Đối với đồng bào dân tộc, nói đến trang phục là trước tiên nói đến các chủng loại thổ cẩm được dệt theo phương pháp thủ công truyền thống và dệt thổ cẩm trở thành hoạt động không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của họ. Trong số hơn 54 dân tộc ít người ở Việt Nam, người K’ho và người Châu Mạ là hai trong số ít tộc người vẫn còn bảo lưu được nhiều nét độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tại Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 02/5/2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho và người Châu Mạ lần đầu tiên được giới thiệu và tôn vinh.
Chỉ bằng những bộ khung dệt làm bằng thanh gỗ, thanh tre hay những ống lồ ô, người K’ho, Châu Mạ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy, túi xách, những đồ dùng trang trí… Những người phụ nữ nơi đây là những kỹ thuật viên điêu luyện trong lĩnh vực tạo sắc màu nhuộm chỉ và dùng chủ yếu các nguyên vật liệu sẵn có tại nơi mình cư trú. Bằng các loại vỏ, quả, lá và củ cây rừng, họ có thể pha chế ra các màu trên vải dệt truyền thống như đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh… Bàn tay tài hoa của họ kết hợp với một số bí quyết tích lũy tự bao đời đã tạo ra những cuộn chỉ dệt chất lượng cao, màu không lây sang quần áo khác cùng giặt, trải qua đôi mươi mùa rẫy mà thổ cẩm vẫn giữ được sắc màu nguyên thủy. Thông qua tấm vải dệt, người phụ nữ K’ho, Châu Mạ đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận thế giới tự nhiên vào từng sản phẩm thổ cẩm. Nói như nhà thiết kế Minh Hạnh, họ diễn đạt cuộc sống qua những hình ảnh rất đơn giản, chân phương nhưng đầy đủ sức mạnh vốn có. Bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của thổ cẩm của đồng bào K’ho, Châu Mạ, nhà thiết kế Minh Hạnh đã sử dụng chất liệu truyền thống này trong BST của cô để diễn đạt vẻ đẹp của mảnh đất Nam Tây Nguyên trong chương trình trình diễn thời trang “Lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Lâm Đồng” nhân kỷ niệm “Đà Lạt - 125 năm hình thành và phát triển”.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc K’ho, Châu Mạ sẽ được giới thiệu tại Không gian Lụa và Thổ cẩm tại địa chỉ số 15 Lê Lợi (Trung tâm Văn hóa Phương Nam cũ) trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII. Ngoài thổ cẩm, Không gian này sẽ tập trung trưng bày sản phẩm từ những làng lụa nổi tiếng trong cả nước như Lụa Thái Nam Nha Xá, Lụa Vạn Phúc, Đũi Nam Cao, Lụa Bảo Lộc, Vietnam Silk House...
Hy vọng rằng, qua Festival nghề truyền thống Huế, vẻ đẹp của nghề dệt thổ cẩm của người K’ho, người Châu Mạ sẽ được lưu giữ và tìm được hướng phát triển trong tương lai