Các luận điểm, nguyên tắc, phương pháp phân vùng
  

1. Các luận điểm cơ bản

Các luận điểm cơ bản để nghiên cứu phân vùng thuỷ văn như sau:

- Tính liên tục và không liên tục: nói chung các yếu tố thuỷ văn là luôn luôn liên tục, đan xen lẫn nhau không đứt đoạn.

- Tính đồng nhất và không đồng nhất của các yêu tố thuỷ văn luôn luôn tồn tại song song.

- Tính độc lập - tương hỗ: Các yếu tố thuỷ văn biến đổi vừa có tính độc lập vừa có sự tương tác với nhau.

- Tính bình đẳng - trội: Các yếu tố thuỷ văn đều được xem xét bình đẳng. Tuy nhiên ở các khu vực khác nhau, các điều kiện đòi hỏi trong các quá trình tính toán khác nhau thì cần phải xem xét đến các nhân tố trội hơn.

- Tính cá thể - kiểu loại: Cá thể là một đối tượng, yếu tố duy nhất không lặp lại theo không gian, thời gian. Tuy nhiên những cá thể cạnh nhau sẽ có một sự tương đồng, sự tương đồng của các yếu tố này đã tạo nên các tập hợp về kiểu loại.

2. Các nguyên tắc cơ bản

- Nguyên tắc khách quan: Căn cứ theo sự biến đổi của các yếu tố và phân chia theo sự biến đổi đó.

- Nguyên tắc đồng nhất tương đối: Đây là một nguyên tắc quan trọng vì khi phân chia thuỷ văn thành các vùng đồng nhất (chỉ một số yếu tố đồng nhất) và đồng nhất chỉ là ở đại bộ phận khu vực. Tính đồng nhất ở đây luôn luôn chỉ ở mức tương đối.

- Nguyên tắc phát sinh: Thực chất đây là nguyên tắc nguyên nhân hình thành. Trong quá trình phân chia cần chú ý xem xét các nguyên nhân, quá trình phát sinh ra hiện tượng.

- Nguyên tắc cùng chung lãnh thổ: Khi phân chia các yếu tố thuỷ văn trong một lãnh thổ khép kín, không rời rạc thì việc quan tâm nghiên cứu đến tính cá thể - kiểu loại của các yếu tố là điều rất cần thiết và quan trọng.

3. Phương pháp phân vùng

Là phương pháp vạch ranh giới phân chia lãnh thổ thành những khu vực nhỏ có các tính chất thuỷ văn tương đối đồng nhất.

Ranh giới thuỷ văn được hiểu là những dải quá độ mà trong đó những tính chất đặc trưng cho một phức hợp này biến đổi tương đối nhanh qua các tính chất đặc trưng cho một phức hợp khác, tuy chúng vẫn được thể hiện trên các bản đồ phân vùng bằng những đường nét dứt khoát. Trong thực tế sẽ không bao giờ có một sự đột biến về khí hậu giữa hai bên đường ranh giới, mà chỉ tìm thấy những giải quá độ rộng, hẹp tuỳ vào tốc độ biến đổi của những đặc trưng được xét.

a. Phương pháp nhân tố chủ đạo

Ảnh hưởng của chế độ khí hậu thuỷ văn đến sản suất và đời sống là một tác động của nhiều thành phần, song trong đó vị trí và vai trò của từng yếu tố không tương đương nhau. Nhân tố chủ đạo là nhân tố thể hiện r nét nhất đóng vai trò chủ yếu nhất trong sự phân hoá của lãnh thổ.

Những yếu tố chủ đạo được chọn giữ vai trò quyết định trong quá trình hình thành và biến đổi các thành phần của môi trường địa lý.

b. Phương pháp phân tích liên hợp

Trong một vùng mà địa hình bị chia cắt nhiều, đa dạng thì mặc dù trong hệ thống phân vị đã cố gắng chi tiết hoá, song trong mỗi đơn vị thuỷ văn được phân chia khó có sự đồng nhất cao. Do đó quá trình xác định các đường ranh giới đã mang tính khái quát. Nói cách khác một bộ phận diện tích nhỏ so với một đơn vị thuỷ văn chỉ mang tính chất chung của một tổng thể. Do đó trong quá trình nghiên cứu và phân tích để phân chia đảm bảo được tính khái quát cao nhất cần phải biết dựa vào tổ hợp các nhân tố để phân chia không căn cứ vào các thành phần riêng biệt.

4. Một số chỉ tiêu phân vùng thủy văn

Hiện nay còn tồn tại nhiều cách phân vùng thuỷ văn khác nhau. Trong nước ta từ những năm 70 các nhà khoa học đã bàn nhiều về cách phân vùng thuỷ văn. Sau đây là một vài chỉ tiêu phân vùng thuỷ văn của các nhà khoa học:

a. Của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (cũ)

Tổng cục khí tượng thuỷ văn đã được thành lập ngay sau ngày hoà bình lặp lại năm 1954, là một cơ quan chuyên môn có nghiên cứu đầy đủ về thuỷ văn ở nước ta. Vấn đề phân vùng thuỷ văn đã được Tổng cục khí tượng thuỷ văn đưa ra khái niệm đầu tiên là:

Vùng sông ngòi không ảnh hưởng thuỷ triều.

Vùng sông ngòi ảnh hưởng thuỷ triều.

Sau khi tính toán lũ, nghiên cứu quan hệ mưa dào dòng chảy Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn đã chia các miền ra nhiều vùng khác nhau. Tiêu chuẩn phân vùng là:

Đồng nhất về khí tượng khí hậu.

Đồng nhất về điều kiện mặt đệm.

b. Của giáo sư Ngô Đình Tuấn năm 1984

Có thể nói giáo sư Ngô Đình Tuấn là một nhà khoa học đã đưa ra cơ sở lý luận, phương pháp luận và các chỉ tiêu phân vùng thuỷ văn phong phú nhất ở nước ta.

Để phân vùng cho lãnh thổ Việt Nam, Ông đã chia ra làm 5 cấp phân vị: đới, miền, vùng, địa phương, dải (ô).

- Đới thuỷ văn: Đới thuỷ văn là đơn vị không gian bậc cao của miền thuỷ văn được đồng nhất với khí hậu có đơn vị thời gian tương đồng là chu kỳ lớn khí hậu. Ở nước ta xét theo nhiều chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn nhiệt đới, ẩm ướt, gió mùa.

- Miền thuỷ văn: Miền thuỷ văn là một đơn vị bậc cao của vùng thuỷ văn tương đồng với một thời kỳ thành tạo của địa hình (như thời kỳ biển tiến, biển thoái) tạo nên sự phân cách lớn về dòng chảy như thuỷ văn miền núi với chế độ sông không ảnh hưởng triều và sông đồng bằng dòng chảy ảnh hưởng triều.

- Địa phương thuỷ văn: Địa phương thuỷ văn là đơn vị không gian nhỏ hơn vùng thuỷ văn ở đây có sự đồng nhất về điều kiện hình thành các yếu tố thuỷ văn và có sự đồng bộ trong chu kỳ dao động là năm thuỷ văn, mùa thuỷ văn.

- Dải thuỷ văn (ô thuỷ văn): là bậc thấp nhất trong cấp phân vị. Đây là đơn vị không gian có đồng nhất cao về nguyên nhân hình thành và có chu kỳ dao động tháng đồng bộ.

                        Bảng 16.1. Phân chia đơn vị thuỷ văn và chu kỳ địa lý

TT

Không gian thuỷ văn

Chu kỳ địa lý

1

Đới thuỷ văn (thuỷ văn nhiệt đới, thuỷ văn ôn đới,...)

Chu kỳ lớn khí hậu (khí hậu nhiệt đới, khí hậu ôn đới,...)

2

Miền thuỷ văn (miền thuỷ văn đồi núi, miền thuỷ văn đồng bằng,...)

Chu kỳ dao động lớn của địa hình (biển tiến biển thoái)

3

Vùng thuỷ văn

Chu kỳ dao động nhiều năm đồng bộ

4

Địa phương thuỷ văn

Chu kỳ dao động trong năm đồng bộ

5

Dải thuỷ văn (Ô thuỷ văn)

Chu kỳ dao động tháng đồng bộ

* Chỉ tiêu phân chia đơn vị:

Để phân chia đơn vị thuỷ văn theo giáo sư Ngô Đình Tuấn thì cần phải dựa vào:

- Sự đồng nhất về nguyên nhân hình thành.

- Vùng thuỷ văn có chuẩn mưa năm, chuẩn dòng chảy tương đồng và tạo nên cân bằng nước nhiều năm.

- Địa phương thuỷ văn là đơn vị không gian thuỷ văn có sự tương đồng về sự dao động trong năm của mưa và dòng chảy năm cả về độ lớn và chu kỳ dao động mùa lũ, mùa kiệt trong năm.

- Ô thuỷ văn là đơn vị không gian thuỷ văn có sự tương đồng về dao động tháng của mưa và dòng chảy. Muốn vậy phải xét đến sự tương đồng chi tiết hơn đó là:

+ Cùng điều kiện hình thành mưa.

+ Cùng diện tích lưu vực như nhau.

+ Có cùng mặt đệm tương tự: Cùng cấp độ dốc, cùng cấp nước ao hồ, có cùng loại đất đá, có cùng mức độ phủ rừng.

c. Của Phó GS. Trần Thanh Xuân (năm 1985)

Giáo sư Trần Thanh Xuân đã căn cứ vào điều kiện tự nhiên phân chia lãnh thổ Việt Nam ra làm 3 cấp phân vị:

- Cấp I: Đới thuỷ văn (không xét đến).

- Cấp II: Miền thuỷ văn

Nguyên nhân là dạng hoàn lưu chính gây mưa, chỉ tiêu phân chia là tháng bắt đầu mùa mưa, mùa lũ. Theo cách này Miền thuỷ văn Bắc Bộ có mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, 5, mùa lũ từ tháng 6-9; Miền thuỷ văn Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận) trên sườn phía Đông của dãy Trường Sơn mùa mưa muộn hơn vào tháng 8, 9 mùa lũ vào tháng 10-12; Miền thuỷ văn Nam Bộ là miền còn lại.

- Cấp III: Khu thuỷ văn

Khu nằm trong miền thể hiện tính đồng nhất qua dao động dòng chảy năm. Chỉ tiêu phân chia là hệ số dao động dòng chảy năm.

- Cấp IV: Vùng thuỷ văn

Vùng thuộc cấp khu chủ yếu sử dụng các yếu tố về mặt đệm, chỉ tiêu là hệ số dòng chảy năm riêng đồng bằng lấy biên độ triều làm chỉ tiêu phân chia.

d. Của gáo sư Nguyễn Viết Phổ năm 1976

Giáo sư Nguyễn Viết Phổ đã đưa ra một sơ đồ phân chia cho lãnh thổ Việt Nam bao gồm 4 cấp:

- Cấp I: Đới thuỷ văn (không xét)

- Cấp II: Miền thuỷ văn

Nguyên nhân chính là hoàn lưu khí quyển gây mưa, đặc trưng chính là quá trình mùa của dòng chảy, chỉ tiêu phân chia lấy tháng bắt đầu mùa lũ.

- Cấp III: Á miền thuỷ văn

Nguyên nhân chính là hoạt động của gió mùa mùa đông, đặc điểm là quá trình chuyển tiếp từ lũ sang cạn, chỉ tiêu phân chia là tháng bắt đầu mùa cạn.

- Cấp IV: Vùng thuỷ văn

Nguyên nhân là do lượng mưa hàng năm, lớp phủ mặt đệm, địa hình, chỉ tiêu lượng dòng chảy năm chênh lệch không quá 20%.

- Cấp V: Khu thuỷ văn

Nguyên nhân do tác động của dạng địa hình đặc biệt hoặc địa chất đặc biệt, chỉ tiêu phân chia lấy chỉ tiêu địa hình hang động, castơ và các thung lũng khuất gió.

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác