Thành phố Huế sau 15 năm thực hiện Quy định về nếp sống văn minh đô thị (2009 - 2024)
  
Sau 15 năm thực hiện Quy định về nếp sống văn minh đô thị (2009 - 2024), thành phố Huế đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, đô thị Huế ngày càng khang trang, ý thức của người dân được nâng cao...
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại thành phố Huế được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại thành phố Huế được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng

Nếp sống văn minh đô thị là những quy tắc xử sự, các chuẩn mực đạo đức mang tính khuôn mẫu, hỗ trợ pháp luật điều chỉnh trực tiếp hành vi và cách ứng xử của người dân chốn đô thị. Nếp sống văn minh là kết tinh của nếp sống văn hóa, là thước đo về mặt nhận thức, ý thức của mỗi công dân đối với giữ gìn trật tự đô thị, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, bảo vệ cảnh quan môi trường và xây dựng lối sống văn minh, thân thiện.

Ngày 28 tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg về công nhận thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp đó, ngày 30 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Huế thành phố Festival.

Đây là những văn bản có giá trị về khung pháp lý, là cơ sở để định hướng xây dựng thành phố Huế phát triển theo hướng đô thị văn minh. Để góp phần đưa chủ trương của Trung ương vào thực hiện và để thực hiện bước chuyển trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ngày 18  tháng 12 năm 2008, tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân thành phố Huế khóa X đã thông qua đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Huế và xác định mục tiêu: (1) Phát  huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội đưa thành phố Huế xứng đáng với vị thế đô thị loại I, thành phố Festival của Việt Nam; (2) Tăng cường công tác giáo dục nâng cao ý thức của người dân thành phố Huế, tập trung xây dựng các hành vi ứng xử văn hoá- văn minh và phòng chống các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị; làm cho mỗi công dân có ý thức chấp hành luật pháp, tôn trọng quy định, quy ước của cộng đồng, ứng xử, giao tiếp có văn hóa trong từng gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, từng cơ quan, đơn vị, nơi học tập, làm việc và sinh hoạt công cộng.      

Để cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND Thành phố, ngày 14 tháng 3  năm 2009, UBND thành phố Huế đã ban hành Quyết định số 576/2009/QĐ-UBND về Quy định nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Huế với 5 Chương và 12 Điều, điều chỉnh trực tiếp các hành vi trên các lĩnh vực: (1) Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; (2) Bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị; (3) Nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, bài trừ tệ nạn xã hội và có tác dụng điều chỉnh với nhóm đối tượng là tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam (kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài) đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố Huế, người vãng lai và du khách.

Năm 2016, để tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong giai đoạn mới, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24 tháng 6 năm 2016 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Huế giai đoạn 2016-2020”. Tiếp đó, để đưa chủ trương của Thành ủy về nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn vào đời sống nhân dân, ngày 17/8/2016, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định 6113/2016/QĐ-UBND Quy định về đốt và rải vàng mã trên địa bàn thành phố Huế.

Sau hơn 15 năm kiên trì, bền bỉ triển khai thực hiện, nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố đã tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua việc thực hiện đã xuất nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong công tác dân vận về thực hiện nếp sống văn minh đô thị; nhiều phong trào, các cuộc vận động quần chúng ra đời đã nâng cao ý thức thị dân; nhiều gương điển hình tiên tiến được biểu dương và nhân rộng; bộ mặt đô thị Huế ngày càng ngăn nắp, khang trang, gọn gàng; ý thức chấp hành pháp luật và nghĩa vụ thực hiện Quy ước Khu dân cư văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên; tạo thế và lực để thành phố Huế thực hiện tốt các Chương trình trọng điểm về phát triển đô thị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cố đô, khơi dậy tinh thần thi đua thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị trong các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở.


Phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại thành phố Huế được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng

Trật tự đô thị, an toàn giao thông trở thành nếp sống thường nhật, mang tính tự giác cao trong cộng đồng dân cư. Để giữ gìn cho thành phố luôn ngăn nắp, gọn gàng, song song với việc phổ biến, quán triệt trong các cấp, các ngành và đưa Quy định nếp sống văn minh đô thị vào đời sống, Lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo các Phòng, ban, các đơn vị, Mặt trận Tổ quốc thành phố và chính quyền các phường, xã tăng cường vận động, đẩy mạnh tuyên truyền bộ quy định trên hệ thống thông tin cơ sở. Đồng thời, UBND thành phố đã triển khai các hoạt động ra quân chấn chỉnh trật tự xây dựng, cương quyết xử lý tình trạng lấn chiếm đất công cộng, xây dựng nhà trái phép, sai quy hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành để xử lý các trường hơp vi phạm. Tổ chức sắp xếp, bố trí các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè và lòng đường tại các tuyến đường đảm bảo hạ tầng và mật độ giao thông, góp phần ổn định tình hình trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố.

Qua triển khai thực hiện, nhiều phương án hiệu quả về trật tự đô thị, an toàn giao thông đã được hình thành và nhân rộng như phương án kẻ, vẽ 100% các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện về độ rộng, đảm bảo để phương tiện quay đầu ra ngoài theo đúng quy định, phương án đỗ xe ngày chẵn và ngày lẻ nhằm giảm áp lực cho các tuyến đường trung tâm đã mang lại hiệu quả rất cao, góp phần ổn tình tình hình trật ATGT tại các tuyến đường trong thời gian qua.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” nếu trước đây xuất hiện nhan nhản tại các điểm đen đón trả khách, gây bất bình trong dư luận và nhân dân thì nay đã được chính quyền thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Tình trạng “mái che, mái vẩy” dần dần được sắp xếp, chỉnh trang đảm bảo sự đồng bộ và mỹ quan đô thị. UBND Thành phố đã tổ chức đồng loạt các hoạt động ra quân lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè được người dân đồng tình ủng hộ cao, qua đó được nâng cao ý thức của người dân trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè trái phép để kinh doanh.

Chủ nhật xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo vệ cảnh quan đô thị trở thành cuộc vận động lớn, thu hút sự quan tâm, chủ động tham gia của người dân.

Qua 15 năm triển khai, trên địa bàn thành phố Huế đã xuất hiện nhiều phong trào về bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị như Đề án Ngày Chủ nhật xanh, Chủ nhật vì cộng đồng như: Phương thức đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định; phổ biến mức xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; mức giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố; “Nói không với sản phẩm ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 01 lần”; Tuyến phố không rác; phong trào dân vận khéo; mô hình chi hội Phụ nữ “5 không - 3 sạch”; mô hình chiếu sáng ng xóm; mô hình đốt vàng mã trong thùng; phong trào bảo vệ môi trường; mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông; mô hình nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hưởng ứng phong trào Ngày chủ nhật Xanh,...

Những cuộc vận động và phong trào mang tính quần chúng được hình thành, lan tỏa và trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong hệ thống chính trị từ thành phố đến khu dân cư, thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân. Đây cũng là điểm sáng về xây dựng ý thức thị dân, là điểm giao thoa giữa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tinh thần tự giác, tự thực hiện của người dân, cũng là minh chứng cho sự đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố đối với quốc kế dân sinh, giải quyết bức xúc của người dân về xây dựng thành phố Huế ngày càng xanh – sạch – sáng, có nếp sống văn minh đô thị.

Nếp sống văn minh trong ứng xử, việc cưới, việc tang và lễ hội

Chuyển mình từ đô thị có nếp sống nông thôn sang đô thị, trước thời điểm thành phố Huế ban hành Quy định về nếp sống văn minh đô thị, vẫn còn đó những tàn dư lối sống lạc hậu, không bắt kịp xu hướng văn minh, kể cả trong cách cư xử, ứng xử. Quy định nếp sống văn minh đô thị đã tạo nên “hành lang nhận thức” đầy đặn, hỗ trợ pháp luật kịp thời điều chỉnh những lĩnh vực mà pháp luật chưa điều chỉnh hoặc điều chỉnh thiếu hiệu quả.

Trong việc cưới, những hủ tục thách cưới, mâm cổ xa xỉ đã dần nhường chỗ cho các thủ tục văn minh hơn như báo hỷ thay cho mời tiệc, tiệc cưới gọn nhẹ, đơn giản, tránh lãng phí.

Trong việc tang, đám tang dài ngày đã nhường chỗ cho đám tang không quá 3 ngày. Các nghi thức cúng, quẩy linh đình, tốn kèm đã được hạn chế, tình trạng đốt vàng mã tràn lan, trài vàng mã vô tội vạ trên đường đưa tang đã dần chấm dứt. Nếp sống văn minh đã tác động tích cực, toàn diện đến các hủ tục, tập quán vốn được xem là ăn sâu, bén rễ và khó “cải tạo”.

Trong thực hiện nếp sống văn minh về lễ hội, những lễ hội cũ không còn phù hợp với nhịp sống thị thành đã được hạn chế, những phong tục tốt đẹp được khôi phục và nhân rộng.  

Xây dựng nếp sống văn minh đô thị Huế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy và UBND Thành phố. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị được tiếp tục phát huy và nhân rộng. Nhiều danh hiệu về nếp sống văn minh đô thị được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và gắn liền với công tác gìn giữ, phát huy danh hiệu như “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, Chợ văn minh thương mại; “Tuyến phố văn minh đô thị”... Thông qua các hạt nhân về nếp sống văn minh đô thị, Thành phố vinh dự được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia” và các danh hiệu vinh dự cao quý khác.

Trong thời gian tới, thành phố Huế hiện hữu sẽ chia thành 2 Quận: Thuận Hóa và Phú Xuân khi toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 01/01/2025 theo Nghị quyết số 175 ngày 30/11/2024 của Quốc Hội, nếp sống văn minh đô thị sẽ tiếp tục được phát triển lên một mức độ mới. Chúng ta nhìn nhận sự việc trên ở khía cạnh tích cực để chung sức, đồng lòng xây dựng con người Huế chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thật sự là tấm gương kiểu mẫu về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, bảo vệ trật tự đô thị. Nếp sống văn minh đô thị sẽ là động lực để Huế tiến xa hơn, phát triển hơn trên hành trình Huế luôn luôn mới.

www.thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]