Biến đổi nhiệt độ theo không gian
  

1. Nhiệt độ năm theo vị trí địa lý và độ cao

Nhiệt độ bị phân hoá bởi những quy luật theo phương kinh tuyến, phương vĩ tuyến hay khoảng cách với bờ biển, giảm theo độ cao, thay đổi mang tính cục bộ địa phương. Nhìn chung địa hình Thừa Thiên Huế cao dần từ đông sang tây cho nên theo quy luật thì nhiệt độ cũng giảm dần từ đông sang tây, còn từ bắc vào nam nhiệt độ có tăng nhưng không đáng kể.

a. Nhiệt độ trung bình năm

Nhiệt độ trung bình năm tại các nơi thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế phân bố tương đối đồng nhất với phân bố độ cao. Trung bình lên cao 100 mét, nhiệt độ giảm từ 0,6-0,7oC. Vùng đồng bằng và đồi núi thấp dưới 100m có nhiệt độ trung bình năm trong khoảng 24-25oC, tương đương với tổng nhiệt độ năm 8700-9100oC; từ 100-500m đạt từ 8000-8700oC; lên cao 500-1000m chỉ còn 19-22oC với tổng nhiệt độ năm đạt dưới 8000oC; và từ độ cao 1000m trở lên giảm xuống dưới 19oC. Tương ứng với giảm nhiệt độ trung bình năm theo độ cao là sự giảm của tổng nhiệt độ năm, các nơi có độ cao trên 500m, vật nuôi và cây trồng cần nhiệt độ tích lũy lớn hơn 8000oC sẽ ít thích hợp.

Bảng 5.2. Đặc trưng nhiệt độ trung bình, tổng nhiệt độ trung bình năm của một số địa điểm ở Thừa Thiên Huế

Trạm

Độ cao (m)

Ttb năm (oC)

Tổng nhiệt độ năm (oC)

Huế

10

25,1

9150

Nam Đông

60

24,5

8900

A Lưới

572

21,7

7900

Suất giảm nhiệt độ theo độ cao thay đổi theo mùa và dạng địa hình, các tháng mùa đông nhỏ hơn các tháng mùa hè, ở sườn đón gió nhỏ hơn ở sườn khuất gió.

Suất giảm nhiệt độ trung bình theo độ cao thể hiện khá đồng nhất, còn lại các đặc trưng nhiệt độ khác trị số suất giảm nhiệt có thay đổi, tuy nhiên đều theo quy luật giảm nhiệt dần theo độ cao.


Hình 5.1. Bản đồ phân bố nhiệt độ trung bình năm tỉnh Thừa Thiên Huế

b. Nhiệt độ cao nhất năm

Mùa hè tại Thừa Thiên Huế thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu áp thấp nóng phía tây và gió mùa tây nam, có những đợt gió tây nam mạnh kéo dài tạo hiệu ứng Phơn duy trì trong nhiều ngày. Do vậy, Thừa Thiên Huế là một trong những nơi có nhiệt độ cao nhất nước ta, nhiệt độ cao nhất tại Thừa Thiên Huế thường xảy ra vào tháng 6, tháng 7.

Ở vùng đồng bằng và đồi núi thấp trong những ngày có gió tây nam khô nóng mạnh, nhiệt độ cao nhất ban ngày có thể lên tới 40-41oC, còn những vùng núi cao nhiệt độ cao nhất cũng đạt 38-39oC. Đây là giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu đo đạc nhiều năm, thường từ 10 đến 20 năm mới có năm đạt nhiệt độ cao nhất như trên.

Bảng 5.3. Đặc trưng nhiệt độ (oC) trung bình, cao nhất và thấp nhất nhiều năm

Trạm

Ttb

Txtb

Tntb

Tx

Tn

Huế

25,1

29,5

22,1

41,3

9,5

Nam Đông

24,5

30,1

21,2

41,0

5,8

A Lưới

21,7

26,6

18,8

38,8

3,8

Chú thích: Txtb: Nhiệt độ cao nhất trung bình; Tntb: Nhiệt độ thấp nhất trung bình; Tx: Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; Tn: Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối.

c. Nhiệt độ thấp nhất năm

Mùa đông, hoàn lưu không khí lạnh phía bắc thường xuyên khống chế thời tiết Thừa Thiên Huế, đặc biệt đèo Hải Vân ở phía nam tỉnh chạy ra sát biển như bức tường đón gió, khiến những đợt gió mùa đông bắc có cường độ yếu và trung bình không đi sâu về phía nam, làm hơi ẩm tích tụ, gây nên những đợt rét buốt và mưa dầm kéo dài, nhiệt độ xuống rất thấp, rét buốt, ẩm ướt tạo cảm giác rất khó chịu. Nhiệt độ thấp nhất tại Thừa Thiên Huế thường xảy ra vào tháng 12, tháng 1.

Trong những ngày ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh và duy trì nhiều ngày, nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng có thể xuống 9-10oC, vùng núi cao xuống dưới 5oC (bảng 5.3). Như vậy ở các nơi thuộc Thừa Thiên Huế đều có khả năng xuất hiện rét hại trong mùa đông.

Tuy nhiên, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối (Tn) trong bảng 5.3 là số liệu cực đoan trong chuỗi số liệu nhiều năm, rất ít năm có nhiệt độ xuống thấp như vậy, nên khả năng xảy ra rét hại tại Thừa Thiên Huế không nhiều.

* Nhiệt độ mùa theo vị trí địa lý và độ cao

Nhiệt độ tại các nơi trong tỉnh Thừa Thiên Huế thay đổi do nhiều nguyên nhân. Ngoài ảnh hưởng của độ cao, nhiệt độ còn thay đổi theo hệ thống hoàn lưu thường xuyên chi phối theo từng mùa, từng tháng, thậm chí trong từng ngày. Tuy nhiên, tính trong nhiều năm, có thể chia ra hai mùa nhiệt độ, đó là nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ mùa đông, tương ứng với các hệ thống hoàn lưu theo 2 mùa thường xuyên chi phối thời tiết Thừa Thiên Huế. Suất giảm nhiệt theo vị trí địa lý và độ cao các tháng mùa hè lớn hơn các tháng mùa đông.

Theo số liệu trung bình nhiều năm thì tháng 4, tháng 9 (tháng giao mùa) và các tháng mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, có nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cao nhất trung bình và nhiệt độ thấp nhất trung bình đều khá cao và cao hơn giá trị đặc trưng nhiệt độ năm. Các tháng mùa đông, nhiệt độ giảm mạnh và đạt cực tiểu vào tháng 12 và tháng 1.

- Vào mùa đông, khi thiên đỉnh chuyển về phía xích đạo và nam bán cầu, nên độ cao mặt trời tại Thừa Thiên Huế xuống thấp, vì vậy bức xạ mặt trời giảm mạnh so với các tháng mùa hè. Đồng thời hoàn lưu ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế chủ yếu là không khí cực đới biến tính hoặc tín phong mùa đông, nên nhiệt độ các tháng này thấp và thấp hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm.

Tháng 1 là tháng chính đông, các đặc trưng nhiệt độ thể hiện rõ nét nhất cho đặc tính mùa đông. Vì vậy, nhiệt độ tháng 1 có thể xem như đại diện nhiệt độ cho mùa đông, được phân tích qua hình 5.2 và bảng 5.4 như sau:

 

