Mục đích của phân vùng khí hậu là phân chia các vùng lãnh thổ theo các yếu tố khí hậu. Nội dung chính của quá trình phân vùng là phân tích có hệ thống về đặc điểm, nguyên nhân hình thành khí hậu, rút ra những quy luật và mức độ phân hóa khác nhau về mặt khí hậu và thời tiết mỗi nơi. Từ đó phân tích, chọn lọc đưa ra một hệ thống phân vị và những chỉ tiêu phân vùng thích hợp.
Kết quả phân vùng khí hậu thể hiện bản chất của quy luật tự nhiên, mang tính khách quan. Phân vùng khí hậu còn là tiền đề của các phương án phân vùng ứng dụng khác.
Xuất phát từ mục đích nói trên, phân vùng khí hậu Thừa Thiên Huế phải dựa vào các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc 1: Phân vùng khí hậu phải phản ánh trung thực quy luật phân hoá theo không gian của chế độ khí hậu.
- Nguyên tắc 2: Phân hoá khí hậu luôn là một thực tế tồn tại trong tất cả các yếu tố về mọi đặc trưng khí hậu. Mức độ phân hoá thường không giống nhau giữa các đặc trưng. Vì vậy, phản ảnh trực tiếp trên sơ đồ phân vùng khí hậu chỉ là những phân hoá quan trọng nhất về các điều kiện và tài nguyên khí hậu cơ bản nhất.
- Nguyên tắc 3: Cơ sở của việc phân tích và đánh giá sự phân hoá về tài nguyên khí hậu là số liệu khí tượng, thủy văn và đo mưa trên địa bàn tỉnh.
- Nguyên tắc 4: Trong quá trình phân vùng khí hậu, lãnh thổ nhỏ thường khó phát hiện được những phân hóa không lớn. Tuy nhiên, phân hoá khí hậu không lớn lại thường bắt nguồn từ một điều kiện địa lý - khí hậu cụ thể, vì vậy trong phân vùng khí hậu Thừa Thiên Huế sử dụng những chỉ tiêu cùng phản ảnh một thực tế về phân hoá khí hậu.
- Nguyên tắc 5: Các nhóm chỉ tiêu được lựa chọn tương ứng với các cấp phân vị; mỗi cấp phân vị bao gồm một nhóm các đối tượng yếu tố chỉ tiêu. Một số trị số quan trọng của các đặc trưng đó được chọn làm trị số các đường ranh giới tương ứng cấp phân vị.
Mỗi đường đẳng trị của các cấp đặc trưng được chọn làm trị số ranh giới đều có khả năng phân chia không gian mà nó đi qua thành hai đơn vị khác nhau trong sơ đồ phân vùng.
- Nguyên tắc 6: Nội dung của công tác phân vùng khí hậu (xác định cấp phân vị, lựa chọn các chỉ tiêu, xác định ranh giới các đơn vị phân vùng) đều thực hiện theo những lý luận chung về phân vùng khí hậu. Tuy nhiên, các chỉ tiêu phân vùng này chưa thể phản ảnh đầy đủ tính thực tiễn. Ranh giới giữa các đường phân vị đều là ước định, mang tính chuyển tiếp về khí hậu giữa các đơn vị phân vùng.
1. Phải dựa vào các phân hóa khí hậu cơ bản nhất. Trong trường hợp lãnh thổ không có sự phân hóa về mặt khí hậu (đồng nhất về mặt khí hậu), thì vấn đề phân vùng khí hậu không cần thiết phải đặt ra. Những phân hóa khí hậu cơ bản nhất ở đây phản ảnh hệ quả tác động tổng hợp của các nhân tố tạo thành khí hậu, có ý nghĩa về mặt khí hậu cũng như về mặt sản xuất.
2. Phân vùng khí hậu dựa trên số liệu quan trắc trên mạng lưới khí tượng và số liệu khảo sát khí hậu. Ranh giới các vùng được xác định trên cơ sở các chỉ tiêu phân vùng. Ranh giới khí hậu được hiểu là vùng quá độ giữa hai vùng khí hậu khác nhau.
3. Phải có tính khái quát: do điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt, núi lan ra tận biển nên mặc dù đã cố gắng chi tiết hóa, nhưng trong mỗi đơn vị khí hậu được phân chia, khó có thể có sự đồng nhất hoàn toàn về mặt khí hậu. Do đó, quá trình xác định các đường ranh giới đã mang tính khái quát, không tính đến một bộ phận diện tích nhỏ nằm trong tổng thể. Nếu chi tiết hóa những phân hóa nhỏ, sơ đồ sẽ tản mạn, manh mún, thiếu sự khái quát chung.