Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 (Nghị quyết 54), một thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam sẽ được hình thành với những đặc trưng riêng, trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của Cố đô di sản. Thừa Thiên Huế hứa hẹn sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với bộ tiêu chí riêng, song tiến trình hiện thực hóa “Giấc mơ Huế” chắc hẳn sẽ gặp không ít thách thức…
Kinh thành nhìn từ trên cao
Mài giũa viên ngọc bị khuất lấp
Trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam, Huế là một hiện tượng đặc biệt, Cố đô cuối cùng vẫn bảo lưu được gần như nguyên vẹn. Không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Năm 1981, khi đến khảo sát Cố đô Huế, ông Amadou Matar M’Blow, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ nhận định, Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị…, Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động…”. Điều đó chứng minh Huế đã được nhìn nhận là một Thành phố di sản nên một số ý kiến cho rằng, xây dựng danh xưng “Thành phố di sản” cho Huế có thể trở nên… dư thừa?!
“Ý kiến ấy không phải không có lý, nhưng…”, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa bắt đầu câu chuyện. Ông bảo, một thời nhiều người ví Hà Nội là trung tâm chính trị, Sài Gòn là trung tâm kinh tế, còn Huế là trung tâm văn hóa của Việt Nam. Sự chuyển động của thời cuộc khiến Huế không phát huy thế mạnh khi có cả kho tàng tài nguyên về văn hóa lẫn di sản. “Huế cứ ì ạch vì những giá trị bị khuất lấp. Vấn đề đặt ra phải nhìn nhận lại giá trị và tài nguyên văn hóa của Huế, để viên ngọc sáng bị che lấp bị lớp bụi hờ hững, lớp bụi thời gian được lộ rõ. Lau sáng viên ngọc nghĩa phải xác định là thành phố di sản để có sự thừa nhận và trả lại vị thế vốn có của Huế”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.
Thực tế, trên thế giới, nhiều Cố đô cũng có số phận nghiệt ngã, có nơi từng là trung tâm lớn của văn minh nhân loại nhưng lại mất vị thế. Ở Huế, những “lỗ hổng” trong công tác bảo tồn di sản khiến nhiều địa điểm mất đi giá trị đích thực. “Huế là Cố đô bị đánh đổi bởi lịch sử. Giai đoạn sau chiến tranh Huế không có chiến lược phát triển cụ thể. Một thời di sản bị rẻ rúng, người dân bị kìm hãm năng lực. Do vậy, cần đánh thức di sản”, ông Hoa nhìn nhận.
Trong tiến trình xây dựng đô thị theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, công tác bảo tồn cần tạo ra sự hòa quyện giữa cái mới và những “hồi ức”. “Một thành phố giống như một cơ thể sống, luôn thay đổi từng ngày, từng giờ để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Thừa Thiên Huế cũng vậy, không nên “bảo tàng hóa” Huế một cách cực đoan hay “hóa thạch” những giá trị vốn có mà cần chú ý đến nhu cầu phát triển hiện đại hóa, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng đô thị. Một đô thị hiện đại, văn minh, đẳng cấp thì phải ứng xử tôn trọng các giá trị di sản văn hóa. Do vậy, Thừa Thiên Huế phải đặc biệt quan tâm đến bảo tồn kiến trúc và cảnh quan đô thị di sản. Xây dựng thành phố di sản cấp quốc gia là con đường phù hợp”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Sông Hương - dòng sông di sản chảy vào lòng TP. Huế
Khẳng định vị thế bằng văn hóa & di sản
Với Huế, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, môi trường cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa Huế là một trong những hạt nhân quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp, chưa kể đến những di sản thiên nhiên đặc sắc. Bảo tồn di sản văn hóa phải gắn và phục vụ các mục tiêu bền vững, đồng thời tạo lập sự hài hòa và “cân bằng động” giữa bảo tồn di sản đô thị Huế và phát triển du lịch. “Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi để khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Do đó, cần nhận diện rõ giá trị các đối tượng thuộc khu di sản Cố đô Huế cần được bảo tồn và phát huy phục vụ phát triển bền vững. Về mặt kinh tế, với Huế bảo tồn bền vững di sản văn hóa sẽ tạo ra nguồn thu lớn về du lịch. Do vậy, tỉnh cần tạo lập các cơ chế quản lý hiệu quả làm cho các yếu tố nguyên gốc cấu thành khu di sản thế giới - Quần thể Di tích Cố đô Huế thấm sâu vào các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người”, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói.
Trong cơ cấu các ngành kinh tế của Thừa Thiên Huế, dịch vụ du lịch luôn đóng vai trò mũi nhọn, dựa trên nền tảng hệ thống di sản không nơi nào có được. Năm 2019, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ so với GRDP của cả tỉnh. Trong đó, Khu di sản Huế đạt doanh thu bán vé tham quan 387 tỷ đồng với lượng du khách đạt hơn 3,5 triệu lượt, cao hơn năm 2018, góp phần rất lớn vào doanh thu ngành du lịch Huế nói chung. Điều đó chứng minh, giá trị của di sản quyết định sự thành bại của tỉnh nhà, song những “con số” ấy vẫn quá khiêm tốn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, lâu nay tỉnh mới khai thác nguồn tài nguyên về di tích, song Cố đô Huế là di sản có giá trị gấp nhiều lần so với di tích. Phát triển di sản mới phát triển hết giá trị. “Cần tạo ra cái mới từ di sản, chứ không nên chú ý quá nhiều đến di tích. Việc không phát huy hết giá trị di sản Huế trong nhiều năm qua bởi bộ máy lãnh đạo chưa có tư duy hội nhập, chưa tìm ra được cái mới. Thu nhập chủ yếu của tỉnh là từ du lịch bởi các ngành khác mang về doanh thu quá yếu. Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao với nền tảng về văn hóa và di sản đồ sộ như thế, song việc khai thác lại kém xa các tỉnh thành khác có nguồn tài nguyên nghèo nàn. Huế không đủ hấp dẫn níu kéo du khách lưu trú vì chúng ta không tạo ra sản phẩm mới, cứ “ăn” mãi trên các giá trị cũ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu quan điểm.
Di sản và văn hóa là giá trị cốt lõi của Huế, nhưng tạo ra hướng đi mới, vững chắc trên nền tảng này cần có chiến lược và sự định hình rõ ràng. PGS.TS. Đặng Văn Bài góp ý: “Về mặt kinh tế, bảo tồn bền vững di sản có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho Huế, đồng thời kích thích sự tăng trưởng nguồn thu cho GRDP của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng. Huế cần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng. Thông qua các hình thức du lịch cộng đồng, mang lại sinh kế lâu dài và lợi ích vật chất cho cộng đồng cư dân xung quanh di sản văn hóa. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo ra nguồn lực vật chất đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản văn hóa…”.
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế về một số vấn đề quan trọng, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Huế là địa phương không những phát triển kinh tế ổn định mà văn hóa còn được giữ gìn, nhất là các di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được trùng tu, tôn tạo và quan tâm đặc biệt - đây là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh trên lĩnh vực du lịch.
Báo THừa Thiên Huế