Kế hoạch Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
  

(Theo Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Chuyển đổi số ngành Giáo dục hướng đến mục tiêu thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức quản lý, phương thức kết nối giữa nhà trường với xã hội; phương pháp dạy học; áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Phát triển chính quyền số trong giáo dục và đào tạo

- Về quản trị nhà trường:

+ 100% học sinh, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất và kết nối liên thông với hệ thống toàn quốc;

+ 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số;

+ Hình thành quy trình số mô hình quản lý chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non.

- Về quản lý giáo dục:

+ Cơ sở dữ liệu ngành được hoàn thiện, kết nối thông suốt với các cơ sở dữ liệu trong tỉnh và kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục;

+ 100% hoạt động quản lý nhà nước từ các cơ quan quản lý giáo dục đến các cơ sở giáo dục được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, mọi quy trình xử lý đều được thực hiện trên môi trường mạng và sử dụng văn bản điện tử có ký số (trừ hoạt động thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

+ 100% hệ thống minh chứng phục vụ công tác kiểm định chất lượng giáo dục được số hóa; 100% các nội dung đánh giá (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài), quy trình đăng ký, công nhận kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện trên môi trường mạng;

+ 100% minh chứng hỗ trợ công tác thi đua khen thưởng được số hóa; 100% cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục thực hiện xét thi đua khen thưởng kể từ khâu đăng ký cho đến khâu công bố kết quả đều thực hiện trên môi trường mạng;

+ 100% cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục tổ chức họp đều thực hiện trên môi trường mạng tất cả các khâu từ đăng ký, phát hành giấy mời, tài liệu, kết luận của cuộc họp,…;

+ 50% hoạt động kiểm tra cơ sở của cơ quan quản lý giáo dục được thực hiện trên môi trường số, thông qua hệ thống quản lý ngành tại cơ sở như: hệ thống theo dõi việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch, Quy hoạch, hệ thống quản lý việc thực hiện chương trình dạy học, thời khóa biểu, lịch báo giảng, quản lý việc sử dụng thiết bị dạy học, …;

+ Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng mã QR để điểm danh học sinh và thông báo đến phụ huynh học sinh thông qua Hue-S. 100% cơ sở giáo dục áp dụng triển khai ứng dụng mã QR trong việc quản lý giờ giấc của giáo viên, nhân viên;

+ Hình thành mô hình giám sát, điều hành giáo dục thông minh.

- Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân:

+ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán);

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%;

+ Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 90%;

+ Tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 90%;

+ 100% cơ sở giáo dục triển khai sổ liên lạc điện tử và thanh toán các khoản phí không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S và 100% trường phổ thông triển khai sổ điểm, học bạ điện tử có chữ ký số và thông báo kết quả trên Hue-S;

+ Trên 85% phụ huynh học sinh các trường phổ thông cài đặt Hue-S để sử dụng sổ liên lạc điện tử, sổ điểm, học bạ điện tử và 80% phụ huynh các trường THPT, 30% phụ huynh các trường THCS thanh toán các khoản phí bằng hình thức trực tuyến;

+ 100% trường phổ thông thực hiện tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến qua nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có Hue-S (từ khâu đăng ký đến khâu công nhận kết quả).

b) Chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá

- 100% cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin dạy và học, tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện dạy và học theo hướng hiện đại; tạo đột phá về chất lượng đào tạo;

- Hình thành học liệu số gồm: Đề thi, đáp án, bài giảng, giáo án điện tử, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng,… trên nền tảng công nghệ Big Data;

- Định hướng cho các trường phổ thông tổ chức dạy học theo quy trình trên lớp, kết hợp trực tuyến để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học; phấn đấu có ít nhất 30% trường THCS và 50% trường THPT thực hiện;

- Phấn đấu 40% trường trung học cơ sở và 80% trường trung học phổ thông triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến (thông qua bài kiểm tra trên máy tính);

- 50% cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

- 100% giáo viên được nâng cao và tích lũy kinh nghiệm xử lý trong công tác giảng dạy, thông qua việc tích lũy và chia sẻ thông tin trên hệ thống quản lý điều hành tập trung.

2.2. Mục tiêu đến năm 2030

- Đổi mới căn bản phương thức quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả và minh bạch với dữ liệu và công nghệ số là nền tảng và công cụ quản trị chủ yếu.

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học; đưa tương tác, trải nghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày với mỗi người học và mỗi nhà giáo, nâng cao năng lực tự học của người học.

- Đổi mới căn bản phương thức, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý giáo dục, chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học tại các cơ sở giáo dục

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số

1.1. Chuyển đổi nhận thức

- Chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức vai trò người đứng đầu các đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong ngành Giáo dục và toàn xã hội;

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm công tác quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; thí điểm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin tiếp cận chuẩn quốc tế tại một số cơ sở giáo dục;

- Tăng cường sự tham gia của phụ huynh, tổ chức, công dân và doanh nghiệp cùng góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại;

- Thúc đẩy việc nghiên cứu, sáng tạo và thử nghiệm các công nghệ số trong giáo dục; tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng giáo dục số “made in Việt Nam”;

- Triển khai các kênh hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến (báo, tạp chí điện tử, phát thanh - truyền hình, mạng xã hội…) để hỗ trợ phụ huynh, học sinh, cộng đồng khi sử dụng các dịch vụ giáo dục trực tuyến;

- Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu về chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo để lan tỏa, nhân rộng.

1.2. Kiến tạo thể chế

Đề xuất để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực công nghệ thông tin của ngành Giáo dục và đào tạo, cụ thể:

- Hướng dẫn thử nghiệm các sản phẩm giáo dục số mới; phát triển các nền tảng số trong giáo dục;

- Cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các sản phẩm dịch vụ giáo dục số; cơ chế thuê thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính thực hành tin học, …) phục vụ dạy học; định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong các đơn vị trường học;

- Các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu giáo dục;

- Các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm trong ngành Giáo dục và đào tạo;

- Hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;

- Hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành Giáo dục và đào tạo;

- Thành lập các Tổ chuyển đổi số cấp Sở, cấp Phòng và cấp Trường để điều hành hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

1.3. Phát triển dữ liệu số

- Số hóa dữ liệu chuyên ngành giáo dục và đào tạo bao gồm: tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, kết quả tốt nghiệp....

- Phát triển, hoàn thiện học liệu số về giáo dục gồm: bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác, hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ học liệu số;

- Thụ hưởng nền tảng của Tỉnh trong tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục; kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và các hệ thống giáo dục chuyên ngành khác;

- Tích hợp dữ liệu mở trong giáo dục và đào tạo lên hệ thống dữ liệu mở của tỉnh Thừa Thiên Huế; thu thập dữ liệu kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong ngành Giáo dục và mạng thông tin giáo dục quốc gia.

1.4. Xây dựng nền tảng số

- Xây dựng kiến trúc chuyển đổi số và thụ hưởng nền tảng Hue-S làm hệ thống nền tảng số trong giáo dục và đào tạo;

- Thụ hưởng các nền tảng, giải pháp của Tỉnh để triển khai tích hợp, liên thông, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và đào tạo; hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư và các hệ thống giáo dục chuyên ngành khác;

- Phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục và đào tạo, hướng tới mạng xã hội dịch vụ giáo dục;

- Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý, cấp phát tài khoản (SSO) các hệ thống của ngành Giáo dục và đào tạo;

- Tích hợp nền tảng số: Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI).

1.5. Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

- Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo;

- Xây dựng quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong giáo dục và đào tạo; bồi dưỡng và nâng cao kiến thức an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và đào tạo trong toàn Tỉnh;

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các hệ thống số hóa, đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy - học và làm việc trên môi trường số;

- Phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số, chữ ký điện tử (bao gồm việc xác thực trên thiết bị di động) trong toàn ngành;

- Triển khai hệ thống xác thực định danh trên nền tảng số.

1.6. Phát triển nguồn nhân lực

- Triển khai hợp tác, đào tạo cán bộ phụ trách công nghệ thông tin gồm các tiêu chuẩn công nghệ thông tin ngành Giáo dục và đào tạo, các công nghệ số về dữ liệu lớn, … làm nòng cốt về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo;

- Tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên ngành Giáo dục và đào tạo;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giáo dục.

2. Phát triển Chính quyền số trong ngành Giáo dục và đào tạo

Đẩy mạnh phát triển, nâng cấp, xây dựng mới các hệ thống thông tin giáo dục trên các nền tảng số, xây dựng hệ thống eform ngành giáo dục để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng. Các hệ thống triển khai bao gồm:

- Hình thành mô hình điều hành, giám sát thông tin ngành Giáo dục và đào tạo, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động quản lý giáo dục;

- Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử; hoàn thành triển khai các dịch vụ công mức độ 4, tiến tới thực hiện thành công quan điểm 4 không, 1 có: làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt, báo cáo có dữ liệu số;

- Tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành. Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, tiếp tục phát triển ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, truyền thông trên nền tảng Hue-S;

- Xây dựng, triển khai phòng họp số, họp trực tuyến tích hợp vào mô hình giám sát điều hành giáo dục thông minh;

- Ứng dụng mã QR (có xác định vị trí chấp nhận mã) trong việc quản lý giờ giấc của giáo viên và học sinh;

- Xây dựng, triển khai hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống quản lý chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mầm non (bao gồm bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, giấc ngủ của trẻ).

3. Phát triển kinh tế số trong ngành Giáo dục và đào tạo

- Thúc đẩy phát triển kinh tế số trong giáo dục và đào tạo nhằm tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng như cung cấp dịch vụ của đơn vị, tăng cường trải nghiệm tiện ích cho phụ huynh, học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động;

- Khuyến khích các công ty công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tăng cường nghiên cứu, phát triển các nền tảng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; tạo ra các dịch vụ số hiệu quả trong ngành; tăng cường nghiên cứu các công nghệ số phục vụ giáo dục như dữ liệu lớn, di động, điện toán đám mây.

4. Phát triển xã hội số trong ngành Giáo dục và đào tạo

-  Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về Khoa học máy tính phù hợp;

- Xây dựng, phát triển trung tâm đánh giá tác động và hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nhằm hỗ trợ phụ huynh, học sinh, tổ chức, cá nhân và các đơn vị trong quá trình chuyển đổi số ngành Giáo dục và đào tạo;

- Xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin học tập, thông tin giáo dục dựa trên nền tảng mạng xã hội;

- Phát triển các ứng dụng giáo dục trên các thiết bị cầm tay, thiết bị di động để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi.

5. Giải pháp trọng tâm chuyển đổi số ngành Giáo dục và đào tạo

- Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập;

- Số hóa tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình, kết quả tốt nghiệp, ...

- Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa;

- Sử dụng các công nghệ và nền tảng số hóa nhằm nâng cao chất lượng việc dạy và học; thay đổi toàn diện công tác quản lý và điều hành ngành Giáo dục và đào tạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục thông minh với sự tham gia của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh và học sinh, hướng đến tích hợp với hệ sinh thái công dân điện tử của Tỉnh;

- 100% cơ sở giáo dục triển khai và ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra công tác chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

6. Danh mục đề án, chương trình

Có phụ lục đính kèm.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; kinh phí tự cân đối và huy động từ nguồn hợp pháp khác của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

2. Sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt; nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.

3. Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch theo các hình thức: thuê dịch vụ công nghệ thông tin; hợp tác công - tư; giao nhiệm vụ, đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế

Chỉ đạo các hoạt động về việc triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng cụ thể kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo trình Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, phê duyệt.

- Tham mưu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực hiện Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; làm đầu mối tổ chức việc đánh giá thực hiện chuyển đổi số hằng năm tại các đơn vị trực thuộc ngành.

- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về phân bổ nguồn vốn, bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp, hỗ trợ triển khai các nội dung trong Kế hoạch.

- Đảm bảo hạ tầng số để triển khai hiệu quả Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

- Gắn nội dung của ngành Giáo dục vào Đề án tổng thể công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Tăng cường tuyên truyền các nội dung và kết quả triển khai Chương trình chuyển đổi sổ của tỉnh, của các ngành.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn vốn ODA, NGOs và các nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách thường xuyên hằng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định.

6. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện Kế hoạch theo lĩnh vực phụ trách.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện kế hoạch hằng năm để bố trí ngân sách theo phân cấp, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

 

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối