Chiều 25/4/2013, UBND thành phố đã tổ chức buổi họp báo Festival nghề truyền thống Huế 2013 Tinh hoa nghề Việt nhằm giới thiệu mục đích, ý nghĩa và những nét mới, điểm nhấn của kỳ Festival chuyên đề năm nay.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng cho một lễ hội hoành tráng tôn vinh ngành nghề truyền thống diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 1/5. Cơ sở vật chất phục vụ cho lễ hội đang được triển khai khẩn trương, các sân khẩu biểu diễn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng, 20 ngôi nhà rường được dựng lên tại công viên Tứ Tượng, công viên Thương Bạc, công viên 3/2, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu,... sẽ là những điểm trưng bày, triển lãm độc đáo để tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề. Về công tác truyên truyền, quảng bá, Ban tổ chức đã cho phát hành rộng rãi các poster, brochure trong toàn tỉnh và các thành phố lớn, nhất là tại các thành phố có nghệ nhân tham dự Festival. Ngoài ra, thông tin về Festival cũng được phủ sóng tương đối rộng trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương.
Năm nay là lần thứ 5 thành phố Huế tổ chức Festival nghề truyền thống nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nghề truyền thống và làng nghề gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, tại Festival nghề truyền thống lần này, ngoài sự tham gia của 250 nghệ nhân, gần 20 làng nghề chủ nhà Huế và 12 làng nghề nổi tiếng trên cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Nam..., lần đầu tiên còn có sự tham gia của đối tác nước ngoài đến từ Pháp và Nhật Bản.
Bên cạnh những chương trình nghệ thuật, không gian tôn vinh nghề truyền thống Việt như gốm, mộc, thêu, đan lát, sơn mài, đúc đồng, thếp vàng, pháp lam, dệt Zèng, kim hoàn,... sẽ là những chương trình đặc sắc, độc tôn của hai đoàn nước ngoài như Lễ hội quốc tế dệt may Métamorphoses (Hóa thân) do thành phố Clermont Ferrand, bảo tàng Bargoin, hiệp hội HS-Projets và các tổ chức khác tại Pháp phối hợp tổ chức hội tụ 80 mẫu dệt may độc đáo từ cổ xưa đến hiện đại của cả năm châu lục, trình diễn "Tạo hình từ tre" của nghệ sĩ Nhật Ueno Masao do nghệ nhân làng nghề đan lát mây tre Bao La thực hiện, trưng bày giới thiệu một số hình ảnh về người dân thành phố Saijo (Nhật Bản) gồm trang phục truyền thống của người dân Saijo và ẩm thực Nhật Bản,...
Ngoài ra còn có một số chương trình điểm nhấn ấn tượng như Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam tại công viên Thương Bạc; Biểu diễn các trang phục dệt may "Magie" với sự góp mặt của Nhà tạo mẫu Minh Hạnh cùng sự tham gia của Francoise Hofmann (Pháp), Patis Tesoro (Philippin), Kinor Yang (Hongkong) tại sân khấu Bia Quốc học; Trưng bày giới thiệu sản phẩm của 20 nghệ nhân, nhà thiết kế, sáng tác: dệt tay, in khung, đan nghệ thuật ba chiều, vẽ hiện thực trên vải, thêu tay, nhuộm vải,... tại Bảo tàng Văn hóa Huế; Trưng bày "Tiến trình phát triển ngành Dệt may" hội tụ 15 câu chuyện vốn là những kỷ niệm của cá nhân và gia đình gắn với nghề dệt may, do những nhân vật đặc biệt của Việt Nam đang sinh sống tại Pháp tự thuật, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp;...
Festival nghề truyền thống 2013 sẽ là cuộc biểu dương sinh động của trí tuệ và tài năng, đến từ những bàn tay vàng các làng nghề thủ công truyền thống Huế và trên cả nước tại vùng đất di sản Huế.