Nam Đông là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế cách thành phố Huế khoảng 50 km về phía Tây Nam, được tái lập vào tháng 10 năm 1990 với tổng diện tự nhiên 647,78 km2, chiếm 12,87% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa hình rừng núi có nhiều hang động, bị chia cắt bởi hệ thống núi non và khe suối, do vậy vùng miền núi Nam Đông có một vị trí chiến lược rất quan trọng, nơi đây là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Toàn huyện có 9 xã và 01 thị trấn; trong đó có 06 xã là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Cơ tu và một số ít các dân tộc khác như Tà ôi, Pa cô, Pa hy, Vân kiều... sống tập trung tại các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Nhật, Hương Sơn, Thượng Lộ và Hương Phú. Dân số toàn huyện là 27.480 người, mật độ dân số là 42 người/km2 (theo niên giám thống kế Thừa Thiên Huế năm 2018). Địa bàn huyện là một thung lũng phía Đông dãy Trường Sơn, có chiều dài 37km, nơi rộng nhất là 27km, hẹp nhất là 14km. Phía Tây giáp huyện A Lưới, phía Đông giáp huyện Phú Lộc, phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy.
Huyện Nam Đông có vị trí địa kinh tế khá thuận lợi, tiếp giáp với quốc lộ 1A và nằm trên tuyến đường cao tốc từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Túy Loan (thành phố Đà Nẵng). Xét về vị trí địa lý, huyện có một số thuận lợi nhất định trong giao lưu kinh tế với các thành phố lớn ở vùng Duyên hải miền Trung.
Nam Đông là huyện có những tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch như: các thác nước đẹp thác Phướn, thác Mơ, thác Trượt (xã Hương Phú), lễ hội truyền thống (lễ hội đâm trâu) và di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc (nhà Gươl của dân tộc Cà Tu), di tích lịch sử kháng chiến (căn cứ địa của Tỉnh uỷ Thừa Thiên).
Đập tràn (Ảnh: Dulichnamdong.comv.vn)
Trên địa bàn huyện Nam Đông có một số loại khoáng sản phi kim loại gồm: đá vôi, đá granit, đá pirit... với trữ lượng tương đối lớn. Trữ lượng đá vôi vào khoảng 500 triệu m3 và nằm ở vị trí thuận lợi (gần đường giao thông) cho việc phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và sản xuất đá xây dựng.
Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, những năm gần đây, Nam Đông có kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư kiến cố và từng bước theo hướng đồng bộ; các ngành, lĩnh vực đều phát triển, các dự án lớn được khởi động; văn hoá, xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, giảm hộ nghèo, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc; quốc phòng, an ninh được giữ vững...
Tính đến hết năm 2018, huyện Nam Đông có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện huyện đang tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, từng bước đầu tư các công trình thiết yếu, chỉ đạo nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, cải thiện vệ sinh môi trường. Nhờ đó, nhận thức cán bộ và nhân dân ngày càng nâng lên trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; số lượng, chất lượng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được nâng lên, một số chỉ tiêu về xây dựng NTM của các xã được nâng lên.
Mặc dù là huyện miền núi, nhưng hiện nay, diện mạo đô thị Nam Đông đã thay đổi, đặc biệt thị trấn Khe Tre ngày càng đô hội với sự tập trung dân cư, hệ thống hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, bưu chính viễn thông, nước sạch và các công trình công cộng, thiết chế văn hóa xã hội... được xây dựng khang trang, tạo cho thị trấn dáng vẻ bề thế, hiện đại.
Bên cạnh đó, đời sống văn hóa, chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo được chăm lo đúng mức. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng theo hướng hiện đại, kết hợp bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người, đảm bảo các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân; hệ thống trường lớp các cấp học từ giáo dục mầm non đến THPT hoàn chỉnh, đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp luôn đạt cao. Nam Đông là huyện đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Đông đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng Nam Đông trở thành huyện có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng hoàn thiện, liên thông với hệ thống hạ tầng của tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước; đời sống vật chất và chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội cải thiện, nâng cao, bản sắc các dân tộc được bảo tồn và phát triển; an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cảnh quan môi trường được giữ vững. Phấn đấu xây dựng, phát triển Nam Đông đến năm 2020 trở thành huyện có trình độ phát triển ở mức độ trung bình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về định hướng phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông tại Nam Đông đã được xác định là sẽ nâng cấp, mở rộng đường tỉnh lộ 14B La Sơn - Nam Đông, thúc đẩy xây dựng đường 74 Nam Đông – A Lưới. Triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan. Tiếp tục nâng cấp, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường giao thông tại trung tâm huyện lỵ, giao thông liên xã, liên thôn; từng bước đầu tư đường vào các vùng sản xuất tập trung.
Về định hướng phát triển không gian kinh tế, sẽ hình thành vùng trung tâm huyện lỵ với tổng diện tích 311,24 km2(chiếm 47,8% diện tích toàn huyện), gồm thị trấn Khe Tre và 5 xã: Hương Phú, Hương Lộc, Hương Hoà, Thượng Lộ, Hương Sơn. Chỉnh trang bộ mặt đô thị và chuẩn bị điều chỉnh qui hoạch thị trấn Khe Tre theo hướng mở rộng để trở thành đô thị loại IV gắn với Kết luận 48 KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại huyện lỵ và trung tâm xã theo hướng đồng bộ, kiên cố nâng cấp hệ thống giao thông, vỉa hè, điện đường, cây xanh, mở rộng hệ thống cấp nước sạch, thoát nước. Đặt tên các tuyến đường thị trấn Khe Tre. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường tại thị trấn và trung tâm các xã.
Phát triển trung tâm dịch vụ của huyện với các ngành dịch vụ thương mại, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ công, chuyển giao công nghệ, du lịch - nghỉ dưỡng... Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực may mặc, đồ gỗ gia dụng, chế biến mủ cao su, lâm sản, nông sản, sửa chữa cơ khí nhỏ, chổi đót, mây tre đan. Điểm nhấn là cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hương Hòa. Về Nông nghiệp, tập trung phát triển kinh tế vườn là chủ lực gồm nhóm cây trồng chính là cam, chuối, cau sản xuất lương thực: Lúa nước và ngô cây công nghiệp: cao su chăn nuôi gia đình với quy mô vừa và nhỏ.