 lượng, một thôn Cự Lại (Phú Vang) đóng góp trên 5 tạ đồng.
Chính quyền cách mạng tỉnh đã thực thi các quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng, tự do tín ngưỡng, bãi bỏ thuế khoá của thực dân - phong kiến, chia lại ruộng, vận động xây dựng nếp sống mới trong nhân dân.
Những thắng lợi đầu tiên trong việc chống giặc đói, giặc dốt, xây dựng nền tài chính... trên toàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc củng cố hệ thống chính trị của chế độ mới.
Để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu lúc này là giữ vững chính quyền cách mạng, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội, thành lập chính phủ chính thức được tiến hành kịp thời. Ngày 6 tháng 1 năm 1946 cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế đi bầu cử Quốc hội. Tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt 90%, có xã 100%, tất cả các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Các ông Đoàn Trọng Truyến, Hoàng Anh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Kinh Chi, Thích Mật Thể... đã trúng cử đại biểu Quốc Hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi tiến hành bầu Quốc hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bầu Hội đồng Nhân dân các cấp và từ đó bầu Ủy ban hành chính các cấp.
Cùng với việc xây dựng chính quyền cách mạng, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Việt Minh, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, công nhân cứu quốc... cũng được củng cố và ngày càng phát triển.
Ngoài các vấn đề xây dựng chính quyền, an sinh xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế còn xây dựng lực lượng quân chủ lực và ngành công an để giữ gìn trật tự an ninh xã hội.
Sau sự kiện ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, quân và dân Thừa Thiên Huế còn có nhiệm vụ chi viện tích cực cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời còn phải lo đối phó với các thế lực thù trong giặc ngoài là lực lượng quân Tưởng, quân Pháp và bè lũ tay sai ngay trên mảnh đất quê hương.
Tháng 7/1946, Hội nghị Cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên mở ra có giá trị như một đại hội. Ban chấp hành Tỉnh ủy được kiện toàn, sức mạnh của Đảng bộ được tăng thêm, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo chuẩn bị cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên Huế. Sau Hội nghị, công tác chuẩn bị kháng chiến càng khẩn trương.
Đầu tháng 12/1946, dã tâm xâm lược toàn bộ đất nước của thực dân Pháp đã rõ ràng. Công cuộc chuẩn bị kháng chiến ở Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhân dân Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng chiến đấu.
Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)