Thừa Thiên Huế có mùa cạn kéo dài từ tháng 1 đến tháng 9, dòng chảy trong mùa này tuy ít biến động hơn trong mùa lũ nhưng nó lại có ý nghĩa rất to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Dòng chảy trong mùa cạn dồi dào, phân phối đồng đều theo thời gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân và ngược lại.
Các nhân tố chính ảnh hưởng đến dòng chảy mùa cạn trên bao gồm: Chế độ khí hậu (mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi), khả năng trữ nước của lưu vực (địa chất, thảm phủ thực vật) và các hoạt động của con người. Trong các nhân tố trên thì nhân tố thảm phủ thực vật, địa hình, địa chất ít biến đổi theo thời gian, nên chế độ dòng chảy mùa cạn phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa, các yếu tố khí hậu trong mùa cạn và lượng mưa của mùa mưa năm trước.
Dòng chảy ngầm được tích trữ từ mùa mưa - lũ năm trước. Nếu lưu vực tích trữ được lượng nước ngầm phong phú sẽ làm cho dòng chảy mùa cạn tăng ngược lại.
Chế độ mưa trong mùa cạn ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ dòng chảy mùa cạn. Một số năm có mùa mưa kết thúc sớm, làm cho dòng chảy các sông suy giảm nhanh ngay vào đầu mùa cạn. Tuy nhiên, nếu mưa trong mùa cạn xuất hiện đều sẽ bổ sung lượng dòng chảy đáng kể cho các sông, làm giảm nguy cơ hạn hán. Mưa trong mùa cạn tại Thừa Thiên Huế trung bình chiếm 40-45% lượng mưa năm, vùng đồng bằng mưa trung bình mùa biến đổi trong khoảng từ 1000-1600mm, vùng núi lượng mưa lớn hơn vùng đồng bằng và dao động trong khoảng từ 1500-2000mm, đặc biệt vùng núi Bạch Mã lượng mưa mùa cạn lên trên 3000mm. Hàng năm, vào tháng 5, 6 có một thời kỳ mưa tiểu mãn với lượng khá lớn, làm cho lượng dòng chảy các tháng đó lớn hơn hẳn so với lượng dòng chảy trung bình trong mùa này.