Thành phố Huế: Ưu tiên nguồn lực cho các thiết chế văn hóa
  
Với vai trò là đô thị động lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn đến năm 2030 nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn...
Thi đấu võ thuật tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế - cơ sở 150 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc
Thi đấu võ thuật tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế - cơ sở 150 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc

Phát huy lợi thế

Là một trong những địa phương có hệ thống nhà văn hóa (VH) rộng khắp trải đều ở các tổ dân phố (TDP) với 6 nhà VH/7 TDP, thời gian qua các nhà VH trên địa bàn phường Thủy Biều (thành phố Huế) phát huy tác dụng, đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi giải trí cũng như tránh, trú bão lũ của người dân trên địa bàn. Theo Chủ tịch UBND phường Thủy Biều - Võ Đăng Thái, phường đã huy động nguồn lực, đặc biệt từ nguồn vốn đổi đất lấy hạ tầng để đầu tư xây mới và nâng cấp các nhà VH. Cùng với đó, phường thường xuyên phát động các phong trào, hoạt động nhằm kêu gọi người dân tham gia làm sạch, đẹp các nhà VH, như: Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức các điểm xanh VH…

Tại phường Hương Sơ, cùng với các thiết chế VH cơ sở hiện có, đến nay phường đã huy động nguồn lực xây mới và cải tạo, nâng cấp 10 nhà VH trên tổng số 13 TDP, trong đó ngân sách xây mới mỗi nhà chiếm 2 - 4 tỷ đồng, đây được xem là một trong những địa phương có số lượng nhà VH nhiều trên địa bàn thành phố. Địa bàn thành phố Huế hiện có 26 địa phương có trung tâm VH, nhà VH, nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn, TDP với trên 200 cơ sở, trong đó nhiều công trình nhà VH được xây dựng mới và đi vào hoạt động tương đối hiệu quả, như: Hương Sơ, Phú Hội, Phước Vĩnh, Đông Ba…; một số cơ sở được tận dụng từ các trụ sở, trường học cũ nên hiện trạng công trình xuống cấp, hư hỏng và gần 50 sân tập, điểm tập, sân bóng của các TDP đang hoạt động.

Thời gian qua, các hoạt động phổ biến được diễn ra tại các trung tâm VH, nhà VH TDP là hoạt động mang tính định kỳ, như: Hội họp của các hội, đoàn thể, chi bộ TDP định kỳ mỗi tháng 1-2 lần; tuyên truyền vào các dịp lễ, tết, bầu cử… và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như câu lạc bộ người cao tuổi, thể dục dưỡng sinh, cờ tướng, bóng bàn được thành lập và sinh hoạt thường kỳ tại một số nhà VH các địa phương. Trong đó, người dân ở nhiều thôn, TDP đã quan tâm đến đời sống tinh thần và hoạt động văn hóa tại địa phương; ý thức xây dựng hoạt động và giữ gìn cơ sở vật chất nhà VH ngày càng được quan tâm.

Theo Lãnh đạo UBND thành phố Huế, hiện một số nhà VH ở các TDP đã phối hợp với các cơ sở thể dục thể thao hoạt động một số môn thể dục thể thao nhằm tạo nguồn thu để phục vụ cho nhà VH như điện, nước, vệ sinh môi trường; đồng thời, tạo nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cho các nhà VH sau này. Các sân tập, điểm tập, sân bóng tại thôn, TDP được các địa phương bố trí các dụng cụ, thiết bị tập luyện nên đã thu hút nhiều người dân tham gia tập luyện, góp phần phát huy giá trị tại các nhà VH, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Tăng nguồn lực đầu tư

Bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay cơ sở vật chất của thiết chế VH, thể thao các cấp trên địa bàn thành phố Huế xuống cấp do thời gian xây dựng quá lâu, đặc biệt là các cơ sở giáo dục được tận dụng để chuyển đổi chức năng. Mặt khác, định mức về chế độ phụ cấp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực VH, nghệ thuật, thể dục thể thao quá thấp không phù hợp so với tình hình hiện nay đã gây khó khăn cho đơn vị khi áp dụng chi thực tế các hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh, hiện nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển thiết chế VH thể thao còn thấp; trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, sân bãi tập luyện thể dục, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng cao của Nhân dân. Bên cạnh đó, chất lượng các thiết chế VH thể thao cơ sở nhanh chóng bị xuống cấp do thiếu các hoạt động thường xuyên và không có nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Cơ sở vật chất, sân bãi, phương tiện phục vụ tập luyện vẫn còn hạn chế; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn thiếu và làm việc kiêm nhiệm; đầu tư Nhà nước và huy động các nguồn lực từ cộng đồng cho hoạt động thể dục, thể thao vẫn còn hạn chế.

Việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các thiết chế thể thao ở cơ sở chưa được quan tâm, thủ tục đầu tư khó khăn, việc tổ chức khai thác các dịch vụ thể thao chưa cao. Thành phố kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động dịch vụ tổ chức vui chơi nói chung và cho thiếu nhi nói riêng, để các địa phương có các khu vui chơi khang trang, an toàn, hiện đại và có mức giá vé vui chơi vừa phải, phục vụ cho đông đảo thiếu nhi có cơ hội được vui chơi, giải trí theo nhu cầu và quyền trẻ em.

www.thuathienhue.gov.vn (CTV)
 Bản in]