Kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025
  

(Theo Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1.  Mục tiêu chung

Xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh đến năm 2025; nhu cầu nhân lực hoàn thiện chính quyền điện tử; định hướng phát triển chính quyền số và chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025, có 10.000 nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp CNTT, trong đó 3.000 người hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành công nghệ thông tin và 7.000 người hoạt động trong các lĩnh vực chuyển đổi số, các ngành kinh tế bổ trợ.

Cơ cấu nguồn nhân lực trong nhóm chuyên ngành CNTT (3.000 nhân lực) bao gồm:

STT

Nhóm

Tỷ lệ

Số lượng

1

Nhân lực cao cấp (Trong đó có ít nhất 0,5% là lãnh đạo dẫn dắt, đứng đầu các doanh nghiệp)

5%

150

2

Nhân lực cấp trung

15%

450

3

Nhân lực chuyên ngành

80%

2.400

- Cơ cấu nguồn lực trong nhóm bổ trợ và chuyển đổi nghề nghiệp (7.000 nhân lực) bao gồm:

STT

Nhóm

Tỷ lệ

Số lượng

1

Thương mại điện tử và Tiếp thị số

22%

1.540

2

Doanh nghiệp nền tảng số

15%

1.050

3

Thanh toán điện tử và Fintech

9%

630

4

Công nghệ thực tại ảo và du lịch số

23%

1.610

5

Dịch vụ thông tin và BPO

25%

1.750

6

Các ngành dịch vụ khác (đào tạo,...)

6%

420

b) Xây dựng và thực hiện được giải pháp, chiến lược phối hợp đào tạo nguồn nhân lực CNTT giữa nhà nước, cơ sở đào tạo, thị trường lao động CNTT cho tỉnh một cách hiệu quả, bền vững và lâu dài.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước đủ về số lượng, có năng lực phục vụ công cuộc hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quy hoạch, định hướng phát triển môn Tin học/CNTT trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chuyên ngành CNTT

- Các cơ sở đào tạo cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đủ nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Đảm bảo cơ cấu nhân lực hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành công nghệ thông tin và nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực chuyển đổi số, các ngành kinh tế bổ trợ.

- Nghiên cứu đề xuất đổi mới chương trình dạy và học môn Tin học trong chương trình Giáo dục phổ thông.

- Định hướng tập trung xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành CNTT trình độ cao, các trường cao đẳng, đại học trọng điểm đào tạo CNTT chất lượng cao; từng bước tiếp cận với trình độ đào tạo về CNTT tiên tiến trong khu vực và thế giới, trực tiếp đáp ứng nhu cầu ngành nghề, trình độ cao cho nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh, cộng đồng xã hội thông minh, trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0.

- Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giảng dạy, phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo dục về CNTT.

- Triển khai đề án cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực CNTT trình độ đại học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Mở rộng quy mô, mở rộng đào tạo văn bằng 2 và đào tạo song ngành trình độ đại học về CNTT.

2. Xây dựng các chương trình hướng nghiệp

- Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực phát triển doanh nghiệp lĩnh vực CNTT để phát triển kinh tế số. Lấy doanh nghiệp là hạt nhân, lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển những sản phẩm, dịch công nghệ số tiên tiến, lấy thị trường chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm bàn đạp vươn ra cả nước và quốc tế.

- Tổ chức các chương trình truyền thông hướng nghiệp sâu rộng cho học sinh các cấp, nhất là học sinh bậc THCS cũng như THPT có đam mê trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông. Từ đó, tạo tiềm lực về nhân lực CNTT của địa bàn. Phấn đấu hàng năm, tối thiểu 15% học sinh THPT trong toàn tỉnh đăng ký học ngành CNTT và các ngành liên quan (Tin học ứng dụng, Điện tử Viễn thông, Hệ thống thông tin kinh tế) khi đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

- Xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực CNTT và bổ sung, cập nhật vào chương trình giáo dục địa phương về CNTT. Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học – công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEAM/STEAME), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số. Đến khi hoàn thành chương trình THPT, học sinh có thể hiểu được các 03 ngôn ngữ chính: ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), ngoại ngữ (tiếng Anh) và  ngôn ngữ người - máy (coding).

