Thị xã Hương Trà: Địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế
  
Nằm ở vị trí trung độ của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thị xã Hương Trà có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá. Thị xã Hương Trà được thành lập ngày 15 tháng 11 năm 2011 theo Nghị quyết số 99 của Chính phủ, hiện Hương Trà có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 07 phường và 08 xã; với diện tích tự nhiên là 517,1 ha và 117.308 nhân khẩu (theo niên giám thống kê Thừa Thiên Huế năm 2018). Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thị xã Hương Trà có 392,32 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 72.677 người; có 09 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 05 phường và 04 xã. Thị xã Hương Trà giáp các huyện A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế.
Thị xã Hương Trà nhìn từ trên cao
Thị xã Hương Trà nhìn từ trên cao

Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thị xã Hương Trà đã tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từng bước xây dựng thị xã hương trà phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo Nghị quyết 5454-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII).

Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thời gian qua, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, các ngành, lĩnh vực có bước phát triển. Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 (giá so sánh 2010) tăng 15,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng, tăng 1,38 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 7.250 tỷ đồng, tăng 1.980 tỷ đồng so giai đoạn 2011-2015.

Dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng được nâng lên, giá trị sản xuất tăng bình quân 18,2%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 19%/năm; giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu năm 2020 đạt 25 triệu USD, tăng 1,7 lần so năm 2015. Kết cấu hạ tầng thương mại được tăng cường; nhiều dự án kinh doanh dịch vụ mới có quy mô khá lớn đã đưa vào hoạt động; số cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh có bước phát triển khá nhanh. Hoạt động du lịch từng bước được mở rộng với nhiều hình thức. Chủ động lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch kết nối với các tuyến du lịch của tỉnh.

Các lĩnh vực dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, nhà ở… phát triển nhanh, đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thị xã.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng trưởng ổn định, đúng định hướng. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, khai thác được lợi thế so sánh. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 16,9%/năm.

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp đạt được nhiều kết quả. Cơ bản lấp đầy cụm công nghiệp Tứ Hạ cả 2 giai đoạn. Khu công nghiệp Tứ Hạ đã triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 quy mô 37ha.


Khu công nghiệp thị xã Hương Trà

Năng lực sản xuất các ngành công nghiệp được nâng lên; các doanh nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường. Các làng nghề tiếp tục được củng cố, phát triển. 

Nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện. Trong đó tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất bình quân 2,9%/năm; các ngành trồng trọt và lâm nghiệp có tốc độ tăng khá. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, cây ăn quả tập trung ở nhiều xã, phường. Chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa, áp dụng công nghệ gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm phát triển khá tốt. Lâm nghiệp phát triển ngày càng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhờ ứng dụng giống mới, kỹ thuật trồng, hình thức canh tác thâm canh. Duy trì độ che phủ rừng trên 60%...

Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 290 tỷ đồng, tăng bình quân 29,64%/năm. Chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, ưu tiên cho đầu tư phát triển.

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích hộ kinh doanh có tiềm lực chuyển sang thành lập doanh nghiệp. Các hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi đã dần thích nghi với cơ chế quản lý mới, đáp ứng phần lớn các dịch vụ cơ bản trong sản xuất nông - lâm nghiệp của người dân.

Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thị xã Hương Trà còn tập trung phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Trong đó đẩy mạnh công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu khu trung tâm thị xã các xã, phường. Hoàn thành quy hoạch chi tiết để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới Tứ Hạ - Hương Văn và dự án Tây Nam phường Tứ Hạ... Đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%. Tăng cường chỉnh trang, lập lại trật tự, mỹ quan đô thị; thực hiện đề án xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo mới, nổi bật là hạ tầng giao thông, các cơ sở giáo dục, trạm y tế, các thiết chế văn hóa - thể thao… Đến nay, có 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt 19/19 tiêu chí đang đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.


Nông thôn mới ở xã hương toàn, thị xã hương trà

Phát triển nhanh và bền vững

Trong giai đoạn 2020 - 2025, nhằm xây dựng thị xã Hương Trà phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thị xã Hương Trà tập trung, nỗ lực thực hiện 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (1. Tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2020 - 2025: 14-15%; 2. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025: 55 - 58 triệu đồng/năm; 3. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm: 8 - 10%; 4. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm: 13 - 15%; 5. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025: 90%; 6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 70 - 75%; giải quyết việc làm hằng năm: 1.600 - 1.800 lao động; lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bình quân: 120 - 150 người/năm; 7. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2025: còn 2 - 2,2%; 8. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 9. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt: > 95%; 10. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025: 100%; 11. Tỷ lệ che phủ rừng: duy trì 58-60%; 12. Bình quân hằng năm kết nạp: 80 - 100 đảng viên; 13. 80% trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là đảng viên; 40% thôn, tổ dân phố có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; 14. Có trên 80% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. và 4 chương trình) và 4 chương trình trọng điểm, gồm: 1.Chương trình phát triển dịch vụ, du lịch; 2. Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; 3. Chương trình phát triển hạ tầng đô thị; 4. Chương trình phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao.


Vùng quy hoạch trồng cây thanh trà ở thị xã Hương Trà

Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp tiếp tục được sắp xếp lại. Tiếp tục giữ vững và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và 15/15 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, có 48/62 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 77,4%. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được duy trì và có bước phát triển mới.

Mạng lưới y tế từ thị xã đến phường, xã được củng cố, nâng cấp; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 96%. Tăng cườngng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất và đời sống. Áp dụng rộng rãi các kết quả tiến bộ kỹ thuật cây trồng, vật nuôi vào sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, trường học, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường... Chú trọng việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm và xây dựng thương hiệu như: bún Vân Cù (Hương Toàn), thanh trà Lại Bằng (Hương Vân).

Ngoài ra,tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án “xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, phường văn minh đô thị”, phong trào xây dựng tuyến phố văn minh “xanh - sạch -sáng - đẹp”.

Để thực hiện được các nhiệm vụ, chỉ tiêu nêu trên, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thị xã Hương Trà sẽ đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, về phát huy các lợi thế, tiềm năng riêng có. Chủ động xây dựng các kế hoạch, kịch bản phát triển của thị xã trước tác động của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh. Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhất là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề cao trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành để đưa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, với phương châm “nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối