Việc phân vùng thuỷ văn cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như bao tỉnh thành khác trên lãnh thổ Việt Nam là điều vô cùng cần thiết. Trên cơ sở bản đồ phân vùng thuỷ văn sẽ giúp cho các nhà quy hoạch, quản lý nắm bắt được nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sự phát triển sản xuất công, nông nghiệp và đời sống xã hội.
Một sơ đồ phân vùng tự nhiên hay phân vùng ứng dụng đều phải xác lập hệ thống phân vị, phân tích chọn lọc các chỉ tiêu tương ứng với các cấp phân vị của sơ đồ. Mục đích cuối cùng là qua kết quả đó, phản ánh tốt nhất thực tế khách quan của sự phân hoá các thành phần tự nhiên, ngoài ra còn mang nhiều ý nghĩa ứng dụng trong việc phát triển nền kinh tế của một lãnh thổ có hiệu quả cao.
1. Nguyên tắc phân vùng
Cơ sở để xác lập các cấp phân vị trong sơ đồ phân vùng tỉnh Thừa Thiên Huế được dựa trên nguyên tắc đồng nhất tương đối các yếu tố và tổng hợp các phương pháp phân vùng của các tác giả đã nêu trên.
Căn cứ vào các cách phân vùng của các tác giả trên thì tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong miền thuỷ văn Trung Bộ. Như vậy, cấp phân vị cao nhất trong sơ đồ phân vùng thuỷ văn Thừa Thiên Huế nên xem từ cấp vùng, dưới cấp vùng là cấp tiểu vùng.
2. Chỉ tiêu phân vùng, tiểu vùng
- Phân vùng
Sự đồng nhất về ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn và không ảnh hưởng triều, mặn. Ranh giới phân chia giữa hai vùng là đường ranh giới xâm nhập mặn.
- Tiểu vùng
- Sự đồng nhất về lớp dòng chảy năm, mùa.
- Sự đồng nhất về độ cao địa hình.
Sơ đồ phân vùng, tiểu vùng và đặc tính thủy văn như sau:
a. Vùng thủy văn đồng bằng (kỷ hiệu là B1)
Phạm vi của vùng thủy văn này là khu vực đồng bằng của tỉnh với độ cao địa hình phổ biến dưới 20m, có các đặc trưng như sau:
- Các sông trong vùng này chịu ảnh hưởng của thủy triều và độ mặn. Chế độ triều là bán nhật triều với biên độ 0,1-0,9m.
- Lượng mưa năm trung bình biến đổi theo không gian từ 2600-3000mm; lớp dòng chảy năm từ 2000-2500mm, lớp dòng chảy mùa cạn từ 800-1000mm, mùa lũ từ 1100-1500mm. Nhìn chung, vùng thuỷ văn này khá ổn định về mưa - dòng chảy theo không gian.
b. Vùng thủy văn vùng đồi núi thấp (kỷ hiệu là B2)
Vùng thủy văn này là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, có độ cao địa hình phổ biến dưới 100m, với các đặc điểm như sau:
- Các sông trong vùng này ít chịu ảnh hưởng của thủy triều và hầu như không chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
- Lượng mưa năm từ 3000-3600mm; lớp dòng chảy năm từ 2400-2800mm; lớp dòng chảy mùa cạn từ 900-1100mm, mùa lũ từ 1300-1700mm.
c. Vùng thủy văn vùng núi (kỷ hiệu là D)
Vùng thủy văn này chạy dọc theo hướng tây bắc - đông nam, bao gồm diện tích huyện A Lưới, phần lớn diện tích Nam Đông và một phần các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và Hương Thủy. Vùng thủy văn này có sự phân bố khá mạnh về mưa - dòng chảy trong mùa lũ theo không gian, cụ thể:
- Các sông có độ dốc lớn, không chịu ảnh hưởng của triều, mặn.
- Lượng mưa năm từ 3000 đến trên 3800mm; lớp dòng chảy năm từ 2400-3200mm; lớp dòng chảy mùa cạn từ 1000-1200mm, mùa lũ từ 1300-1900mm.
Căn cứ vào chỉ tiêu phân vùng có thể chia vùng này ra làm hai tiểu vùng thủy văn là: Tiểu vùng Đông Trường Sơn và tiểu vùng Tây Trường Sơn. Ranh giới giữa hai tiểu vùng này là đường chia nước của các lưu vực sông phía đông dãy Trường Sơn và lưu vực sông A Sáp (xét trên lãnh thổ Thừa Thiên Huế).
* Tiểu vùng thủy văn vùng núi Đông Trường Sơn (kỷ hiệu là D1)
Vùng thủy văn này bao gồm phần lớn diện tích các huyện A Lưới, Nam Đông và một phần các huyện Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và Hương Thủy. Vùng thủy văn này có sự phân bố khá mạnh về mưa - dòng chảy trong mùa lũ theo không gian, cụ thể: Lượng mưa năm từ 3000 đến trên 3800mm; lớp dòng chảy năm từ 2400-3200mm, lớp dòng chảy mùa cạn từ 1100-1200mm, mùa lũ từ 1300-1700mm.
Tiểu vùng thủy văn này được chia thành 2 dải thủy văn như sau:
- Dải thủy văn phía đông (D1.1) thuộc các lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ, Hữu Trạch và Tả Trạch có lượng mưa năm từ 3400-3800mm; lớp dòng chảy năm từ 2600-2800mm, lớp dòng chảy mùa cạn từ 1000-1200mm và lớp dòng chảy mùa lũ từ 1500-1700mm.
- Dải thủy văn phía tây (D1.2) thuộc lưu vực sông Truồi và các sông nhỏ khác ở phía nam tỉnh. Dải thủy văn này có lượng mưa, dòng chảy lớn nhất tỉnh: lượng mưa năm phổ biến từ 3000-3800mm, khu vực núi Bạch Mã trên 4000mm; lớp dòng chảy năm từ 2400-3200mm, lớp dòng chảy mùa cạn: 1100-1200mm và lớp dòng chảy mùa lũ từ 1300-2000mm.
* Tiểu vùng thủy văn Tây Trường Sơn (D2)
Phạm vi vùng thủy văn này bao gồm phần đồi núi phía tây Trường Sơn của tỉnh, với các đặc điểm:
- Các sông trong tiểu vùng này khá dốc;
- Lượng mưa năm: 3400-3800mm; lớp dòng chảy năm: 2800-3100mm, lớp dòng chảy mùa cạn: 1000-1200mm, mùa lũ: 1700-1900mm.
Do tiểu vùng này nhỏ, có sự đồng nhất theo không gian về mùa dòng chảy nên có thể xem đây như là một địa phương thủy văn (dải thủy văn). Sơ đồ phân vùng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện ở hình 16.2. Tóm tắt đặc điểm chính của các vùng ở bảng 16.2.
Bảng 16.2. Đặc trưng cơ bản các vùng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế
Vùng
thuỷ
văn
|
Tiểu
vùng
thuỷ
văn
|
Dải
thủy
văn
|
Các đặc trưng thuỷ văn cơ bản
|
B1
|
|
|
Vùng thủy văn đồng bằng, có Xo: 2600-3000mm; Yo: 2000-2500mm, Y mùa cạn: 800-1000mm, Y mùa lũ: 1100-1500mm.
|
B2
|
|
|
Vùng thủy văn đồi núi thấp, có: Xo: 3000-3600mm; Yo: 2400-2800mm, Y mùa cạn: 900-1100mm, Y mùa lũ: 1300-1700mm
|
D
|
D1
|
D1.1
|
Dải thủy văn miền núi, có Xo: 3400-3800mm; Yo: 2600-2800mm, Y mùa cạn: 1000-1200mm, Y mùa lũ: 1500-1700mm.
|
|
|
D1.2
|
Dải thủy văn miền núi, có Xo: 3000-3800mm; Yo: 2400-3200mm, Y mùa cạn: 1100-1200mm, Y mùa lũ: 1300-2000mm
|
|
D2
|
|
Vùng thủy văn tây Trường Sơn, có Yo: 3400-3800mm; Yo: 2800-3100mm, Y mùa cạn: 1000-1200mm, Y mùa lũ: 1700-1900mm
|
B1. Vùng thủy văn vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng triều, mặn: Yo=2000..2500m; Y lũ=1100..1500mm; Ycạn=800..1000mm
B2. Vùng thủy văn đồng bằng và đồi núi thấp: Yo=2400..2800mm; Ylũ=1300..1700mm; Ycạn=900..1100mm
D1.1. Vùng thủy văn miền núi cao đông Trường Sơn: Yo=2600..2800mm; Ylũ=1500..1700mm; Ycạn=1000..1200mm
D1.2. Vùng thủy văn vùng núi cao phía nam Tỉnh: Yo=2400..3200mm; Ylũ=1300..2000mm; Ycạn=1100..1200mm
D2. Vùng thủy văn tây Trường Sơn: Yo=2800..3100mm; Ylũ=1700..1900mm; Ycạn=1000..1200mm
Hình 16.2. Bản đồ phân vùng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế