Add Content...

Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế
  

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số 48-KL/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT Nam

 

 

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2009

 

 

 

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế

___________________

 

Thực hiện Chương trình công tác năm 2009, ngày 15-5-2009, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tình hình sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Thừa Thlên Huế và một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo và ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

1- Vị trí của Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã lập nên những chiến công hiển hách, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trao tặng tám chữ vàng "Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường". Đây cũng là nơi Bác Hồ và gia đình Bác đã từng sinh sống, học tập.

Với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,2 triệu người, Thừa Thiên Huế có thành phố Huế - Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival và theo quy hoạch, Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mắt đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

2- Về kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế

2.1- Trong những năm qua, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển tương đối nhanh và khá toàn diện trong những năm gần đây.

Kinh tế tăng trưởng ở mức cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng và tích cực. Tổ chức thực hiện có kết quả các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Thu hút đầu tư nước ngoài, giá trị, sản xuất hàng hóa các ngành dịch vụ , công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm và các chính sách hỗ trợ người nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao đông, giải quyết nhà ở cho dân nghèo ở thành phố và nông thôn, nhất là nhà ở của nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt được triển khai tích cực, đồng bộ.

Các thiết chế văn hóa - thể thao - du lịch từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Thành công của các kỳ Festival đã góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam và bản sắc văn hóa Huế, mở ra triển vọng phát triển mới cho ngành văn hóa, du lịch, dịch vụ.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp và đại học tăng cả về số lương và chất lượng. Đai học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lương cao. Trung tâm Y tế chuyên sâu của miền Trung mà hạt nhân là Bênh viện Trung ương Huế đã phát triển theo hướng chuyên sâu, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong khu vực.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước; quan hệ giữa Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ hơn; nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất; niềm tin, uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân ngày càng được nâng cao.

Bộ Chính trị ghi nhận và biểu dương những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phấn tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

2.2- Bên cạnh những tiến bộ đạt được, Thừa Thiên Huế còn một số hạn chế cần phải khắc phục:

- Kết quả phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh, nhất là du lịch, dịch vụ và kinh tế biển. Thiên tai và dịch bệnh luôn là nguy cơ tiềm ẩn làm suy yếu nền kinh tế của tỉnh. Sự phân bố lực lượng sản xuất chưa tạo thành động lực để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân, nhất là vùng núi, vùng sâu chưa thật ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

- Lực lương sản xuất phát triển chậm; quy mô còn nhỏ, công nghệ sản xuất chưa cao: ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất còn ít; sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường chưa nhiều; giá trị kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Thu ngân sách hằng năm tăng cao nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chi.

- Chưa có nhiều giải pháp giải quyết có hiệu quá về một số vấn đề xã hội bức xúc trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; công tác tái định cư dân vạn đò, dân sống ở vùng đầm phá còn chậm.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ chưa theo kịp tình hình và yêu cầu của hội nhập và phát triển.

- Quốc phòng, an ninh còn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định.

Những tồn tại, yếu kém trên đây do những nguyên nhân chính là:

- Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; hậu quả chiến tranh để lại nặng nề; địa hình bị chia cắt; khí hậu, thời tiết không thuận lợi; thiên tai, dịch bệnh nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Công tác quy hoạch, đầu tư cho phát triển, nhất là quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị Huế chưa được địa phương và các ngành Trung ương quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; thiếu tính chiến lược cho các ngành kinh tế mũi nhọn; chưa khai thác tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa sâu sát tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020

3.1- Bộ Chính trị tán thành phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn đinh, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

3.2- Để thực hiện phương hướng trên. Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

- Gắn xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, thông qua hành lang kinh tế đông - tây, trục Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

- Làm tốt công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, theo hướng thành phố dịch vụ, du lịch văn minh, hiện đại. Phối hợp với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh đô thị hóa cụm đô thị động lực số 2: Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam - Điện Ngọc - Hội An. Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả; chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

- Chú trọng phát triển nhanh các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh như du lịch, công nghệ thông tin, kinh tế biển và đấm phá Tam Giang. Đầu tư phát triển mạnh cho du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Huế là trung tâm du lịch của miền Trung và cả nước. Phát triển nhanh các dịch vụ mà Thừa Thiên Huế có thế mạnh, như dịch vụ về y tế, văn hóa, giáo dục, vận tải, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm...

- Tập trung cao hơn nguồn lực địa phương và Trung ương đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông nhằm tạo môi trường thuận lợi để khai thác tối đa nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Đồng thời, thường xuyên chăm lo đến công tác xóa đói, giảm nghèo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở hai huyên miền núi A Lưới và Nam Đông.

- Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế. Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; cùng với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hình thành tuyến du lịch tổng hợp Phong Nha - Kẻ Bàng, Huế - Đà Nẵng, Hội An - Mỹ Sơn.

- Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh tôn giáo, an ninh chính trị. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội

- Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị: chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện tốt cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguồn nhân lực khi chuyển tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.

4- Về các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Bộ Chính trị nhận thấy các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về cơ bản là hợp lý. Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

4.1- Đồng ý về chủ trương đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới. Tỉnh cần xây dựng đề án tổng thể; chỉ đao rà soát, bổ sung các quy hoạch hiện có để triển khai thực hiện, với bước đi và quy trình chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến đô hình thành cụm đô thị động lực: Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền và 9 đô thị mới gồm: đô thị loại III Chân Mây - Lăng Cô và các đô thị loại V: Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thủy Tân, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân; trong đó thành phố Huế là đô thị trung tâm, đô thi hạt nhân làm nòng cốt thúc đẩy việc đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

4.2- Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố Huế, Bộ Chính trị đồng ý để thành phố Huế được hưởng một số cơ chế và chính sách đặc thù theo hướng: Cùng với việc được áp dụng cơ chế tài chính, đầu tư cho đô thị loại I, cần ưu tiên theo chương trình đầu tư có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, từ nguồn hỗ trợ chính thức ODA... cho các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm của thành phố.

4.3- Phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế và cả nước. Bộ Chính trị đồng ý với chủ trương ưu tiên vốn (từ nguồn trái phiếu hoặc nguồn vốn đặc biệt từ chương trình hỗ trợ có mục tiêu của quốc gia) để tập trung tôn tạo di tích. Trước mắt, từ nay đến năm 2012, ưu tiên vốn để trùng tu khu vực Đại nội và giải tỏa dân cư lấn chiếm trên Kinh thành. Sau năm 2012 sẽ tiếp tục đầu tư để đẩy nhanh, hoàn thành dứt điểm việc tôn tạo, trùng tu Cố đô Huế nhằm tạo bước đột phá cho phát triển dịch vụ, du lịch.

4.4- Đại học Huế với bề dày lịch sử trên 50 năm, để phục vụ đào tao nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền Trung và cả nước, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương chuyển Đại học Huế lên Đại học Quốc gia vào năm 2015 (theo quy hoạch của Chính phủ) hoặc có thể sớm hơn nếu điều kiện cho phép nhằm tiếp tục phát huy truyền thống và lợi thế của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục đại học cả nước.

4.5- Về đầu tư hạ tầng, trên cơ sở những chủ trương đã có, sớm chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Huế - Đà Nẵng, 2 nhánh của đường Hồ Chí Minh (74 và 71); phê duyệt phương án liên doanh đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Phú Bài và ưu tiên bố trí nguồn vốn trái phiếu chính phủ để xây dựng cầu qua sông Hương trong năm 2009.

4.6- Sớm phê duyệt Đề án kinh tế tổng hợp Vùng kinh tế Tam Giang - Cầu Hai để phát triển kinh tế tổng hợp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và có phương án phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, chống nước biển dâng cao theo chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia.

 

Bộ Chính trị tin tưởng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng, phấn đấu đạt nhiều thành tựu hơn nữa để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy tốt hơn vai trò, vị trí của trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, chủ động hội nhập quốc tế, cùng cả nước vững bước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo tiền đề cho sự phát triển những năm tiếp theo.

 

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ

TỔNG BÍ THƯ

 

 

 

(Đã ký)

 

 

Nông Đức Mạnh

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối