Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
  

(Theo quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh)

Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch: Toàn bộ ranh giới hành chính huyện Nam Đông, gồm 01 thị trấn Khe Tre và 09 xã (Hương Phú, Hương Lộc, Hương Xuân, Thượng Lộ, Hương Sơn, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long, Thượng Quảng). Ranh giới cụ thể như sau:

- Phía Đông giáp huyện Phú Lộc;

- Phía Tây giáp huyện A Lưới;

- Phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng;

- Phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy.

3. Quy mô

- Quy mô đất đai: khoảng 64.782,1 ha.

- Quy mô dân số:

+ Hiện trạng (năm 2020): 25.698 người.

+ Đến năm 2030: khoảng 36.000 người.

+ Đến năm 2050: khoảng 50.000 người.

4. Thời hạn quy hoạch

- Quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030.

- Quy hoạch giai đoạn dài hạn đến năm 2050.

5. Dự báo phát triển về dân số và đất đai

a) Dự báo phát triển dân số

- Dân số hiện trạng (năm 2020): Tổng dân số khoảng 25.698 người. Trong đó, dân số nông thôn khoảng 22.030 người, chiếm khoảng 85,7%; dân số đô thị khoảng 3.668 người, chiếm khoảng 14,3%.

- Năm 2030: Tổng dân số khoảng 36.000 người. Trong đó, dân số nông thôn khoảng 28.000 người, chiếm khoảng 77,8%; dân số đô thị khoảng 8.000 người, chiếm khoảng 22,2%. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 22%.

- Năm 2050: Tổng dân số khoảng 50.000 người. Trong đó, dân số nông thôn khoảng 33.000 người, chiếm khoảng 66,0%; dân số đô thị khoảng 17.000 người, chiếm khoảng 34,0%. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34%.

b) Dự báo phát triển về sử dụng đất

- Hiện trạng năm 2020:

+ Đất xây dựng đô thị là 87,5 ha, bình quân khoảng 239 m2/người.

+ Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn là 832,4 ha, bình quân khoảng 378 m2/người.

- Đến năm 2030:

+ Đất đô thị khoảng 857,6 ha (đô thị Khe Tre mở rộng). Trong đó: đất xây dựng đô thị khoảng 220 ha, chỉ tiêu 275 m²/người.

+ Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 680 ha, chỉ tiêu khoảng 243 m²/người.

- Đến năm 2050:

+ Đất đô thị khoảng 1.394,6 ha. Bao gồm:

* Đô thị Khe Tre mở rộng khoảng 857,6 ha và đô thị mới tại trung tâm xã Hương Xuân và xã Thượng Nhật khoảng 537 ha. Trong đó: đất xây dựng đô thị khoảng 400 ha, bao gồm: đô thị Khe Tre khoảng 300 ha, đô thị mới tại xã Hương Xuân và Thượng Nhật khoảng 100 ha; chỉ tiêu đất dân dụng đô thị Khe Tre khoảng 250 m²/người,

* Chỉ tiêu đất dân dụng đô thị mới tại trung tâm xã Hương Xuân và xã Thượng Nhật khoảng 200 m²/người.

+ Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 800 ha, chỉ tiêu khoảng 242 m²/người.

6. Tính chất

- Là vùng đô thị, nông thôn với sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

- Là vùng gò đồi miền núi gắn với không gian cảnh quan thiên nhiên đặc thù, đa dạng sinh học. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc độc đáo của địa phương.

- Là vùng có tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, công nghiệp năng lượng, sản xuất, chế biến và tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi trang trại, khai thác thế mạnh tài nguyên khoáng sản, dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của người Cơ Tu.

7. Mục tiêu

- Cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 03/02/2012.

- Xây dựng huyện Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới theo Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020.

- Phát triển vùng huyện Nam Đông đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm của khu vực về phát triển kinh tế nông - lâm - công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch.

- Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn, khu chức năng theo hướng tăng trưởng xanh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại và bảo tồn, phục hồi rừng tự nhiên, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn.

8. Định hướng phát triển không gian vùng

8.1. Mô hình phát triển không gian vùng

Không gian vùng huyện Nam Đông sẽ phát triển theo cấu trúc sau:

a) Trục động lực phát triển:

- Trục Bắc - Nam: Trục cao tốc Bắc - Nam là trục kết nối giao thông thuận lợi với khu vực liên vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng các nguồn lực khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

- Trục Đông - Tây:

 Tỉnh lộ 14B là trục kết nối trung tâm huyện thị trấn Khe Tre với các xã phía Bắc và Tây Nam của  huyện, kết nối với đường Hồ Chí Minh ở huyện A Lưới là trục động lực phát triển kinh tế, giao thương của huyện với các địa phương khác của tỉnh, cửa khẩu A Đớt.

Tỉnh lộ 16 là tuyến đường hỗ trợ kết nối vùng huyện Nam Đông đến các khu vực phía Tây thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền.

b) Các điểm đô thị hạt nhân:

- Đô thị thị trấn Khe Tre và phần mở rộng: Thị trấn trung tâm huyện lỵ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện.

- Khu vực phát triển đô thị mới tại trung tâm xã Hương Xuân và xã Thượng Nhật.

- Các khu trung tâm xã được định hướng phát triển theo hướng đô thị.

8.2. Phân vùng kiểm soát phát triển

a) Vùng đô thị: Là vùng đô thị và vùng phát triển theo hướng đô thị.

- Phạm vi, quy mô: Gồm 2 đô thị với quy mô diện tích  khoảng 1.394,6 ha, trong đó đô thị Khe Tre mở rộng với quy mô 857,6 ha (phần mở rộng về phía xã Hương Xuân 400 ha, Thượng Lộ 26 ha); đô thị mới vùng trung tâm xã Hương Xuân- Thượng Nhật có quy mô khoảng 537 ha.

- Chức năng: Là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội; chú trọng phát triển dịch vụ, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ công, chuyển giao công nghệ, du lịch - nghỉ dưỡng, đô thị thông minh.

b) Vùng nông thôn:

- Phạm vi, quy mô: Tổng diện tích khoảng 15.041ha, bao gồm vùng dân cư nông thôn, vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp - nông thôn, phát triển du lịch, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên phạm vi các xã.

- Chức năng: Là vùng sinh sống của dân cư nông thôn, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã.

c) Vùng bảo vệ:

- Phạm vi, quy mô: Tổng diện tích khoảng 48.346ha, bao gồm:

+ Vùng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, gồm khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong đó: Rừng đặc dụng gồm Vườn quốc gia Bạch Mã có diện  tích 24.412,5 ha, Khu Bảo tồn Sao La có diện tích khoảng 5.610 ha và rừng phòng hộ thuộc  Ban Quản lý rừng phòng hộ có diện tích khoảng 8.436 ha;

+ Rừng tự nhiên tiếp giáp khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, gồm: rừng tự nhiên thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ có diện tích 2.866 ha; rừng tự nhiên của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý có diện tích khoảng 6.058 ha và diện tích rừng tự nhiên UBND các xã đang quản lý khoảng 963 ha.

- Chức năng: Bảo vệ cảnh quan rừng tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn loài và đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu.

8.3. Các khu vực cần bảo tồn

- Bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn loài.

- Bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn Sao La. Hạn chế xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái nguyên sinh.

- Bảo tồn và phát huy các khu vực làng văn hóa truyền thống gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ Tu.

- Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện tại Đồi Chiến thắng trung tâm huấn luyện Biệt kích Nam Đông (xã Hương Hữu - Hương Xuân) và Đồi Chiến thắng Khe Tre (thị trấn Khe Tre).

8.4. Định hướng phát triển hệ thống đô thị

a) Đến năm 2030:

- Có 01 đô thị loại V (đô thị Khe Tre): Phát triển hoàn chỉnh khu đô thị trung tâm thị trấn Khe Tre (đô thị loại V) và phần mở rộng. Đô thị thị trấn Khe Tre và khu vực mở rộng sẽ phát triển hài hòa giữa khu vực phía Bắc và phía Nam sông Khe Tre. Khu vực mở rộng sẽ phát triển bổ sung các chức năng trung tâm đô thị cho khu vực thị trấn Khe Tre hiện tại. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị Khe Tre và phần mở rộng hướng đến các tiêu chí đô thị loại IV.

- Quy mô dân số dự báo đến năm 2030: 8.000 người.

- Quy mô đất đai:

+ Quy mô đất đô thị thị trấn Khe Tre và phần mở rộng là 857,6 ha, trong đó: Thị trấn Khe Tre hiện tại có diện tích 431,6 ha và phần mở rộng khoảng 426 ha.

+ Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030: 220 ha.

- Các định hướng đối với khu vực phát triển đô thị:

+ Phát triển tạo sự kết nối với xã Hương Phú (về phía Đông) và xã Hương Xuân (về phía Tây), sông Tả Trạch trở thành trung tâm của cả khu vực.

+ Giữ gìn và phát triển cảnh quan sinh thái kết hợp bảo vệ dãy đồi Khe Tre; phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, thể thao phù hợp với mục tiêu bảo vệ cảnh quan và di tích lịch sử.

+ Giữ gìn các khu dân cư hiện hữu, phát triển các khu dân cư mới, khu hành chính của một số cơ quan, khu thương mại (chợ Khe Tre) và các dịch vụ phục vụ du lịch.

+ Xây dựng khu đô thị trung tâm Khe Tre. Sắp xếp lại nhà ở dân cư trong khu vực. Xây dựng khu đô thị bao gồm nhà ở, thương mại, các dịch vụ tạo điểm  nhấn của trung tâm đô thị.

+ Phát triển đô thị vùng Le No: Xây dựng chợ Khe Tre mới, bến xe, phát triển dân cư, đầu tư hạ tầng giao thông, kè chống sạt lỡ từ Trung tâm Y tế huyện đến cầu Le No. Xây dựng hệ thống thoát nước, chỉnh trang vỉa hè, trồng cây xanh; xây dựng các tuyến đường đi bộ dọc sông Tả Trạch, Le No. Xây dựng các đập tràn tạo mặt nước sinh thái ở khu vực cầu Khe tre, Le No.

+ Sắp xếp, xây dựng khu hành chính tập trung từ đường Tô Vĩnh Diện dọc đường Trường Sơn Đông đến đường Bế Văn Đàn.

b) Đến năm 2050:

Dự kiến đến năm 2050, huyện sẽ có 2 đô thị với quy mô diện tích 1.394,6 ha, trong đó đô thị Khe Tre 857,6 ha đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và thành lập 01 đô thị mới vùng trung tâm xã Hương Xuân - Thượng Nhật có quy mô khoảng 537 ha, đạt chuẩn đô thị loại V.

Phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại. Đầu tư kết cấu hạ tầng ở trung tâm các xã theo các tiêu chí đô thị, cụ thể như sau:

- Đô thị Khe Tre mở rộng:

+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị Khe Tre và phần mở rộng hướng đạt các tiêu chí đô thị loại IV.

+ Quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 12.000 người.

+ Quy mô đất đai: Quy mô đất đô thị của thị trấn Khe Tre và phần mở rộng là 857,6 ha (Ổn định bằng giai đoạn quy hoạch đến năm 2030). Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 300 ha.

+ Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị 250 m²/người.

+ Tính chất: Là trung tâm huyện lỵ về hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Nam Đông. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh, phát triển theo hướng đô thị sinh thái, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

- Đô thị mới tại trung tâm xã Hương Xuân và xã Thượng Nhật:

+ Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt các tiêu chí đô thị loại V.

+ Quy mô dân số: khoảng 5.000 người.

+ Quy mô đất đai: khoảng 537 ha, trong đó: đất xây dựng đô thị khoảng 100 ha.

+ Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị 200 m²/người.

+ Tính chất: Là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai, được đầu tư xây dựng từng bước để đạt tiêu chí đô thị loại V và sẽ trở thành trung tâm tiểu vùng, có chức năng là trung tâm thương mại, du lịch hỗ trợ cho đô thị Khe Tre; Là đô thị phát triển theo mô hình nông thị sinh thái bền vững,...

8.5. Định hướng phát triển nông thôn

- Thu hẹp độ chênh lệch về mọi mặt giữa các vùng đô thị và nông thôn. Phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới trong năm 2022.

- Quy hoạch và định hướng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Tạo không gian xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với không gian nông thôn truyền thống.

- Xây dựng các vùng sản xuất tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi, trồng cây ăn quả với các giống cây chủ lực như: cam, dứa, chuối...với quy mô thích hợp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

- Duy trì các điểm dân cư hiện tại, bố trí xen ghép ở các khu dân cư hiện hữu.

- Tổ chức mới các điểm dân cư nông thôn khoảng 125 ha. Xây dựng nhà ở cho công nhân lao động cụm CN Hương Phú, Hương Hòa. Di dời các hộ gia đình ở Cụm dân cư Phú Mậu 1 do ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác và Cụm CN Hương Phú.

8.6. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội

a) Hệ thống giáo dục đào tạo.

- Duy trì mạng lưới trường học hiện có, giải phóng mặt bằng, mở rộng diện tích xung quanh đủ tiêu chuẩn. Đầu tư cơ sở vật chất trường học đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhu cầu dạy học.

- Xây dựng mới Trường THPT Nam Đông tại Hương Xuân. Chuyển trường THPT Nam Đông (tại Khe Tre) làm cơ sở 2 của trường THCS thị trấn Khe Tre.

- Mở rộng diện tích trường THCS Dân tộc nội trú.

- Các cơ sở giáo dục, đào tạo khác: Ổn định quy mô đất đai; bổ sung, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất tiến tới 100% trường đạt chuẩn quốc gia 1 và tăng số trường đạt mức độ 2. Đến năm 2030, 100% các cơ sở giáo dục đảm bảo diện tích đất theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo; 100% trường thực hiện chương trình Xanh-Sạch-Sáng-An toàn trong giáo dục của tỉnh. Định hướng xây dựng phát triển các trường học kiểu mẫu.

b) Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe.

Duy trì, đầu tư nâng cấp các Trung tâm Y tế huyện, các Trạm y tế xã, thị trấn trở thành các điểm y tế có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế.

c) Hệ thống văn hóa - thể thao.

- Đến năm 2030: Nâng cấp các trung tâm văn văn hóa, thể thao huyện, cấp và các nhà văn hóa xã, thôn theo đúng định hướng đã được phê duyệt tại các đồ án quy hoạch chung thị trấn Khe Tre đến năm 2030 và các định hướng quy định tại các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021-2030.

- Tầm nhìn đến năm 2050: Xây dựng mới Trung tâm văn hóa thể thao đa năng huyện tại các khu vực mở rộng đô thị Khe Tre đáp ứng các tiêu chí đô thị. Hình thành tổ hợp trung tâm văn hóa thể thao đa năng cấp vùng tại khu vực mở rộng đô thị Khe Tre, bao gồm các chức năng như: sân vận động, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa trung tâm, nhà văn hóa thiếu nhi theo tiêu chí đô thị loại IV.

9. Định hướng phát triển các ngành kinh tế

9.1. Nông nghiệp

- Xây dựng ngành nông nghiệp huyện Nam Đông phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.

- Xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: Trồng mới và duy trì cây cao su khoảng 2000 ha. Trồng rừng gỗ lớn khoảng 3000 ha, trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

- Phát triển diện tích trồng cây ăn quả.

- Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung khoảng 50 ha (tại Hương Phú, Hương Xuân và các xã còn lại).

- Quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đầu nguồn gắn với phát triển rừng, làm giàu rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng gắn với dịch vụ môi trường góp phần tạo sinh kế và nâng cao đời sống nhân dân.

- Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, đường đến các trung tâm sản xuất, các tổ hợp dịch vụ phục vụ bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

9.2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề

a) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

- Quy hoạch diện tích đất công nghiệp diện tích khoảng 160 ha. Mở rộng Cụm công nghiệp Hương Phú về phía Tây Bắc. Ổn định cụm công nghiệp Hương Hòa. Đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp mới. Kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp, chú trọng chế biến gỗ công nghiệp, mộc mỹ nghệ; chế biến gỗ ván ép, viên nén; sản xuất vật liệu xây dựng; nội thất; phẩm nhựa; chế biến nông sản và các ngành nghề lợi thế khác.

- Phát triển ngành chế biến đá ốp lát, sản xuất vật liệu xây dựng quy mô diện tích khoảng 200 ha. Xây dựng nhà máy xi măng Nam Đông và vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 100 ha.

- Tiếp tục tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xi măng.

- Duy trì 2 nhà máy thủy điện công suất 17MW.

b) Làng nghề:

- Khuyến khích phát triển các nghề và làng nghề truyền thống theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hóa, thu hút thêm lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới. 

- Ưu tiên khôi phục, tạo điều kiện, làng nghề truyền thống đã bị mai một: Dệt zèng, mây tre đan ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số.

9.3. Thương mại

- Đến 2030: Xây dựng chợ Khe Tre mới đạt chuẩn chợ loại I. Xây dựng khu vực chợ Khe Tre hiện và đồi Khe Tre thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ vùng lõi trung tâm huyện. Xây dựng chợ Nam Đông thành chợ loại II.

- Đến năm 2050: Phát triển thêm các mô hình chợ như chợ Phiên hoặc chợ đêm tại Khe Tre. Xây dựng trạm dừng nghỉ bên phải tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện khoảng 2 ha; Điểm thương mại, dịch vụ Logistics gắn với phát triển Cụm công nghiệp Hương Phú, điểm dừng nghỉ nút giao Quốc lộ 49E với đường Tỉnh 16 khoảng 2 ha.

- Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững, gắn với phát triển du lịch và dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ, phương thức lưu chuyển, giao dịch hàng hóa đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.

9.4. Dịch vụ du lịch

- Khai thác lợi thế, tiềm năng về du lịch du lịch cảnh quan thiên nhiên, khe suối, thác nước, hồ chứa, rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, bảo tồn làng văn hóa dân tộc Cơ Tu, khai thác các điểm du lịch thác Phướng, thác Ka Zan, hồ thủy điện Thượng Lộ, hồ thủy điện Thượng Nhật, đập tràn Hai Nhất và hồ Tà Rinh, thác T7 Hương Sơn và hồ Tả Trạch, suối Khe Môn, thôn A Xăng xã Thượng Long, hồ Ka Tư xã Hương Phú, suối Khe Bó xã Thượng Quảng, khu dịch vụ du lịch - cắm trại thôn 11 xã Hương Xuân.

- Đầu tư Khu dịch vụ nghỉ dưỡng La Vân quy mô khoảng 120 ha tại xã Thượng Nhật.

- Đầu tư và kêu đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, đầu tư đường giao thông, điện đến các điểm du lịch. Phát triển mạng lưới khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng; cửa hàng bán các thổ sản, quà lưu niệm, quà tặng,...

10. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

10.1. Giao thông

- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc.

- Quốc lộ: Hình thành Quốc lộ 49E trên cơ sở quy hoạch các tuyến tỉnh lộ 14B và tỉnh lộ 74 theo Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 09 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất bổ sung đường nối Nam Đông với Tây Giang tỉnh Quảng Nam vào Quốc lộ 49E.

- Tỉnh lộ: Đầu tư nâng cấp chất lượng mặt đường và quy mô đường tỉnh lộ 16 (nối với Phong Điền, Hương Trà). Mở rộng đoạn qua khu vực các đô thị, điểm trung tâm tiểu vùng, điểm dân cư nông thôn tập trung đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Nâng cấp tỉnh lộ 14B.

- Đường huyện: Duy trì, nâng cấp các tuyến đường huyện hiện có. Đầu tư tuyến đường vành đai hỗ trợ quốc lộ 49E. Đầu tư các tuyến đường đô thị theo Quy hoạch chung thị trấn Khe Tre, đường đến các điểm du lịch; các tuyến đường kết nối thị trấn Khe Tre với các xã và khu dự kiến mở rộng đô thị. Nâng cấp, mở rộng hệ thống đường xã, thôn xóm đạt chuẩn giao thông nông thôn.

- Đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ bên phải tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện; Điểm thương mại, dịch vụ Logistics gắn với phát triển Cụm Công nghiệp Hương Phú, xây dựng điểm dừng nghỉ nút giao Quốc lộ 49E với đường Tỉnh lộ 16.

- Chỉnh trang bến xe Khe Tre, Hương Giang. Chỉnh trang, bố trí đậu đỗ; bố trí các điểm xe buýt từ Thượng Quảng đến Hương Phú nối liền các tuyến Huế, Vinh Hiền, Đà Nẵng.

- Xây dựng bến xe Khe Tre tại vị trí quy hoạch gắn liền với chợ Khe Tre.

- Giao thông đường thủy chủ yếu phục vụ du lịch vận chuyển trong phạm vi nhỏ.

10.2. Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật

- Quy hoạch chiều cao nền: Lấy mực nước dâng lòng hồ Tả Trạch làm chuẩn. Cao độ thấp nhất cao hơn hoặc bằng mực nước lòng hồ thiết kế Hmax + 0,5m. Khu vực dân cư nông thôn san nền chỉ san đắp nền cho phần đất xây dựng công trình (nhà ở, nhà và công trình công cộng, nhà sản xuất, đường giao thông). Phần đất còn lại được giữ nguyên địa hình tự nhiên.

- Định hướng thoát nước: Hệ thống thoát nước mưa và nước thải ở khu dân cư mới xây dựng sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Khu vực hiện hữu đã có mạng lưới thoát nước chung phải quy hoạch hệ thống thoát nước nữa riêng hoặc cải tạo thành hệ thống thoát nước riêng.

10.3. Quy hoạch cấp nước

- Tổng nhu cầu cấp nước đến năm 2030 là 4874 m³/ngđ.

- Quy hoạch nguồn cấp nước: Đến năm 2030: Nâng công suất Nhà máy nước Nam Đông và Thượng Long từ 2.000m3/ngđ lên 4.000m3/ngđ tại thời điểm phù hợp (để đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển nhà máy xi măng Nam Đông). Mạng lưới đường ống đảm bảo cấp nước liên tục cho nhu cầu dùng nước; đường ống trục chính cấp 1, cấp 2 dùng mạch vòng, mạng lưới phân phối dùng mạch kết hợp.

10.4. Quy hoạch cấp điện

- Tổng công suất phụ tải điện đến năm 2030 là: 17.600 KVA, đến năm 2050 là 45.000 KVA.

- Nguồn điện được cấp lưới điện 22kV từ trạm trung gian 35/22kV xuất tuyến 373 E6 và thủy điện Thượng Lộ, thủy điện Thượng Nhật.

- Xây dựng đường dây 110 kV đến trạm 110kv XM Nam Đông 25MVA và hoàn thiện lưới điện 22kv nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu tổn thất điện năng.

- Định hướng xây dựng và cải tạo lưới điện: lưới điện trung áp của huyện sẽ được vận hành ở cấp điện áp 22 kV, điện áp 35 kV phục vụ đấu nối các nguồn điện trên địa bàn vào hệ thống.

- Chỉ đi cáp ngầm khu vực đô thị, đi nổi ở các khu nông thôn..

10.5. Thông tin liên lạc

-    Mục tiêu: Ngầm hóa hệ thống mạng cáp viễn thông đảm bảo cảnh quan đô thị và khu du lịch.

- Đến năm 2030: Hoàn thiện hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng phục vụ góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo 100% vùng phủ sóng Internet không dây tại khu vực thị trấn và khu vực trung tâm xã.

10.6. Quy hoạch hệ thống thủy lợi

- Giải pháp phi công trình chống lũ: Đề xuất giải pháp về tổ chức xã hội: Tổ chức bộ máy theo dõi chỉ đạo và huy động lực lượng phòng chống bão lụt; tổ chức tuyên truyền, giáo dục;

- Giải pháp phòng chống, giảm nhẹ, phòng ngừa: Tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ; trồng rừng và bảo vệ rừng.

- An toàn hồ đập: Cải thiện hệ thống quan trắc phục vụ công tác quản lý vận hành các hồ đập; lắp đặt hệ thống cảnh báo khu vực hạ du các công trình.

- Giải pháp công trình chống lũ: Thường xuyên kiểm tra hệ thống các tuyến kè sông, khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát lũ.

10.7. Quy hoạch thoát nước thải, quản lý CTR và nghĩa trang

a) Thoát nước thải:

- Lưu vực đô thị:  Nước thải sẽ được thu gom xử lý đạt yêu cầu trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

+ Khu dân cư mới xây dựng: Hệ thống thoát nước sử dụng hệ thống thoát nước riêng.

+ Khu dân cư hiện hữu: Hệ thống thoát nước sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng.

+ Nước thải sinh hoạt ở lưu vực đô thị được thu gom và đưa về trạm  xử lý trước khi xả vào sông.

+ Khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch: Hệ thống thoát nước sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Xử lý đạt yêu cầu trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Lưu vực nông thôn: Khu vực nông thôn có dân cư thưa thì xử lý nước thải theo cục bộ bằng các bể tự hoại.

- Tổng lưu lượng thoát nước: tính bằng 100% tiêu chuẩn cấp nước, ngoại trừ lượng nước thất thoát rò rỉ và lượng nước tưới cây rửa đường.

- Trạm xử lý nước thải dự kiến đặt 2 trạm ở ven sông Tả Trạch, diện tích trạm xử lý dự kiến 1ha.

c) Rác thải và vệ sinh môi trường, nghĩa trang:

- Rác sinh hoạt: Tiêu chuẩn thải rác sinh hoạt giai đoạn 2030 là 0,8kg/ng/ng, tỷ lệ thu gom đạt ≥85%. Tiêu chuẩn thải rác sinh hoạt giai đoạn 2050 là 0,9kg/ng/ng, tỷ lệ thu gom đạt ≥90%. Lượng chất thải rắn công nghiệp:  0,3T/ha.ngày; trong đó, chất thải rắn công nghiệp nguy hại tính bằng 20% lượng chất thải rắn công nghiệp.

- Bãi chôn lấp: Duy trì bãi chôn lấp chất thải rắn Hương Phú quy mô 4 ha. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải công nghệ cao (lò đốt rác).

- Nghĩa trang: Hệ thống nghĩa trang trên địa bàn huyện được bố trí đảm bảo phù hợp theo quy hoạch hệ thống nghĩa trang trên toàn tỉnh. Mở rộng nghĩa trang Hương Hòa quy mô 3 ha, nghĩa trang Hương Phú 2 ha, xây dựng nghĩa trang nhân dân các xã theo quy hoạch chung xây dựng xã.

11. Đánh giá môi trường chiến lược

- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo vệ và giải quyết tình trạng suy thoái môi trường tại các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi, bệnh viện, khu dân cư.

- Khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Vấn đề bảo vệ môi trường cần được chú trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội và phát triển khai thác các hoạt động bảo vệ môi trường theo mục tiêu bền vững.

- Nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các tầng lớp nhân dân.

12. Các chương trình phát triển và dự án ưu tiên đầu tư

12.1. Các chương trình phát triển

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện.

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống đường bộ hiện tại theo tiêu chuẩn.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng cụm công nghiệp đã được thành lập; kêu gọi đầu tư xây dựng, phát triể ncác cụm công nghiệp mới và ổn định mạng lưới các cụm công nghiệp vào giai đoạn đến năm 2030.

- Kêu gọi và xúc tiến đầu tư phát triển một số dự án trọng điểm phát triển đô thị, khu đô thị mới; lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là địch vụ thương mại, dịch vụ du lịch văn hóa, sinh thái, trải nghiệm.

- Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Hình thành các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dự án trọng điểm trong lĩnh vực phát triển xã hội.

- Hình thành các chương trình đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ.

- Xây dựng chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Xây dựng chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa huyện Nam Đông và các đơn vị hành chính cấp huyện trong tỉnh.

12.2. Danh mục ưu tiên đầu tư

- Công trình nông nghiệp - nông thôn: Công trình thích ứng, biến đổi khí hậu; Các công trình, hạ tầng thiết yếu xây dựng, phát triển nông thôn; Hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất tập trung, phát triển trang trại; Các công trình hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn khác,…

- Công trình giao thông: Đầu tư xây dựng mới và rộng các tuyến Tỉnh lộ đoạn qua khu vực đô thị và điểm phát triển dân cư tập trung; Đường vành đai; các đường liên huyện; các đường liên xã; Đường nội thị, nông thôn; đường vào các khu du lịch sinh thái; Hệ thống cầu cống trên các sông; Hạ tầng phụ trợ giao thông,…

- Công trình công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật: Hạ tầng kỹ thuật tại các điểm đô thị, điểm phát triển dân cư tập trung; Hạ tầng cụm công nghiệp; hạ tầng hỗ trợ phát triển làng nghề,…

- Công trình giáo dục: Đầu tư xây dựng, nâng cấp, trang thiết bị…

- Công trình văn hóa, thể thao, du lịch: Bảo tồn, trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử; xây dựng, xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao huyện; nâng cấp các nhà văn hóa xã; xây dựng, nâng cấp các trung tâm thể dục thể thao; hạ tầng thiết yếu tại các điểm đến du lích,…

- Công trình y tế, môi trường: Nâng cấp, mở rộng trung tâm y tế huyện; Nâng cấp trạm y tế xã; xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, y tế; Các công trình thiết yếu khác,…

12.3. Nguồn lực thực hiện

- Nguồn ngân sách Nhà nước đối với công trình trụ sở cơ quan, hành chính công, bệnh viện, giáo dục, công viên cây xanh, công trình thể dục thể thao, công trình thích ứng, biến đổi khí hậu, công trình hạ tầng đầu mối, công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ mục đích phát triển, xây dựng nông thôn mới,...

- Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hạng mục xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch,…

12.4. Lộ trình thực hiện

- Giai đoạn 2020-2025:

+ Rà soát, lập kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng các chương trình trọng điểm trong danh mục ưu tiên đầu tư. Đồng thời triển khai các công trình cấp bách; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư. Lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch ngành nghề, quy hoạch đô thị, các quy hoạch chi tiết phục vụ mục đích phát triển trong thời kỳ mới.

+ Phát triển hệ thống hạ tầng khung và dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

- Giai đoạn 2025-2030: Thực hiện các dự án về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái. Hoàn chỉnh các chiến lược phát triển hướng tới sự gắn kết, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.

- Giai đoạn 2030-2050: Tiếp tục hoàn thành các dự án về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường. Đảm bảo ổn định các nguyên tắc phát triển thân thiện với môi trường sinh thái.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]