Hình 5.2. Bản đồ phân bô nhiệt độ trung bình tháng 1 tỉnh Thừa Thiên Huế

Bảng 5.4. Các đặc trưng nhiệt độ (oC) tháng 1 tại các nơi ở Thừa Thiên Huế

Trạm

Yếu tố

Ttb

Txtb

Tntb

Tx

Tn

Huế

19,9

23,4

17,4

34,2

10,2

Nam Đông

19,9

24,5

17,1

37,2

5,8

A Lưới

17,3

21,4

14,7

32,4

3,8

Trong mùa đông, tháng 12 và tháng 1 là tháng lạnh nhất. Ở vùng đồng bằng ven biển và đồi núi thấp, nhiệt độ trung bình dao động trong khoảng 20 - 21oC; nhiệt độ cao nhất trung bình trong 2 tháng này từ 23-24,5oC và thường xuất hiện vào giữa trưa. Điều này chứng tỏ thời kỳ giữa mùa đông vào ba n ngày, tại vùng đồng bằng ven biển và đồi núi thấp cũng tương đối ấm, nhưng có một số thời gian, giá rét xảy ra cả đêm và ngày. Nhiệt độ thấp nhất trung bình trong 2 tháng này chỉ từ 17-18,5oC, thường giá trị nhiệt độ này đều rơi vào ban đêm, chứng tỏ ban đêm thời kỳ giữa mùa đông tại vùng đồng bằng ven biển và đồi núi thấp khá lạnh. Vùng núi cao khoảng 500m (thể hiện qua số liệu tại A Lưới) tháng 12 và tháng 1 nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 17,5oC; nhiệt độ cao nhất trung bình trong 2 tháng này từ 20,5 -21,5oC, nhiệt độ thấp nhất trung bình trong 2 tháng này chỉ từ 14,5-15,5oC, chứng tỏ thời kỳ giữa mùa đông tại vùng núi cao ban ngày trời mát mẻ, nhưng ban đêm rất lạnh.

Về suất giảm nhiệt theo độ cao của các đặc trưng nhiệt độ trung bình, nhiệt độ cao nhất trung bình, nhiệt độ thấp nhất trung bình thì các tháng mùa đông khá đồng nhất giảm khoảng 0,5oC/100m.

- Vào mùa hè, khi thiên đỉnh chuyển về phía bắc bán cầu, nên độ cao mặt trời tại Thừa Thiên Huế tăng dần và đạt cực đại vào đầu tháng 5 và đầu tháng 8, vì vậy bức xạ mặt trời tăng mạnh. Đồng thời, hoàn lưu nhiệt đới, nóng ẩm thường xuyên ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế, nên nhiệt độ các tháng này tăng cao.

Trong mùa hè tháng 6, tháng 7 là tháng nóng nhất, trong 2 tháng này ở vùng đồng bằng ven biển nhiệt độ trung bình khoảng 29,3oC; nhưng vùng núi thấp có độ cao nhỏ hơn 100m (Nam Đông), nhiệt độ trung bình chỉ có 27,8oC; trong khi vùng núi cao hơn 500m (A Lưới) nhiệt độ trung bình khoảng 25oC

Tháng 7 là tháng giữa mùa hè, các đặc trưng nhiệt độ thể hiện rõ nét nhất cho đặc tính mùa hè, vậy nhiệt độ tháng 7 có thể xem như đại diện nhiệt độ cho mùa hè, được phân tích qua hình 5.3 và bảng 5.5 như sau.

Bảng 5.5. Nhiệt độ (oC) tháng 7 tại các nơi ở Thừa Thiên Huế

Trạm

Yếu tố

Ttb

Txtb

Tntb

Tx

Tn

Huế

29,2

34,7

25,3

39,6

21,3

Nam Đông

27,9

34,9

23,6

38,8

19,6

ALưới

25,0

30,4

21,6

34,9

17,0

Xét cả nhiệt độ trung bình và nhiệt độ thấp nhất trung bình, trong 2 tháng nóng nhất nói riêng và trong cả mùa hè nói chung có suất giảm nhiệt lớn ở tầng thấp, giảm khoảng trên 1oC/100m. Nhưng suất giảm nhiệt lại nhỏ đi, giảm khoảng 0,5-0,6oC/100m khi lên các độ cao lớn hơn. Ngược lại, đối với nhiệt độ cao nhất trung bình tháng trong mùa hè thì từ mặt biển lên đến vùng có độ cao cỡ 100m, nhiệt độ hầu như không thay đổi, nhưng từ 100m đến 500m thì suất giảm nhiệt lại tăng cao khoảng 1oC/100m.


Hình 5.3. Bản đồ phân bô nhiệt độ trung bình tháng 7 tỉnh Thừa Thiên Huế

- Tháng 4 là thời kỳ chuyển tiếp từ mùa đông sang mùa hè, nhưng cũng có thể xem như giai đoạn đầu của mùa hè. Các hệ thống hoàn lưu mùa đông suy yếu, hệ thống hoàn lưu mùa hè bắt đầu hình thành và mạnh lên, làm cho các yếu tố khí tượng thay đổi nhiều, gây nên nhiệt độ cao hơn trung bình năm và nhiều hiện tượng đột biến cục bộ như dông, lốc, mưa đá cũng xảy ra nhiều nhất.

Do tính chất thay thế, chuyển giao có cả sự tranh chấp quyết liệt của các hoàn lưu mùa đông và mùa hè, nên thời tiết thay đổi rất nhanh thường đối nghịch nhau chỉ trong thời gian rất ngắn. Do vậy, có khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của những ngày nắng nóng ác liệt, nhiệt độ cao nhất ngày có thể lên 40oC, nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ khi không khí lạnh cuối mùa tràn xuống, nhiệt độ các nơi tại Thừa Thiên Huế giảm đột ngột và nhiệt độ cao nhất có thể hạ xuống khoảng 25oC, kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra.

Trong thời kỳ này, các hoàn lưu mùa hè nóng ẩm bắt đầu phát triển và thường mang tính bùng phát, có khi rất mạnh mẽ. Do vậy, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong năm cũng thường xảy ra trong tháng 4. Tuy nhiên, những hệ thống không khí nóng bùng phát mạnh mẽ trong giai đoạn này thường không kéo dài, nên các đặc trưng nhiệt độ trung bình tháng còn mang tính trung bình của nhiệt độ hai mùa, không cao bằng các tháng chính hè.

Sự phân bố nhiệt độ trung bình tháng tại các nơi được thể hiện qua bảng 5.6 và hình 5.4.

Bảng 5.6. Nhiệt độ (oC) tháng 4 tại các nơi ở Thừa Thiên Huế

Trạm

Yếu tố

Ttb

Txtb

Tntb

Tx

Tn

Huế

26,2

31,0

22,7

39,9

15,6

Nam Đông

26,2

32,8

22,1

40,9

14,7

A Lưới

22,9

29,4

19,2

38,8

12,5

 


Hình 5.4. Bản đồ phân bổ nhiệt độ trung bình tháng 4 tính Thừa Thiên Huế

- Tháng 10 là tháng đầu mùa đông, các hệ thống hoàn lưu mùa đông bắt đầu hình thành và mạnh lên, trong khi các hệ thống khí áp mùa hè vẫn còn hoạt động. Nhiệt độ trung bình xấp xỉ nhiệt độ trung bình toàn năm, các đặc trưng nhiệt độ cao nhất và thấp nhất cũng bắt đầu giảm và đạt cực tiểu vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.

Do hoàn lưu mùa đông bắt đầu hoạt động và ổn định dần, nhưng hoàn lưu mùa hè như xoáy thuận nhiệt đới, dải hội tụ,... vẫn còn hoạt động ở khu vực Trung Trung Bộ, nên thường xảy ra sự phối kết hợp của các hoàn lưu. Hiện tượng phối kết hợp của các hoàn lưu này thường gây ra mưa rất lớn và kéo dài cho khu vực miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Chính vì vậy, tháng 10 là tháng có tổng lượng mưa trung bình nhiều năm lớn nhất tại Thừa Thiên Huế.

Sự phân bố nhiệt độ trung bình tháng 10 tại các nơi được thể hiện qua bảng 5.7 và hình 5.5.

Bảng 5.7. Nhiệt độ (oC) tháng 10 tại các nơi ở Thừa Thiên Huế

Trạm

Yếu tố

Ttb

Txtb

Tntb

Tx

Tn

Huế

25,2

28,8

22,7

36,1

16,7

Nam Đông

24,4

28,9

21,9

35,5

14,7

ALưới

21,6

25,4

19,4

32,4

10,8

 


Hình 5.5. Bản đồ phân bô nhiệt độ trung bình tháng 10 tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguồn: Đề tài KHCN cấp tỉnh
 Bản in]
Các bài khác