Trung tâm giáo dục giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao
  
Bên cạnh các thế mạnh về văn hóa, du lịch, y tế, Thừa Thiên Huế còn biết đến là một trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước.
Trụ sở Đại học Huế
Trụ sở Đại học Huế

Nói đến giáo dục - đào tạo của Thừa Thiên Huế thì đầu tiên phải kể đến là Đại học Huế. Tiền thân là Viện Đại học Huế, thành lập ngày 01/3/1957. Giai đoạn 1958 – 1968, Viện Đại học Huế đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng ở Châu Á. Sau 18 năm hoạt động, để phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của đất nước trong giai đoạn mới, ngày 4/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/CP thành lập Đại học Huế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Một lần nữa Đại học Huế được tổ chức lại theo hướng xây dựng một Đại học đa lĩnh vực – mô hình phổ biến của Đại học Thế giới.

Đến nay, hệ thống tổ chức của Đại học Huế gồm có 08 trường Đại học thành viên đó là: Sư phạm, Khoa học, Y Dược, Nông Lâm, Nghệ thuật, Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật; 01 Phân hiệu tại tỉnh Quảng trị; 02 Khoa trực thuộc (Du lịch, Giáo dục thể chất); 03 Viện nghiên cứu (Công nghệ sinh học, Tài nguyên và Môi trường, Nghiên cứu Giáo dục và Giao lưu quốc tế); 06 Trung tâm (Giáo dục thường xuyên, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục quốc tế, Công nghệ thông tin, Học liệu, Phục vụ sinh viên); Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học Đại học Huế.

Hiện Đại học Huế có 2.199 giảng viên; 350 nghiên cứu viên; 281 giáo sư, phó giáo sư; 290 giảng viên cao cấp; 786 tiến sĩ và 20 bác sĩ chuyên khoa 2; có 1.495 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I và 33 giáo sư danh dự cùng hàng trăm giáo sư, phó giáo sư thính giảng người nước ngoài.

Đại học Huế có 119 ngành đào tạo đại học, 84 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 31 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II, 32 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I và 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú, 17 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối tác nước ngoài ở Áo, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Trung Quốc.

Hơn 61 năm xây dựng và phát triển, gần 25 năm hoạt động theo mô hình Đại học vùng 2 cấp, vượt qua mọi khó khăn thử thách, Đại học Huế đã và đang phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, một phần tinh hoa của văn hóa Huế, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng. Có thể nói, trên mảnh đất miền Trung và Tây Nguyên, nơi nào cũng có dấu chân của thầy trò Đại học Huế, hầu hết các nhà khoa học và quản lý của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đều được đào tạo tại Đại học Huế. Những năm gần đây, Đại học Huế luôn được xếp hạng top 300 đại học hàng đầu Châu Á, đứng trong top 5 các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. 

Ngoài Đại học Huế trên địa bàn Thừa Thiên Huế còn có Trường Đại học Phú Xuân, Học viện Âm nhạc Huế, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia, Phân hiệu Trường Đại học Tài chính - Kế toán tại Huế và hệ thống các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một lợi thế rất lớn của Thừa Thiên Huế trong việc cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế có mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT rộng khắp trên địa bàn với các loại hình công lập, dân lập, tư thục, được phân bố theo điều kiện phù hợp với thành thị, nông thôn, miền núi và gắn với địa bàn dân cư. Trong đó trường phổ thông trung học chuyên Quốc Học - Huế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng thành một trong ba trường THPT trọng điểm chất lượng cao của cả nước.

Mạng lưới giáo dục thường xuyên với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật thực hành hướng nghiệp và Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đang hoạt động ở các xã/phường, thị trấn có hiệu quả, góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề cho người lao động, đào tạo tại chức...

Với những tiềm năng và lợi thế về giáo dục - đào tạo, cùng với thế mạnh về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020 xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á...

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối