Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020
  

(Trích Quyết định số 1068/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2007 của UBND tỉnh)

 

1. Tên dự án quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

2. Phạm vi vùng quy hoạch:

Toàn bộ diện tích tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 9 huyện và thành phố Huế có diện tích tự nhiên 506.528 ha được phân thành 4 vùng thủy lợi:

a) Vùng lưu vực sông Ô Lâu.

b) Vùng lưu vực sông Hương và phụ cận được chia thành 7 tiểu vùng:

- Tiểu vùng cát Phong Điền - Quảng Điền.

- Tiểu vùng đồng bằng Bắc sông Hương.

- Tiểu vùng đồi núi Hương Trà - A Lưới.

- Tiểu vùng đồng bằng Nam sông Hương.

- Tiểu vùng biển Phú Vang - Phú Lộc.

- Tiểu vùng Bắc Phú Lộc.

- Tiểu vùng Nam Đông.

c) Vùng Nam Phú Lộc.

d) Vùng sông A Sáp.

(Chi tiết phân vùng thủy lợi xem phụ lục 1)

3. Quan điểm, mục tiêu của quy hoạch:

a) Quan điểm:

- Quy hoạch thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế phải phù hợp với quy họach chung về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của cả nước, chiến lược phát triển nguồn nước và quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiến đến mục tiêu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của tỉnh từ nay đến 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

- Tập trung xây dựng các công trình phục vụ đa mục tiêu dựa trên quan điểm phát triển tổng hợp nhằm sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên nước và giảm nhẹ thiên tai.

- Nâng cao hiệu quả các công trình đã xây dựng, tăng cường công tác quản lý và khai thác theo chiều hướng nâng cao hiệu quả kinh tế; tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân.

- Ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới từ giai đoạn xây dựng đến giai đoạn quản lý khai thác công trình thủy lợi. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

b) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng giải pháp phát triển thủy lợi và đề xuất các dự án thủy lợi theo thứ tự ưu tiên nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và bảo vệ nguồn nước phục vụ cấp nước, tiêu nước, chống lũ, cải thiện môi trường, giảm thiểu các thiệt hại và ảnh hưởng xấu do nước gây ra đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững.

c) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Đảm bảo cấp và tạo nguồn nước để chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.

+ Đến năm 2015: Cơ bản cấp đủ nước để chủ động tưới cho diện tích gieo trồng các loại cây cần tưới trên địa bàn tỉnh (tần suất đảm bảo 75%) và diện tích nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch thủy sản. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh với mức 60l/người/ngày đêm, ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa ở các huyện Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới,  Hương Trà, Phong Điền và vùng đồng bằng ven biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền.Cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt tại thành phố Huế với mức 165 l/người/ngày đêm; cấp nước cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp  trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; cấp đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn với mức cấp nước 120l/người/ngày đêm có mở rộng cho các vùng phụ cận. 

+ Tầm nhìn đến 2020: Chủ động tưới cho toàn bộ diện tích gieo trồng các loại cây cần tưới trên địa bàn tỉnh (tần suất đảm bảo 75%) và toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản. Cấp đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho 100% dân số nông thôn với mức thấp nhất 60l/người/ngày đêm và 100% dân số khu vực đô thị từ mức 150-180 l/người/ngày đêm; đảm bảo đủ nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, các lĩnh vực thương mại và dịch vụ khác.

Mục tiêu 2: Đảm bảo tiêu úng cho các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Đến năm 2015: Đảm bảo tiêu úng cho 11.200 ha/vụ bằng động lực và 12.000 ha tiêu tự chảy. 

+ Tầm nhìn đến 2020: Chủ động tiêu úng cho 11.634 ha/vụ bằng động lực và 12.000 ha tự chảy.

Mục tiêu 3: Phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại do nước và bảo vệ, ổn định bờ biển, khu vực ven sông và đầm phá.

Chủ động phòng lũ tiểu mãn, lũ sớm cho các vùng đồng bằng và tiến đến chống lũ chính vụ theo tần suất 10% cho thành phố Huế và các vùng lân cận.

Giảm mức độ lũ chính vụ cho vùng đồng bằng lưu vực sông Hương, Bắc Phú Lộc và thành phố Huế bằng các biện pháp thủy lợi ở  thượng nguồn.

Xác định hành lang thoát lũ, các vùng dễ bị tổn thương do bão, lũ bằng cách tiếp cận phương pháp tổng hợp.

Ổn định cửa Thuận An, Tư Hiền và bờ sông Hương, sông Bồ và các sông khác trên địa bàn tỉnh, kết hợp phát triển giao thông thủy.

Phát triển các giải pháp hỗ trợ phòng chống cháy rừng.

Hạn chế mặn (mặn thấm, mặn tràn) xâm nhập vào các vùng sản xuất trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Mục tiêu 4: Giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, chống cạn kiệt nguồn nước  trên các sông và đầm phá, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học.

4. Nội dung và giải pháp Quy hoạch:

4.1. Quy hoạch khai thác dòng chính:

a) Vùng lưu vực sông Ô Lâu: Xây dựng hồ Ô Lâu.

b) Vùng lưu vực sông Hương: Xây dựng hồ lợi dụng tổng hợp Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, nâng cấp hồ Truồi và các dự án thủy điện vừa và nhỏ.

c) Vùng Nam Phú Lộc: Xây dựng hồ Thủy Yên - Thủy Cam.

d) Vùng lưu vực sông A Sáp: Xây dựng hồ lợi dụng tổng hợp A Sáp và các thủy điện vừa và nhỏ.

4.2 Quy hoạch cấp nước:

4.2.1 Cấp nước cho sinh hoạt nông thôn:

a) Vùng lưu vực sông Ô Lâu:

Sử dụng nước từ các hồ chứa nhỏ ở vùng núi hoặc nối mạng từ các hệ thống cấp nước tập trung sử dụng nguồn nước mặt sông Bồ, sông Ô Lâu như: nhà máy nước Tứ Hạ, nhà máy nước Hòa Bình Chương, nhà máy nước Phò Ninh, các trạm tăng áp..., đến năm 2020 bỏ dần hình thức cấp nước từ các giếng khoan, giếng đào nhỏ lẻ trong điều kiện cho phép.

b) Vùng lưu vực sông Hương: 

- Nhà máy nước Quảng Tế I, II; nhà máy nước Dã Viên, nhà máy nước Thủy Xuân sử dụng nước sông Hương kết hợp với hệ thống cấp nước tập trung khác sử dụng nước sông Bồ như nhà máy nước Tứ Hạ, nhà máy nước Phò Ninh cùng hệ thống trạm tăng áp, đường ống nối mạng để cấp nước.

- Tiểu vùng đồi núi Hương Trà, A Lưới; tiểu vùng Nam Đông sử dụng nguồn nước tự chảy từ các khe suối và các nhà máy nước sử dụng nước mặt như Nhà máy nước Khe Tre, Bình Thành, Hương Bình, Bình Điền.

- Các tiểu vùng Nam sông Hương, tiểu vùng biển Phú Vang - Phú Lộc, tiểu vùng Bắc Phú Lộc sử dụng lấy nước từ hồ Tả Trạch hoặc hồ Truồi.

c) Vùng Nam Phú Lộc:

Sử dụng nước từ nhà máy nước Bô Ghe và nước tự chảy từ các công trình cấp nước tập trung. Dự kiến trong tương lai sẽ sử dụng nguồn nước từ hồ Truồi và hồ  Thủy Yên, Thủy Cam.

d) Vùng lưu vực sông A Sáp:

Sử dụng nước từ nhà máy nước ở thị trấn A Lưới và nước tự chảy từ các công trình cấp nước tập trung từ các khe suối, hồ chứa; các giếng khoan, giếng đào và các bể chứa nước.

4.2.2 Cấp nước cho khu đô thị tập trung và các khu công nghiệp:

- Khu đô thị, công nghiệp tại Tứ Hạ, Phong Điền và Sịa: Sử dụng nguồn nước mặt sông Bồ hoặc hồ Cổ Bi.

- Khu đô thị, công nghiệp tại Huế, Thuận An, Phú Bài: Sử dụng nguồn nước mặt sông Hương hoặc hồ Tả Trạch.

- Khu đô thị, công nghiệp tại Chân Mây, Lăng Cô, Phú Lộc: Sử dụng nguồn nước Bô Ghe, hồ Truồi, hồ Thủy Yên - Thủy Cam.

- Khu đô thị, công nghiệp tại A Lưới: Sông A Sáp.

- Khu đô thị, công nghiệp tại Nam Đông: Sông Tả Trạch.

4.2.3 Cấp nước tưới cho nông nghiệp:

a) Vùng lưu vực sông Ô Lâu:

Nâng cấp các đập dâng, hồ chứa và trạm bơm hiện có để tưới bảo đảm cho 757 ha lúa; xây dựng mới các hồ chứa nhỏ ở vùng đồi kết hợp cấp nước và phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng, một số trạm bơm vùng đồng bằng, ven biển kéo dài đến xã Quảng Công, Quảng Ngạn.

Xây dựng hồ chứa Ô Lâu (dung tích khoảng 40 triệu m3) để phối hợp với việc nâng cấp đập Cửa Lác tạo nguồn cho 5.211 ha lúa.

b) Vùng lưu vực sông Hương:

- Nâng cao hiệu quả các công trình, nâng cấp các đập dâng, hồ chứa và trạm bơm hiện có, xây dựng mới một số trạm bơm để tưới cho 18.180 ha lúa vụ Đông Xuân, 15.759 ha lúa Hè Thu, 150 ha màu; 1.074 ha nuôi cá nước ngọt, 2.450 ha nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, 300 ha nuôi tôm trên cát.

- Nạo vét các sông hói chính như: 7 xã, 5 xã (huyện Hương Trà); An Xuân, Quán Cửa (Quảng Điền); sông An Cựu, hói Phát Lát (thành phố Huế), Phổ Lợi, Mộc Hàn, Phú Khê, Xuân Lương Hồ (Phú Vang); Như Ý, Đại Giang, Thiệu Hóa (Hương Thủy)... để cấp nước tưới kết hợp tiêu thoát lũ, cấp nước sinh hoạt và cải thiện vệ sinh môi trường.

- Xây dựng công trình lấy nước từ hồ Truồi hoặc Tả Trạch để cấp nước cho vùng ven biển Phú Vang, Phú Lộc; trong tương lai khi hồ Tả Trạch hoàn thành thì nhiệm vụ hồ Truồi chỉ tưới cho 1.000 ha lúa và màu vùng cao, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Phú Vang - Phú Lộc và dự kiến cấp nước cho khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

c) Vùng Nam Phú Lộc:

- Nâng cấp và xây dựng mới một số đập dâng, hồ chứa nhỏ để tưới cho 75 ha lúa, 173 ha nuôi trồng thủy sản.

- Xây dựng hồ Thủy Yên - Thủy Cam với nhiệm vụ đến năm 2015: cấp nước tưới cho 1.270 ha lúa và màu. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân sinh khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô với công suất 25.000 m3/ngày-đêm. Thời điểm sau năm 2015 đến 2020: Cấp nước tưới cho 510 ha lúa và màu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân sinh khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô với công suất 75.000 - 86.000m3/ngày-đêm.

d) Vùng lưu vực sông A Sáp:

 Nâng cấp các công trình đập dâng, hồ chứa hiện có để tưới cho 379 ha lúa vụ Đông Xuân, 443 ha lúa vụ Hè Thu, 1.277 ha màu, 67 ha nuôi cá nước ngọt; xây dựng mới các đập dâng, hồ chứa để mở rộng tưới thêm 443 ha lúa 2 vụ.

4.2.4 Cấp nước cho thủy sản:      

- Sử dụng nguồn nước sông Ô Lâu cho 251 ha nuôi cá nước ngọt; xây dựng trạm bơm Điền Lộc - Điền Hòa để cấp cho 400 ha nuôi tôm công nghiệp.

- Sử dụng nguồn nước sông Hương, sông Bồ cho khoảng 1.000 ha nuôi cá nước ngọt, 2.500 ha nuôi trồng thủy sản ven đầm phá vùng đồng bằng sông Hương.

- Sử dụng nguồn nước tại các hồ chứa cho khoảng 50 ha nuôi cá nước ngọt theo mô hình VAC vùng cao.

- Sử dụng nguồn nước từ hồ Tả Trạch hoặc hồ Truồi cho nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế kết hợp nuôi trồng thủy sản tiểu vùng ven biển Phú Vang - Phú Lộc.

4.3. Quy hoạch tiêu:

- Đối với vùng đất cao có cao trình từ +0,40 m trở lên: tiêu tự chảy

- Đối với vùng đất cao có cao trình từ +0,40 m trở xuống: tiêu bằng động lực kết hợp với tự chảy.

a) Vùng lưu vực sông Ô Lâu:

- Nạo vét sông hói, các trục tiêu chính để tưới kết hợp tiêu thoát nhanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Nâng cấp các trạm bơm tiêu hiện có để bảo đảm tiêu cho 459 ha.

- Nâng cấp, kiên cố hóa các tuyến đê bao, đê phân vùng, đê nội đồng

- Xây dựng mới một số trạm bơm tiêu để bơm tiêu úng cho 404 ha (thay cho bơm dầu).

b) Vùng lưu vực sông Hương:

- Nạo vét các sông hói chính như: 7 xã, 5 xã (huyện Hương Trà); Diên Hồng - Hà Đồ, Ngã Tư - An Xuân - Quán Cửa (Quảng Điền); Hàng Tổng, An Cựu (TP Huế); Như Ý, Đại Giang (Phú Vang - Hương Thủy) để tưới kết hợp tiêu thoát lũ nhanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Nâng cấp các trạm bơm tiêu hiện có để đảm bảo tiêu cho 1.013 ha.

- Xây dựng mới một số trạm bơm tiêu để bơm tiêu úng cho 1.375 ha.

- Nâng cấp và mở rộng cống tiêu Cầu Long, cống Quan và một số cống tiêu lớn trên đê PAM.

c) Các vùng khác:

Vùng cát Phong - Quảng, vùng đồng bằng Nam Phú Lộc, vùng đồi huyện Nam Đông, vùng lưu vực sông A Sáp: Chủ yếu tiêu tự chảy và khai thác tốt các trạm bơm tiêu hiện có.

4.4. Quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ bờ biển:

Củng cố và phát triển các giải pháp phòng chống lũ để đảm bảo chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn theo tần suất 10% và giảm thiểu mực nước lũ chính vụ theo tần suất 5%:

- Tiếp tục xây dựng mới các hồ chứa nước, lập quy trình vận hành các hồ chứa lớn đã xây dựng tham gia điều tiết cắt giảm lũ, điều tiết dòng chảy mùa kiệt để chống hạn và chống xâm nhập mặn; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

- Tăng cường khả năng thoát lũ của lòng sông bao gồm: giải phóng các vật cản ở bãi sông, lòng sông; nạo vét lòng dẫn và hoàn thiện các phương án phân lũ.

- Đối với các địa phương ven biển và đầm phá thực hiện chương trình khôi phục và nâng cấp đê biển, tận dụng và bảo tồn các cồn cát tự nhiên để ngăn sóng thần, ngăn nước biển, trồng cây chắn sóng và trồng rừng phòng hộ ven biển; xây dựng các hồ chứa, tăng cường trồng rừng, triển khai các giải pháp tăng cường dòng chảy mùa kiệt và nước ngầm, tăng cường các công trình thủy lợi để chống hạn, chống úng; xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, nạo vét luồng lạch; xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền, nâng cấp và phát triển các trạm thông tin ven biển phục vụ cảnh báo bão, nước biển dâng và sóng thần.

- Tăng cường nghiên cứu đề xuất các giải pháp chống bồi lấp cửa sông, nạo vét lòng dẫn tăng cường khả năng thoát lũ, kết hợp giao thông thuỷ.

4.4.1 Phương án chống lũ sớm, lũ tiểu mãn, lũ muộn:

a) Đối với lưu vực sông Ô Lâu:

- Tu bổ, nâng cấp hệ thống đê sông Ô Lâu.

- Nâng cấp, kiên cố hóa đê bao, bờ vùng, trong đó chủ yếu là hệ thống đê Phong Bình, Phong Chương, Điền Lộc, Đông Tây hói Tôm...và hệ thống đê bao xã Quảng Thái.

b) Đối với lưu vực sông Hương và Bắc Phú Lộc:

- Nâng cấp hệ thống đê hạ lưu sông Hương.

- Nâng cấp hệ thống đê sông Bồ từ hói ngã tư đến phá Tam Giang

- Nâng cấp hệ thống đê sông Đại Giang và Thiệu Hóa.

- Tu sửa và nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp giao thông.

- Kiên cố hóa các tuyến đê bao bờ vùng

- Xử lý chống sạt lỡ tại các tuyến xung yếu trên sông Bồ, sông Hương, sông Truồi và một số sông khác.

4.4.2 Phương án chống lũ chính vụ: Hiện nay chỉ là biện pháp phi công trình để hạn chế thiệt hại do lũ gây ra. Phương án chống lũ chính vụ được thực hiện khi có các công trình Tả Trạch, Hữu Trạch và Cổ Bi đi vào vận hành.

a) Đối với lưu vực sông Ô Lâu: Phương án chống lũ chính vụ  vẫn là các biện pháp phi công trình, vùng này chỉ đặt chỉ tiêu chống lũ tiểu mãn.

b) Đối với lưu vực sông Hương và Bắc Phú Lộc:

- Khi có 03 công trình Tả Trạch, Hữu Trạch và Cổ Bi đi vào vận hành, mực nước lũ ứng với tần suất 5% như sau:

Vị trí

Mực nước lũ

Ngã 3 Tuần

+ 8,06

Nham Biều

+ 4,72

Kim Long

+ 3,61

Đập Đá

+ 3,32

Phú Ốc

+ 4,12

Sình

+ 2,62

Thảo Long

+ 2,23

   - Phòng tránh lũ quét và sạt lỡ đất dọc tuyến đường quốc lộ 49 đi A Lưới.

- Xử lý ổn định cửa biển Thuận An và Tư Hiền.

- Xử lý chống sạt lỡ, xâm thực bờ biển Hải Dương, Phú Thuận và một số nơi khác.

c) Đối với lưu vực sông nhỏ ở phía Nam Phú Lộc:

- Xây dựng các công trình đầu nguồn sông Bù Lu như Thủy Yên, Thủy Cam, hói Mít, hói Dừa ....

- Phòng tránh lũ quét và sạt lỡ đất.

- Giải phóng luồng lạch và gia cố chống sạt lở hạ lưu sông Bù Lu.

d) Đối với lưu vực sông A Sáp:

- Xây dựng các hồ lợi dụng tổng hợp kết hợp giảm lũ và phát điện.

- Phòng tránh lũ quét và sạt lỡ đất dọc tuyến đường Trường Sơn.

- Di dân ra khỏi các nơi có thể xảy ra lũ quét và sạt lỡ đất.

4.5. Đảm bảo dòng chảy môi trường cho các dòng sông:

Điều tiết, vận hành các công trình hồ chứa ở thượng nguồn và tổ chức khai thác sử dụng nước hợp lý nhằm đảm bảo dòng chảy môi trường cho các dòng sông với lưu lượng 31,5 m3/s đối với sông Hương, sông Ô Lâu: 5m3/s, sông Bù Lu: 0,96 m3/s, sông A Sáp: 2,5 m3/s kết hợp nạo vét sông hói và giải phóng luồng lạch, nò sáo trên đầm phá.

5. Kế hoạch phát triển: 

a) Giai đoạn đến năm 2015:

- Cơ bản hoàn thành các chương trình phát triển nguồn nước dòng chính, kiên cố hóa kênh mương, chống sạt lở bờ biển và ổn định cửa biển, củng cố bảo vệ và nâng cấp hệ thống đê biển, chương trình các giải pháp tổng hợp phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt gây ra.

- Thực hiện một phần các chương trình phát triển nguồn nước phục vụ cấp nước công nghiệp, đô thị và nông thôn; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản; chương trình phát triển nguồn nước cho khai thác thế mạnh vùng gò đồi, vùng cát ven biển; nạo vét một số sông hói chính, xây dựng một số đập, hồ và trạm bơm phục vụ tưới tiêu, nâng cấp hệ thống đê chính chống lũ tiểu mãn, lũ sớm.

b) Tầm nhìn đến năm 2020:

- Tiếp tục hoàn thành các chương trình, dự án chưa hoàn thành trước năm 2015 và các chương trình, dự án còn lại của quy hoạch trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, mục tiêu, quy mô công trình phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội  của tỉnh.

6. Các chương trình, dự án ưu tiên:

- Chương trình phát triển nguồn nước dòng chính.

- Chương trình cấp nước cho nuôi trồng thủy sản.

- Chương trình phát triển nguồn nước phục vụ cấp nước công nghiệp, đô thị và nông thôn.

- Chương trình kiên cố hóa kênh mương.

- Chương trình củng cố bảo vệ và nâng cấp hệ thống đê biển của Chính phủ.

- Chương trình phát triển nguồn nước phục vụ cho khai thác thế mạnh vùng gò đồi, vùng cát ven biển.

- Chương trình chống sạt lở bờ biển và ổn định các cửa biển.

- Chương trình nạo vét các sông hói chính.

- Chương trình củng cố, nâng cấp các hệ thống đê sông, đê bao vùng.

- Chương trình các giải pháp tổng hợp phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt gây ra.

- Chương trình các giải pháp quản lý vận hành, đánh giá các giải pháp công trình, nâng cao năng lực quản lý, truyền thông, tập huấn sử dụng nước và quản lý vệ sinh môi trường.

Nội dung các chương trình, dự án ưu tiên cụ thể trong phụ lục số 2 kèm theo

7. Tổng số nhu cầu vốn đầu tư (dự kiến): 14.000 tỷ đồng

- Giai đoạn 2008-2015: 11.200 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016-2020: 2.800 tỷ đồng.

8. Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại, NGO, ngân sách cấp, vốn nhân dân đóng góp, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

9. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các ban, ngành và địa phương xây dựng rà soát quy hoạch thủy lợi của các huyện phù hợp với nội dung quy hoạch này; là cơ quan chủ trì giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch; phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Huế tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch  và báo cáo UBND tỉnh xem xét rà soát và điều chỉnh trong quá trình thực hiện.  

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tìm kiếm, huy động nguồn lực, cân đối các nguồn vốn để thực hiện các chương trình dự án trong quy hoạch.

 Bản in]