- Nâng tầm Hội thi Tin học trẻ hằng năm, kết hợp với Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh và Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh theo hướng phát động và tổ chức Hội thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, theo hướng ưu tiên các sản phẩm CNTT, viễn thông tham dự Giải và các sản phẩm có hàm lượng ứng dụng CNTT cao. Tổ chức các cuộc thi thuyết trình bảo vệ Đề án, Dự án về CNTT đối với sinh viên ngành CNTT.

- Xây dựng cơ chế ưu tiên tuyển thẳng đối với các học sinh THCS giỏi CNTT vào khối chuyên Tin của Trường PTTH chuyên Quốc học - Huế và khối chuyên Tin học của Trường THPT chuyên Khoa học Huế trực thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Có cơ chế về các quỹ học bổng hỗ trợ cho các đối tượng này. Tổ chức Câu lạc bộ Trí tuệ nhân tạo tại Trường PTTH chuyên Quốc học - Huế và vận động, thu hút học sinh, sinh viên tham gia các Câu lạc bộ Hue AI, Lab IoT,… Hằng năm, có từ 80% học sinh chuyên Tin học và 8%-10% học sinh của các trường THPT thi vào các ngành có chuyên môn về CNTT, trong đó có 40%-50% thi vào các trường Đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức đào tạo bán thời gian cho các sinh viên, tổ chức các nhóm dự án làm việc tại Huế. Mời các chuyên gia cao cấp, Giáo sư quốc tế đầu ngành về CNTT về các buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu.

- Tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức và hành động về nghề  CNTT và truyền thông thông qua Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub) như: Học sinh Huế với tương lai; Open talk chuyên đề; Các chương trình trải nghiệm, thực hành và sáng tạo công nghệ và truyền thông cho giới trẻ.

3. Hình thành thị trường lao động công nghệ thông tin và truyền thông

Hình thành thị trường lao động cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông từ các nguồn sau:

- Mời gọi nhân lực CNTT cấp cao từ trong và ngoài nước trở lại làm việc cho Huế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm quản lý quốc tế, các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực AI, BigData, IoT,… giảng viên chuyên ngành CNTT từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tạo sơ sở xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lĩnh vực CNTT và Truyền thông trong các cơ sở đào tạo. Quảng bá tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp kéo nhân sự cấp cao về lập nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế; mời các chuyên gia hàng đầu về sống tại Huế với các chính sách ưu đãi cao nhất, phù hợp với điều kiện của địa phương và các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo đội ngũ nhân lực CNTT cấp cao (bao gồm các CEO, quản lý cấp trung) chiếm 10% tổng số nhân lực.

- Nguồn nhân lực từ các trường đại học: nhân lực đào tạo theo phương thức chính quy đảm bảo cung ứng 30% tổng nhu cầu nhân lực. Chú trọng đẩy mạnh phương án đào tạo sinh viên theo đặt hàng doanh nghiệp, theo phương thức 70% khối lượng kiến thức từ cơ sở đào tạo, 30% từ nhu cầu của doanh nghiệp. Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế là đơn vị chủ lực để thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ phát triển công nghiệp CNTT.

- Nguồn chuyển đổi nghề được thực hiện từ các đơn vị đào tạo theo các mô hình 2+2, đào tạo lập trình viên cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng các chuyên ngành khác. Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Đại học Huế và Trường Đại học Phú Xuân là đơn vị chủ lực để đào tạo chuyển đổi. Việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề cần xác định các lĩnh vực ưu tiên như: văn hóa, du lịch, kiến trúc đồ họa, giao thông và xây dựng, ngoại ngữ, nguồn này chiếm  khoảng 30%, nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực CNTT cho việc xây dựng các ứng dụng, sản phẩm chuyên ngành.

- Di chuyển, chuyển đổi lao động từ các ngành nghề khác trong nội tỉnh trên cơ sở ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của nền kinh tế như nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, các dịch vụ chia sẻ trên ứng dụng nền tảng, digital marketing, thiết kế đồ họa… Trung tâm CNTT tỉnh, Khoa Hệ thống thông tin - Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Nghệ thuật Huế và Viện Đào tạo mở và CNTT, Đại học Huế là đơn vị chủ lực tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn chuyển đổi nghề nghiệp và ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế. Nguồn này chiếm  khoảng 30% cung ứng cho nền kinh tế số và các doanh nghiệp số.

- Triển khai mạnh mẽ các chương trình, kế hoạch ươm tạo và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành CNTT&TT với mục đích thúc đẩy doanh nghiệp tại địa phương và đầu tư từ ngoài tỉnh, từ đó thu hút nguồn nhân lực tham gia ngành.

4. Đẩy mạnh phương thức kết hợp 03 bên “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” trong cung ứng nguồn nhân lực

- Đại học Huế và các cơ sở đào tạo có ngành CNTT là đơn vị thực hiện các đặt hàng về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên cơ sở thay đổi phương thức đào tạo, tăng cường kết nối về đào tạo và đào tạo theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, các cơ sở đào tạo đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo, gắn với chương trình giới thiệu việc làm của doanh nghiệp và các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia.

- Thực hiện cơ chế kết nối 03 bên: Nhà nước - nhà trường – nhà doanh nghiệp, theo hướng: doanh nghiệp đặt hàng, nhà trường cung ứng, Nhà nước là trung gian kết nối, hỗ trợ chình sách. Các doanh nghiệp thực hiện đặt hàng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực đến năm 2025 dựa trên chiến lược và cam kết phát triển tại địa phương. Các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo có cam kết cung cấp số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực CNTT cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Cơ quan nhà nước thực hiện hỗ trợ các chính sách như các Quỹ hỗ trợ học bổng và nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ.

- Triển khai mô hình “Giám đốc là Giảng viên và Giảng viên là Giám đốc” theo hướng đưa Giám đốc doanh nghiệp CNTT làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo về CNTT và đưa Giảng viên các cơ sở đào tạo là quản lý, giám đốc các doanh nghiệp CNTT trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nền tảng số. Hình thành trung tâm đào tạo và khảo thí các chứng chỉ quốc tế của các tập đoàn lớn như: Microsoft, IBM, Google, SUN, Cisco, …

5. Hỗ trợ và kết nối thị trường lao động

Tổ chức đầu mối kết nối thị trường lao động CNTT giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo tại Sở Thông tin và Truyền thông. Xây dựng hệ sinh thái kết nối nguồn nhân lực CNTT để các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động CNTT hay các cơ sở đào tạo cần việc làm cho sinh viên CNTT ra trường kết nối tạo thành một thị trường lao động trên môi trường mạng.

Hệ sinh thái này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công khai nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm nguồn nhân lực, tuyển dụng và bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, các dự án đầu tư lớn trên địa bàn, các dự án dự kiến đi vào hoạt động trong các năm tới.

6. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực CNTT

- Phát triển hạ tầng, nơi làm việc cho nhân lực CNTT: Đầu tư khu công viên phần mềm do Trung tâm CNTT tỉnh quản lý tại khu đất 1,1 ha; đồng thời triển khai các giải pháp thúc đẩy triển khai đầu tư hạ tầng tại khu quy hoạch An Vân Dương 39,6 ha và các khu vực lân cận. Đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

- Hoàn thiện, ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tư vấn doanh nghiệp, hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT...) khi tham gia vào không gian sáng tạo khởi nghiệp CNTT, vườn ươm CNTT, khu CNTT tập trung.

- Khuyến khích, hỗ trợ các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển CNTT tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Hướng dẫn và triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý để chuyên gia có thể làm việc hợp pháp tại Huế, đồng thời là cầu nối để thu hút chuyên gia người Huế ở trong và ngoài nước về Huế làm việc.

- Thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ tìm kiếm đối tác, khách hàng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chuyển giao các sản phẩm CNTT trọng điểm.

7. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý CNTT

- Hằng năm, tổ chức đào tạo chuyên sâu về CNTT như bảo mật, an ninh mạng,... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT.

- Cử cán bộ công chức CNTT tại cơ quan quan quản lý chuyên ngành đi học tập, tập huấn nâng cao về công tác quản lý nhà nước về CNTT, nâng cao trình độ chuyên môn về CNTT, về chuyển đổi số theo các chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức.

8. Kiểm soát nguồn nhân lực CNTT trong trường hợp phát triển cơ cấu nhân lực CNTT không đồng đều giữa các lĩnh vực của CNTT

Hằng năm, tổ chức phân luồng đào tạo chuyên ngành CNTT trên cơ sở dự báo thị trường lao động CNTT để truyền thông, hướng nghiệp các em học sinh đăng ký vào học các chuyên ngành khác nhau lĩnh vực công nghiệp CNTT và ngành kinh tế số.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch chủ yếu huy động từ các khoản đóng góp, xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngân sách trung ương và địa phương căn cứ quy định hiện hành về phân cấp quản lý ngân sách nhằm hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ sau: các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương; công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thí điểm, kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động, hiệu quả kế hoạch và một số nhiệm vụ khác.

- Đề xuất nguồn vốn sự nghiệp hằng năm để phát triển các nội dung chính như: Đào tạo nhân lực CNTT cho doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ nhà nước các cấp; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT trong khu vực; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; tổ chức các diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; hoạt động khảo sát, thu thập thông tin về hoạt động công nghiệp CNTT; tổ chức các giải thưởng về lĩnh vực Công nghiệp CNTT.

- Đề xuất nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, phát triển hạ tầng khu CNTT tập trung, hỗ trợ phát triển Chuỗi các công viên phần mềm và Trung tâm Công nghệ số.

- Huy động nguồn vốn khác từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nhất là nguồn vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP). Nguồn vốn này chủ yếu dành để đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT (không gian sáng tạo khởi nghiệp về CNTT, vườn ươm doanh nghiệp CNTT), để cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp thử nghiệm, hoàn thiện, giới thiệu các công nghệ số mới, công tác ứng dụng CNTT và đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các nội dung sau:

+ Chủ trì tổ chức làm việc với các cơ sở đào tạo về kế hoạch đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chủ lực.

+ Tổ chức liên kết 03 bên: Sở Thông tin và Truyền thông, cơ sở đào tạo và từng doanh nghiệp lớn để cam kết cung cấp, cam kết sử dụng nguồn nhân lực CNTT đến năm 2025.

+ Tăng cường hoạt động Trung tâm Nghiên cứu thí nghiệm IoT (đặt tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh).

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện; định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng chương trình truyền thông, hướng nghiệp CNTT hàng năm. Tổ chức định hướng phân luồng những học sinh có năng khiếu, sở thích về CNTT để tuyên truyền, vận động đăng ký dự thi các ngành CNTT, nhất là các trường trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực CNTT và bổ sung, cập nhật hằng năm các chương trình giáo dục địa phương về CNTT.

- Nghiên cứu đề xuất đổi mới chương trình dạy và học môn Tin học trong chương trình Giáo dục phổ thông.

- Tăng cường hàm lượng ứng dụng CNTT trong giáo dục. Nâng chuẩn kỹ năng của giáo viên Tin học tại các trường phổ thông; hình thành cho các em học sinh ngôn ngữ người – máy (coding) ngay từ ghế nhà trường. Tổ chức các câu lạc bộ về Trí tuệ nhân tạo, Robotics, Internet vạn vật trong trường phổ thông.

- Đổi mới và cải tiến công tác dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong giáo dục phổ thông.

3. Đại học Huế, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh

- Đại học Huế và các trường đại học, cao đẳng liên quan triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh. Từng bước đổi mới chương trình đào tạo, đưa nội dung của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo (có thể là năm cuối). Xây dựng kế hoạch đào tạo, cam kết chất lượng và số lượng nhân lực CNTT cung cấp cho doanh nghiệp.

- Xây dựng các câu lạc bộ về Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Blockchain,… trong các trường học.

- Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các doanh nghiệp thí điểm đưa giảng viên CNTT tham gia là công tác quản lý tại các doanh nghiệp và tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nền tảng số.

4. Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch đào tạo hằng năm nhằm triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh. Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho các chuyên ngành bậc Đại học và Cao đẳng đối với lĩnh vực CNTT và truyền thông.

- Phối hợp với cơ sở đào tạo về CNTT thành lập các Câu lạc bộ kỹ năng về CNTT để tăng tính nghiên cứu khoa học trong các sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới. Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo tiếng Anh/Hàn/Nhật dành cho đối tượng xuất khẩu lao động trong và ngoài nước trong trường hợp nguồn nhân lực phát triển vượt cầu.

- Phối hợp với Đại học Huế, Trường đại học Khoa học Huế tổ chức hội thi Tin học hằng năm cho sinh viên.

- Triển khai các hạng mục xây dựng Khu Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh là nơi ươm mầm sáng tạo trong lĩnh vực CNTT.

- Làm cầu nối sơ tuyển nhân lực CNTT cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Xây dựng hệ thống thực tập CNTT cho Trường Đại học Khoa học Huế.

5. Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh

- Chủ trì và triển khai hiệu quả các các chương trình nâng cao nhận thức và hành động về nghề nghiệp CNTT và truyền thông, các chương trình ươm tạo và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc nhóm ngành CNTT và truyền thông.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tỉnh triển khai đánh giá về nguồn nhân lực từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.                                                                                                                                                                

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Trong công tác thống kê quản lý lao động việc làm (số lượng hiện trạng, nhu cầu), xem xét, bổ sung thống kê theo lĩnh vực trong đó có lĩnh vực CNTT.

- Tổ chức sàn giao dịch việc làm trong đó có lĩnh vực CNTT, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá cung cấp thông tin.

- Lồng ghép các nội dung về giáo dục nghề nghiệp CNTT trong Đề án "Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" và trong các kế hoạch phát triển, truyền thông giáo dục nghề nghiệp của tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tham mưu tổ chức các Hội thi khoa học kỹ thuật có liên quan đến CNTT. Sử dụng Quỹ KHCN cho việc phát hiện tài năng sinh viên và học sinh CNTT.

- Chủ trì triển khai mạnh mẽ các chương trình, kế hoạch ươm tạo và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp, trong đó có dự án thuộc nhóm ngành CNTT và truyền thông.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý cho việc thực hiện Kế hoạch.

9. Các doanh nghiệp CNTT

- Có chiến lược hoạt động và phát triển lâu dài tại tỉnh, tập trung vào các dịch vụ nội dung số dựa trên chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm thông minh, các sản phẩm nền tảng số và các dịch vụ CNTT

- Thực hiện đặt hàng và cam kết sử dụng nhân lực. Tham gia xây dựng chương trình đào tạo, cử nhân viên có năng lực và kinh nghiệm tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp.

- Tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nền tảng số để hỗ trợ, tìm kiếm và phát huy các tài năng khởi nghiệp về CNTT.

- Cung cấp số liệu về hiện trạng và nhu cầu nhân lực CNTT.

10. Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tỉnh

- Khảo sát hiện trạng nhân lực CNTT và nhu cầu nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh.

- Là cầu nối trao đổi thông tin về nhân lực CNTT giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực CNTT.

Phụ lục

 DANH MỤC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI NHẰM PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CNTT ĐẾN NĂM 2025

STT

Nội dung triển khai

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian triển khai

Kết quả dự kiến/ ghi chú

I

Quy hoạch, định hướng phát triển môn Tin học/ CNTT trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chuyên ngành CNTT

Sở GDĐT; Đại học Huế; các trường ĐH/CĐ trên địa bàn

Hội CNTT và Điện tử viễn thông (HueDITA) và các đơn vị liên quan

2022-2025

Chất lượng và số lượng đào tạo CNTT của Đại học Huế ngày càng được nâng cao

II

Xây dựng các chương trình hướng nghiệp

Xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong lĩnh vực CNTT và bổ sung, cập nhật vào chương trình giáo dục địa phương về CNTT

Sở GDĐT

Sở TTTT, Sở KHCN, Viện NCPT, Trung tâm CNTT tỉnh, Hội CNTT và Điện tử viễn thông (HueDITA)

Năm 2022

Hoàn chỉnh bộ sách về CNTT và STEAM

Tổ chức các chương trình truyền thông hướng nghiệp sâu rộng cho học sinh THPT, THCS

Sở GDĐT

Sở TTTT, Đại học Huế, Sở KHCN, Trung tâm CNTT tỉnh

2022-2023

100%, các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh nắm được chương trình hướng nghiệp trước khi học sinh làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng.

Tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ chuyên ngành CNTT

Trung tâm CNTT tỉnh

Các cơ sở đào tạo, Sở TTTT, HueDITA

Hằng năm

Mỗi năm 2-4 lớp

Tổ chức cuộc thi "Hue-ICT Challenge" dành cho học sinh, sinh viên

Trường Đại học Khoa học; Hội CNTT và Điện tử viễn thông

Đại học Huế, các Trường: Đại học Phú Xuân, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Sư phạm Huế, Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng Sư phạm Huế

Hằng năm

Tìm kiếm được những học sinh sinh viên có năng lực CNTT để bồi dưỡng phát triển các em

Ươm mầm nhân lực CNTT cho học sinh chuyên tin trường Quốc Học, học sinh THPT

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo

Hằng năm

Đội ngũ học sinh chuyên tin Trường Quốc học đảm bảo chất lượng và số lượng

Tổ chức đào tạo bán thời gian cho các sinh viên, tổ chức các nhóm dự án làm việc tại Huế.

HueDITA

Các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo

Hằng năm

Tổ chức được ít nhất mỗi năm 01 nhóm Sinh viên CNTT

Mời các chuyên gia cao cấp lĩnh vực CNTT tham gia buổi diễn thuyết, tư vấn cho tỉnh về CNTT

UBND tỉnh

Sở TTTT, Trung tâm CNTT tỉnh, Viện NCPT, HueDITA

2022-2025

Mỗi năm mời được 01 chuyên gia

III

Hình thành thị trường lao động CNTT và truyền thông

Gặp gỡ và quy tụ chuyên gia giỏi về làm việc tại các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn tỉnh; Thu hút mời gọi nhân lực, quảng bá tuyển dụng nhân lực cấp cao.

Trung tâm CNTT tỉnh

Sở TTTT, Viện NCPT, các doanh nghiệp

Hằng năm

Mỗi năm qui tụ được từ 10 – 15 chuyên gia giỏi trong và ngoài nước.

Tư vấn hướng nghiệp và đào tạo chuyển đổi nghề theo mô hình 2+2, đào tạo lập trình viên cho sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khác

Khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Đại học Huế và Trường Đại học Phú Xuân

Các doanh nghiệp CNTT, cơ sở đào tạo khác

Hằng năm

Số lượng theo nhu cầu và kế hoạch hàng năm

Đào tạo ngắn hạn chuyển đổi nghề nghiệp và ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế

Trung tâm CNTT tỉnh

Khoa Hệ thống thông tin - Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Huế; Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật Huế và Viện Đào tạo mở và CNTT, Đại học Huế

Hằng năm

Triển khai chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp, trong đó có dự án thuộc nhóm ngành CNTT&TT

Sở Khoa học và Công nghệ

Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh và các đơn vị liên quan

Hằng năm

Kế hoạch được triển khai hàng năm

IV

Đẩy mạnh phương thức kết hợp 03 bên “Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp” trong cung ứng nguồn nhân lực

Tăng cường quảng bá hình ảnh về công tác giảng dạy, học tập, làm việc trong lĩnh vực CNTT tại tỉnh để tuyển sinh được đảm bảo số lượng và chất lượng

Đại học Huế

Các cơ sở đào tạo CNTT

Hằng năm

Chương trình đào tạo được quảng bá rộng khắp

Quảng bá, giới thiệu các chương trình đào tạo, gắn với chương trình giới thiệu việc làm của doanh nghiệp và các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trường Đại học Khoa học, Huế

Các cơ sở đào tạo CNTT khác, HueDITA

Hàng năm

Xây dựng kế hoạch đào tạo có cam kết cung cấp số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực CNTT (trong đó có nội dung phối hợp doanh nghiệp CNTT đào tạo)

Trường Đại học Khoa học, Huế

Các cơ sở đào tạo CNTT khác, HueDITA

Hằng năm

Kế hoạch

Hình thành trung tâm đào tạo và khảo thí các chứng chỉ quốc tế của các tập đoàn lớn như: Microsoft, IBM, Google, SUN, Cisco, …

Đại học Huế

Các cơ sở đào tạo CNTT

2023-2025

Trung tâm đào tạo và khảo thí được thành lập

Quỹ hỗ trợ học bổng cho sinh viên CNTT khó khăn có thành tích tốt

Hội CNTT và Điện tử viễn thông

Sở Tài chính, Sở KHĐT, Sở TTTT, các doanh nghiệp

Hàng năm

Chủ yếu huy động từ xã hội hóa

Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về tình hình đào tạo, nhu cầu nhân lực CNTT

HueDITA

Sở TTTT, Viện NCPT tỉnh, Trung tâm CNTT tỉnh

Hằng năm

Thu thập số liệu làm cơ sở để cung cấp số liệu cho nhà trường và doanh nghiệp có kế hoạch phát triển.

Xây dựng không gian sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT/Vườn ươm

Trung tâm CNTT tỉnh

Sở KHCN, Sở TTTT, Sở KHĐT, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Viện Nghiên cứu phát triển, Hue DITA

2022-2025

Xây dựng được cơ sở hạ tầng.

Xây dựng hệ thống thực tập CNTT cho Trường Đại học Khoa học, Huế

Trung tâm CNTT tỉnh

Trường Đại học Khoa học

2022-2025

Hệ thống thực tập CNTT

V

Hỗ trợ và kết nối thị trường lao động

Hệ sinh thái kết nối nguồn nhân lực CNTT tỉnh

Sở TTTT

Viện NCPT tỉnh, Trung tâm CNTT tỉnh; Hue DITA; ĐH Huế, các trường ĐH/CĐ trên địa bàn

2022-2023

Hệ cơ sở dữ liệu kết nối nguồn nhân lực CNTT giữa nhà trường – doanh nghiệp và người lao động

VI

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực CNTT

Phát triển hạ tầng, nơi làm việc cho nhân lực CNTT

Trung tâm CNTT tỉnh

Sở TTTT và các đơn vị liên quan

2022-2025

Khu công viên phần mềm do Trung tâm CNTT tỉnh quản lý; Đầu tư hạ tầng khu công nghệ thông tin tại khu quy hoạch An Vân Dương 39,6 ha tập trung tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào không gian sáng tạo khởi nghiệp CNTT, vườn ươm CNTT, khu CNTT tập trung.

Sở TTTT

Sở Khoa học và Công nghệ; Viện NCPT, Trung tâm CNTT tỉnh; Hue DITA; ĐH Huế, các trường ĐH/CĐ trên địa bàn

2022-2025

 

Khuyến khích, hỗ trợ các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển CNTT tại Thừa Thiên Huế.

Sở KHĐT

Sở TTTT; Trung tâm CNTT tỉnh và các đơn vị liên quan

2022-2025

 

VII

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý CNTT

Sở TTTT

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan

2022-2025

 

VIII

Kiểm soát nguồn nhân lực CNTT trong trường hợp phát triển cơ cấu nhân lực CNTT không đồng đều giữa các lĩnh vực của CNTT

Truyền thông, hướng nghiệp các em học sinh đăng ký vào học các chuyên ngành khác nhau lĩnh vực công nghiệp CNTT và ngành kinh tế số.

Trường Đại học Khoa học, Huế

Đại học Huế, các cơ sở đào tạo khác

Hằng năm

 

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối